Bất động sản mới nhất: Ồ ạt bán cắt lỗ condotel. (Nguồn: Condotelnhatrang.com.vn) |
Khánh Hòa xác định lại giá đất của 351 dự án
Theo Vietnamnet, mới đây, tỉnh Khánh Hòa thông báo sẽ thuê các đơn vị tư vấn độc lập để tiến hành xác định lại giá đất 351 dự án trên địa bàn. Trong đó, có nhiều dự án hoàn thành, đi vào sử dụng từ nhiều năm trước.
Theo đó, các đơn vị tư vấn sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và môi trường để tham gia đăng ký thẩm định cụ thể lại giá đất của 351 dự án.
Trong 351 dự án cần xác định giá đất, TP Nha Trang có 124 dự án (chiếm hơn 1.081 ha); TP Cam Ranh 22 dự án (chiếm hơn 101 ha); huyện Cam Lâm 48 dự án (chiếm hơn 1.00 ha); thị xã Ninh Hòa 25 dự án (chiếm hơn 146 ha).
Cụ thể, có 306 dự án xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; 43 dự án xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Còn 2 dự án xác định giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Tổng kinh phí để thực hiện gần 16 tỷ đồng.
Các dự án chủ yếu kinh doanh bất động sản, khu đô thị, du lịch. trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành đi vào kinh doanh hoặc bán ra thị trường nhiều năm nay.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc xác định lại giá đất cụ thể của 351 dự án là để thu lại số tiền chênh lệch, nộp ngân sách Nhà nước.
Địa ốc công nghiệp vẫn ‘sáng cửa’ bất chấp Covid-19
Bất kể làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam tiếp tục có các khu công nghiệp mới được thành lập, một vài dự án công nghiệp trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động.
Đáng chú ý, thị trường đã chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhận đình đám như: Thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.
Theo báo cáo gần nhất của IHS Markit, tính đến tháng 5/2021, lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam - phân tích: Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Tính đến ngày 20/5/2021, Việt Nam thu hút được tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,9 tỷ USD.
Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút 6,1 USD (chiếm 43% tổng vốn), có 215 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,57 tỷ USD và 222 dự án hiện có đăng ký tăng thêm 3,1 tỷ USD vốn.
Tin liên quan |
Bất động sản mới nhất: Đã khởi công 7 công trình ở khu tái định cư sân bay Long Thành; địa ốc công nghiệp ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 |
Các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất trong tháng 5/2021 đến từ nhóm doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore vào Quảng Ninh và Bắc Giang.
Ông John Campbell khẳng định, đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi tích cực từ các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới.
Trước đó, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam - nhận định: Chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các bất động sản công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam là một yếu tố tích cực.
Đồng thời, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Ồ ạt bán cắt lỗ condotel
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tiếp tục tác động lớn đến thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tình trạng chuyển nhượng condotel để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Tại Nha Trang, theo khảo sát của Batdongsan.com, nhiều condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 300 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn chấp nhận cắt lỗ 400-500 triệu đồng cũng chưa có người mua.
Tại Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/ căn.
Trải qua cả năm 2020, do vướng pháp lý và là dịch Covid-19, lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán ra thị trường rất ít. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2020 chỉ có 79 căn biệt thự nghỉ dưỡng được chấp thuận nghiệm thu.
Phải đến quý I/2021, thị trường này mới bật tăng trở lại với 884 condotel được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhưng thị trường lại gặp khó về đầu ra bởi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021 và kéo dài cho đến nay.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay khi khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã giáng đòn mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn suốt năm 2020, khiến đà hồi phục của thị trường trong mùa cao điểm du lịch cuối tháng 4 đầu tháng 5 bị chặn đứng.
Quảng Nam phê duyệt 100 dự án phát triển nhà ở năm 2021
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt danh mục 100 dự án phát triển nhà ở năm 2021, trong đó 98 dự án nhà ở thương mại và 2 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Danh mục các dự án triển khai thực hiện có 98 dự án nhà ở thương mại và 2 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, với diện tích đất ở để phát triển dự án nhà ở khoảng 787 ha.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 29/NQHĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh và quy định của pháp luật về nhà ở để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Lập, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; trong đó, cập nhật danh mục các dự án này vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Mua bán nhà đất bằng vi bằng có được sang tên sổ đỏ?
Theo Lao Động, mua bán nhà đất bằng vi bằng không được sang tên sổ đỏ vì pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực...
Có bắt buộc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng nhà đất không?
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế nhà đất gồm có:
Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK; Hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định (hợp đồng được công chứng hoặc chứng thực); Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.
Giá trị của vi bằng như thế nào?
Căn cứ Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, giá trị của vi bằng được quy định như sau:
+ Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng.
+ Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
+ Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, mua bán nhà đất bằng vi bằng không được sang tên sổ đỏ vì pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực và hồ sơ sang tên phải có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực.
Đồng thời, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.