📞

Bất động sản mới nhất: Địa ốc dưới áp lực lạm phát, ‘sốt đất’ đã qua vùng nóng, ‘cuộc chơi ảo’ với giá đất Mê Linh, Hà Nội

Hải An 08:45 | 09/07/2022
Lạm phát tác động tiêu cực tới địa ốc, “sốt đất” đã qua vùng đỉnh và hoàn thiện một chu kỳ, quy định về đứng tên sổ hồng chung cư nếu dưới 18 tuổi… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Trong quý II/2022, lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh quý II/2021. Đây là một chỉ báo cho thấy 'cơn sốt' đất nền đã đi qua vùng nóng và hoàn thiện một chu kỳ. (Nguồn: Reatimes)

Lạm phát tác động tiêu cực tới BĐS hơn tích cực

Lạm phát tăng cao là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, BĐS là một trong những kênh trú ẩn an toàn được người dân và nhà đầu tư lựa chọn.

Song nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, về tổng thể, thị trường BĐS chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực trước tác động của lạm phát.

Ông Lực giải thích, khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Hiện có tới 80 nước trên thế giới đã và đang tăng lãi suất.

Khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ, tỷ giá tăng theo, đồng tiền nội tệ mất giá… Do đó, những người đi vay ngoại tệ sẽ bị thiệt hai lần, trong đó vừa chịu lãi suất tăng, vừa chịu tỷ giá tăng.

Ngoài ra, theo ông Lực, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nêu quan điểm, sẽ không xảy ra suy thoái toàn cầu mà sẽ suy thoái cục bộ ở một vài quốc gia nếu như họ ứng xử không tốt.

Thêm nữa, khi lạm phát tăng cao đẩy giá cả hàng hóa tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện, người dân bớt ăn tiêu thậm chí dừng đầu tư, ông Lực phân tích.

Tuy nhiên, nhìn nhận về lâu dài, ông Lực vẫn cho rằng đây là thời điểm tốt để mua BĐS và có thể là một kênh tạm thời trú ẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro, để "chờ thời". Song ông nhấn mạnh, nên đầu tư dài hạn, còn "lướt sóng" là rất khó trong bối cảnh hiện nay.

"Sốt đất" đã qua vùng đỉnh

Theo Báo cáo thị trường BĐS quý II/2022 của Batdongsan.com.vn, trong quý II/2022, lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 13% so với đỉnh quý II/2021. Đây là một chỉ báo cho thấy “cơn sốt” đất nền đã đi qua vùng nóng và hoàn thiện một chu kỳ.

Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch, cụ thể là quý II/2019, lượt tìm kiếm đất nền vẫn tăng nhẹ khoảng 4%, cho thấy đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm của người mua và nhà đầu tư.

Trong đó, đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.

Tại Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.

Ở TP. HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý II/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.

Nhận định về việc này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, mặc dù quan tâm đến BĐS có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh, thành trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá BĐS giảm.

Bởi, ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.

Đáng chú ý, thị trường đất nền có sự phân hóa rõ về khu vực. Trong khi miền Bắc, miền Nam giảm dần sức nóng thì đất nền tại miền Trung vẫn tiếp tục được quan tâm tìm kiếm. Nhiều tỉnh thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam... đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 25% đến 57% so với trước dịch.

Điểm chung của các thị trường này đều là các tỉnh ven biển, những nơi phát triển mạnh BĐS du lịch - nghỉ dưỡng, loại hình đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Đất Mê Linh, Hà Nội đang sốt ảo?

Thời gian gần đây, không ít nhà đầu tư đổ về khu vực huyện Mê Linh (Hà Nội) do nghe các thông tin như nâng cấp lên phố, quy hoạch đường vành đai 4... và kỳ vọng BĐS ở đây sẽ tăng giá. Đặc biệt, các phiên đấu giá vừa qua tại Mê Linh đã liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới.

Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đã tổ chức bán hàng bằng hình thức trả giá công khai. 202 căn nhà thấp tầng xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng được mang ra bán. Chỉ trong 1 ngày đã có 198 căn nhà thấp tầng được "chốt" với mức giá phổ biến khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2.

Cũng trong thời điểm này, phiên đấu giá 17 lô đất tại điểm X1, Thanh Lâm (Mê Linh) được thực hiện. Mức giá trúng cao nhất lên tới 85,5 triệu đồng/m2, tiếp theo là mức giá 75,5 triệu đồng/m2.

Cả 2 phiên trả giá cạnh tranh và đấu giá vừa diễn ra ở Mê Linh đều có giá cao. Cá biệt, mức giá này đã cao gấp hơn 2 lần so với mặt bằng giá trong khu vực thời gian trước đó và được cho là cao nhất từ trước tới nay.

Ăn theo hiệu ứng mặt bằng giá mới sau các phiên đấu giá, giá rao bán BĐS tại Mê Linh đã tăng khoảng 10 - 20%. Theo khảo sát, hiện nay một số khu đấu giá đất, đất thổ cư tại thị trấn Quang Minh đang được rao bán với mức 40-45 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 tháng giá chỉ khoảng 35-40 triệu đồng/m2.

Dù lượng người đổ về tìm hiểu và mức giá tăng lên nhưng môi giới thừa nhận là giao dịch thành công cực thấp, có những lô đất đã được rao bán thời gian dài nhưng không bán được.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho rằng, chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn là mới.

Vị chuyên gia cho rằng, nhiều người đang kỳ vọng vào việc Mê Linh lên phố, tuyến đường Vành đai 4 sẽ làm tăng giá đất khu vực. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ bởi cả 2 vấn đề này đều cần lộ trình rất dài, nếu không cẩn trọng chỉ cần sai sót nhỏ có thể dẫn tới việc "chôn" vốn thời gian dài.

Nhìn nhận về thị trường BĐS Mê Linh, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam - cho rằng mức giá 50 - 60 triệu đồng/m2 chưa phản ánh đúng bản chất, bởi khu vực này hạ tầng đang sơ sài, yếu.

"Cá nhân tôi sợ rằng "cuộc chơi" này đang ảo và nếu có thật đi nữa thì nhà đầu tư đang có vấn đề về cách nhìn, cách đánh giá", ông Đính nói.

Cũng theo chuyên gia này, giá BĐS "ảo" tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường. Đặc biệt, nó còn gây rất nhiều khó khăn cho chính sách phát triển nhà ở của chính quyền.

Người dưới 18 tuổi hoàn toàn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở với căn hộ chung cư (gọi tắt là sổ hồng chung cư) nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. (Ảnh: Hà Phong)

Có được đứng tên sổ hồng chung cư nếu dưới 18 tuổi?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

Tổ chức và cá nhân, hộ gia đình trong nước.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; người được nhập cảnh vào Việt Nam…

Theo đó, điều kiện để cá nhân trong nước được công nhận và được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở phải kể đến như: Là cá nhân trong nước; Có nhà ở hợp pháp thông qua đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại Điều 21 Bộ luật Dân sự nêu rõ, người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) khi thực hiện các giao dịch như tặng cho, mua bán phải tuân theo điều kiện sau:

Chưa đủ 6 tuổi: Người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện.

Từ đủ 6 tuổi - chưa đủ 15 tuổi: Người đại diện theo pháp luật đồng ý các giao dịch dân sự trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp lứa tuổi.

Từ đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi: Người chưa thành niên trong độ tuổi này được tự mình thực hiện giao dịch dân sự trừ những giao dịch liên quan đến BĐS, BĐS phải đăng ký… phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Như vậy, người dưới 18 tuổi hoàn toàn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở với căn hộ chung cư (gọi tắt là sổ hồng chung cư) nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Tuy nhiên, cần lưu ý các giao dịch dân sự như mua bán, thuê mua... căn hộ chung cư phải được thực hiện khi có sự đồng ý của người đại diện và tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà người này có thể tự mình thực hiện hoặc không.