📞

Bất động sản mới nhất: Địa ốc vẫn ‘siêu’ hút vốn, đã xảy ra hiện tượng bong bóng, Vân Đồn được ‘chắp thêm cánh’

Hải An 08:05 | 07/05/2022
Tháo gỡ khó khăn cho địa ốc du lịch, bất động sản vẫn thu hút nguồn tiền lớn, ghi nhận hiện tượng bong bóng ở một số địa phương... là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Thị trường bất động sản du lịch ở Khánh Hòa phát triển sôi động, dự báo sẽ tiếp tục phát huy trong thời kỳ hậu Covid-19. (Nguồn: Vingroup)

Bàn giải pháp tháo gỡ 30 tỷ USD bị "ứ đọng" ở BĐS du lịch

Ngày 6/5, tại tỉnh Khánh Hòa, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thị trường BĐS du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ" với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và các chuyên gia về các lĩnh vực luật, BĐS…

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến tháng 9/2021, các dự án BĐS du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương có địa thế giáp biển.

Trên cả nước có 239 dự án BĐS du lịch với 3 loại hình là căn hộ condotel, villas, shophouse tổng giá trị hơn 680.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD). Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều bị vướng pháp lý dẫn đến gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Riêng tại Khánh Hòa, có hàng chục dự án BĐS du lịch gặp phải vấn đề trên. Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thông tin, chỉ riêng tỉnh này đã có 26 dự án với 12.100 căn hộ du lịch và hơn 2.580 biệt thự du lịch chủ yếu ở khu vực Bãi Dài.

"Thị trường BĐS du lịch ở Khánh Hòa phát triển sôi động, dự báo sẽ tiếp tục phát huy trong thời kỳ hậu Covid-19. Tuy vậy, việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh đối với loại hình này", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu.

Trình bày tham luận tại hội nghị, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng thành viên Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, BĐS du lịch là một lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam, có tiềm năng và triển vọng phát triển khá tích cực. Tuy nhiên, loại hình còn có nhiều tồn tại, hạn chế và thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét, tháo gỡ, đặc biệt là hệ thống pháp lý còn chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp.

Cụ thể như, chưa được định danh, chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng...); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng cho cả phía cơ quan quản lý Nhà Nước, nhà đầu tư.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng, việc cấp bách phải bàn là làm thế nào để tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị ứ đọng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thị trường BĐS và cho cả nền kinh tế.

"Thiết nghĩ cơ quan chính quyền cần phải báo cáo Chính phủ và các bộ ngành chuyên môn liên quan để bàn thảo, đưa ra giải pháp khắc phục càng nhanh càng tốt. Như vậy, mới lấy lại niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư" - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất.

TS. Nguyễn Văn Đính cũng kiến nghị, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật để giải quyết cấp bách về pháp lý cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng để có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang triển khai.

"Điều này vừa nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, giúp cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững", ông Đính phát biểu.

BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ gặp nhiều rủi ro, BĐS Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể, vươn lên vị trí số 2 (năm 2021 đứng vị trí thứ 3) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đạt gần 600 triệu USD. Theo báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield, giá trị M&A BĐS quý I/2022 cao nhất 5 năm.

3 tháng đầu năm, giới doanh nghiệp BĐS đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018. Quý I/2022 cũng chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như: Sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Hiện tượng này đang được cơ quan chức năng chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Nhưng nhìn chung, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, bởi: Cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày được hoàn thiện, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh thành lân cận.

Đường cao tốc cũng như những cung đường kết nối, sân bay… đang tạo ra diện mạo mới cho đất nước. Trong cơ cấu giá trị BĐS, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của BĐS đó.

Đã xuất hiện tình trạng bong bóng

Đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng.

Theo báo cáo, riêng Bộ Giao thông Vận tải trong quý I/2022 đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước. Dự kiến, bộ này sẽ giải ngân khoảng 50.300 tỷ đồng năm 2022, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ những dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng đó, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, trong đó gần 114.000 tỷ đồng đầu tư dự án hạ tầng, 110.000 tỷ đồng dành cho các chính sách ưu đãi doanh nghiệp sẽ tạo tổng lực giúp nền kinh tế sớm phục hồi, cải thiện sức mua người tiêu dùng, từ đó, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình chính trị, xã hội ổn định một thời gian dài, tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có mảng BĐS tăng trưởng đều đặn thời gian qua là một minh chứng rõ rệt.

Dự báo rằng, thị trường BĐS Việt Nam năng động và nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Đồng thời, triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp, đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.

Đánh giá một cách tổng thể, thị trường BĐS trong quý I/2022 đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Giá đất nền một số khu vực tăng theo các dự án. Giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.

Tuy nhiên, chính sách tín dụng thận trọng giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào củng cố thể chế và hành lang pháp lý.

Mức dao động giá dao động mạnh tại hầu khắp các địa phương cho thấy quá trình đô thị hoá đang diễn ra cân bằng. Hệ thống hạ tầng kết nối hứa hẹn trở thành động lực lành mạnh thúc đẩy thị trường.

Quá trình hình thành những đô thị mới đang dẫn dắt việc tăng giá. Nguồn cung tiếp tục thiếu hụt dẫn dắt, các dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn vào BĐS và thị trường đang kỳ vọng rất lớn vào gói kích cầu.

Cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên, Quảng Ninh. (Nguồn: BXD)

Thêm nhiều lực đẩy cho BĐS Vân Đồn

Ngày 30/4 vừa qua, Vân Đồn liên tiếp đón nhận các tin vui về quy hoạch giao thông, là những nền tảng để thúc đẩy thị trường BĐS.

Cụ thể, dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,08 km đã cơ bản thi công xong các hạng mục sau gần 15 tháng nỗ lực. Tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thiện tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200 km nối từ cầu Bạch Đằng đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng sẽ thông suốt đường bộ 2 chiều với các tỉnh miền Bắc và Trung Quốc, thuận lợi đón khách trong nước và quốc tế qua cả đường bộ, đường thủy, đường không.

Lực đẩy từ du lịch và hạ tầng giao thông kết nối đã tạo đà sôi động cho thị trường địa ốc Vân Đồn.

Cụ thể, vào ngày 30/4, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn phối hợp với UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức lễ khởi công 4 dự án BĐS trọng điểm trong khu vực với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Các dự án này bao gồm: Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn; tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí nằm trong khu đô thị Ao Tiên; hạng mục khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Hạ Long và cụm công nghiệp Vân Đồn.

3 trong số 4 dự án kể trên sẽ bổ sung một lượng lớn phòng lưu trú cho khách du lịch và các sản phẩm giải trí, thương mại, nghỉ dưỡng cho Vân Đồn.

Trong mùa du lịch hè 2022, Vân Đồn sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn như lễ hội truyền thống tại đảo Quan Lạn và các chương trình văn hóa, ẩm thực. Thông qua đó làm phong phú sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách đến với Vân Đồn và lưu trú dài ngày.

(tổng hợp)