Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) đã có tác động tích cực. (Ảnh: Quỳnh Danh) |
Lưu ý khi mua nhà, căn hộ do ngân hàng thanh lý
Thông tin trên Dân trí, theo luật sư Đoàn Trung Hiếu - Văn phòng luật sư Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng - thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện nay các ngân hàng áp dụng hai hình thức thanh lý gồm: Ngân hàng tiến hành thanh lý nhà bằng cách cho chính chủ tự thực hiện chào bán hoặc ngân hàng sẽ tự chào bán trong các trường hợp chủ nhà không đồng ý hoặc không có khả năng chào bán.
Mua nhà thanh lý tại ngân hàng thường có mức giá hấp dẫn. Mục đích chính của ngân hàng là thu hồi vốn và lãi của khoản vay chứ không phải là lợi nhuận.
Ngoài ra, việc mua những tài sản này được bảo đảm tính uy tín, an toàn cao. Người mua hiếm khi lo lắng bị lừa đảo vì ngân hàng là đơn vị có uy tín, có cơ sở pháp lý cùng pháp nhân rõ ràng. Tất cả những thông tin liên quan đến BĐS thanh lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ về tính pháp lý và xác định lại giá thành trước khi chính thức đưa rao bán.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích về giá, pháp lý, khi mua BĐS được ngân hàng phát mại cũng có 3 rủi ro lớn.
Thứ nhất là vấn đề đối với chủ sở hữu. Như đã phân tích ở trên, ngân hàng ban đầu sẽ tạo cơ hội cho chủ nhà được tự mở cửa bán nhà. Qua đó, thỏa thuận sẽ có sự tham dự của tất cả 3 bên gồm người bán (chủ nhà), ngân hàng và người mua nhà. Tuy nhiên, người mua nhà thanh lý sẽ phải gánh chịu những rắc rối phát sinh nếu là nhà trả góp, đổi chủ mà không có sự đồng ý hay ủy quyền từ phía ngân hàng.
Thứ hai là gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục. Người mua cần phải có văn bản thỏa thuận và ủy quyền của nhiều bên liên quan khiến thủ tục có chút rối rắm, phức tạp. Do vậy sẽ phải mất rất nhiều công sức khi hoàn thành thủ tục thanh lý tài sản.
Thứ ba là dễ dính vào các vấn đề liên quan đến việc kiện tụng, tố cáo. Trường hợp này hay vấp phải do bên nhận vốn không đồng tình với bảng giá bán căn hộ phía ngân hàng đưa ra. Vì vậy cũng hay xảy ra những trường hợp khiếu nại, tố cáo khi mâu thuẫn xảy ra.
Nếu vẫn quyết tâm mua nhà, căn hộ ngân hàng thanh lý để nhằm hạn chế các nguy cơ xảy ra, người mua nên chú ý một số.
Đầu tiên là đảm bảo chắc chắn đó là nhà, căn hộ ngân hàng thanh lý. Với mức giá hợp lý, dạng BĐS thanh lý thu hút sự chú ý của cả người mua để ở lẫn người đầu tư. Lợi dụng cơ hội trên, không hiếm cò đất và giới kinh doanh BĐS đã phù phép từ nhà bình thường trở thành nhà ngân hàng thanh lý để đánh lừa người mua.
Để đảm bảo không "tiền mất tật mang", người mua nên nghiên cứu kĩ và xác định rõ ràng bằng cách đến thẳng ngân hàng hoặc tìm kiếm thông tin trên trang website chính thống của ngân hàng.
Thứ hai là đảm bảo những giấy tờ pháp lý đảm bảo các quyền hạn của người sở hữu đất. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục mua bán, giao dịch, những giấy tờ này sẽ là quyền hạn của người mua. Bởi vậy, họ nên nắm vững một số hồ sơ pháp lý như có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất nhà ở, đất có trong danh sách quy hoạch đô thị, vấn đề về tranh chấp.
Đề xuất không ban hành bảng giá đất hằng năm
Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (10-16/3): Bất chấp trừng phạt, thương mại Nga-Bỉ tăng ngoạn mục, Iran thu bộn tiền từ dầu mỏ, IMF ‘bật đèn xanh’ cho Ukraine |
Theo HoREA, có một số quy định về tài chính về đất đai của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thể chế hoá đầy đủ định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần hiện đang quy định nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp mất rất nhiều thời gian.
Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm thì phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chat GPT được cập nhật theo thời gian thực kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 liên thông đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia và phải sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật, trước hết là Luật Thuế đi đôi với việc người dân tự giác khai đúng giá mua bán, chuyển nhượng nhà đất.
Hiệp hội nhận thấy, với trình độ, năng lực của bộ máy Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay và yêu cầu và khối lượng công việc đồ sộ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần theo các quy định trên đây đã cho thấy rõ là hiện nay chưa thể thực hiện xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm.
Bởi lẽ Bộ Tài nguyên Môi trường tuy đã lập được bản đồ giá đất cho hàng triệu thửa đất nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào (bao gồm cả dữ liệu thuế) vẫn chưa đảm bảo tính chính xác và chưa được cập nhật kịp thời theo thời gian thực.
HoREA phân tích: “Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm thì cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện suốt năm bận rộn, loay hoay cho việc xây dựng bảng giá đất hàng năm thì sẽ khó làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn”.
Do đó, HoREA cho rằng, đến khi xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được cập nhật theo thời gian thực kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 về xây dựng mã số định danh cá nhân, căn cước công dân gắn chip liên thông đồng bộ, thống nhất với cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia từ Trung ương, các Bộ, ngành đến địa phương trên nền tảng phát triển Chính phủ điện tử... thì lúc đó Nhà nước sẽ xây dựng được bản đồ giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị.
Đến lúc đó, AI, Chat GPT sẽ làm thay con người để thực hiện khối lượng đồ sộ công việc khảo sát, so sánh, đối chiếu các số liệu chỉ trong tíc-tắc và Nhà nước có thể biết rõ chỉ số giá đất trung bình tại một khu vực bất kỳ được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định.
Như vậy, Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được giá BĐS, giá đất 24/7 để xây dựng cơ chế chính sách hoặc có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Do vậy, với trình độ, năng lực, trang thiết bị, phần mềm quản lý, công nghệ, cơ sở dữ liệu rời rạc chưa đồng bộ, chưa liên thông và tình trạng khai thấp giá mua bán nhà đất hiện nay, Hiệp hội đề nghị và sửa đổi, bổ sung Điều 154 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm (hoặc 2 năm) một lần để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện nay.
Chính sách sẽ đẩy nhanh tiến trình đảo chiều của thị trường BĐS
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đã có tác động tích cực và đồng nhất với dự báo của Batdongsan.com.vn về tín hiệu đảo chiều của thị trường.
Cuối năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đã nhận định trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường BĐS (tăng trưởng tín dụng - lãi suất - chính sách điều hành của Chính phủ) thì tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất. Thị trường có thể kỳ vọng thời gian phục hồi sớm, dự kiến vào khoảng cuối năm 2023.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đã có tác động tích cực và đồng nhất với dự báo của Batdongsan.com.vn về tín hiệu đảo chiều của thị trường.
Bàn về tác động của Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, việc kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp BĐS có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án (M&A) hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán/thanh khoản dễ dàng hơn.
Đánh giá cao những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết số 33/NQ-CP, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: “Nghị quyết 33 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường BĐS, đặc biệt là về nguồn vốn và pháp lý. Doanh nghiệp BĐS khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro của các loại hình BĐS để có được mức lãi suất cho vay phù hợp với thị trường, tránh việc kiểm soát dòng vốn quá mức.
Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh việc xử lý, tháo gỡ về pháp lý liên quan đến các dự án BĐS để hỗ trợ và tạo ra nguồn cung trên thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng vì thị trường hiện có hơn 100.000 căn hộ đang xây dựng. Nếu các thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ dự án được thông qua, sẽ cải thiện nguồn cung trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua”.
Lộ diện khu đô thị hơn 2.000 tỷ ở Thái Nguyên
Khu đô thị dịch vụ số 1 tại xã Tân Quang, TP Sông Công, Thái Nguyên vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng chi phí thực hiện sơ bộ là hơn 2.278 tỷ đồng trên diện tích gần 31,5ha.
Chi phí thực hiện trên không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, dự án Khu đô thị dịch vụ số 1 có quy mô dân số khoảng 5.100 người. Dự án sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gồm đất nhà ở, đất thương mại dịch vụ, công trình công cộng, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh.
Về quy mô kiến trúc xây dựng dự kiến, sẽ đầu tư xây thô hoàn thiện mặt ngoài các công trình nhà ở tại các tuyến đường có bề rộng mặt cắt đường rộng trên 16,5m bao gồm 690 lô.
Cụ thể: Xây 392 lô đất ở kết hợp kinh doanh với tổng diện tích đất xây dựng là hơn 40.000m2, mật độ xây dựng 80%, chiều cao 3 tầng, tổng diện tích sàn là hơn 96.000m2.
Xây 270 lô đất ở liền kề với tổng diện tích đất xây dựng là hơn 28.000m2, mật độ xây dựng 80%, chiều cao 3 tầng, tổng diện tích sàn là hơn 67.500m2.
Số lô đất ở biệt thự gồm 28 lô với tổng diện tích đất xây dựng hơn là 5.600m2, mật độ xây dựng 70%, chiều cao 2,5 tầng, tổng diện tích sàn hơn 9.800m2.
Dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ; tổ hợp thương mại dịch vụ, bến bãi, kho tầng cao trung bình tối đa 7 tầng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 - quý III/2026.
| Bất động sản mới nhất: Chính phủ đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn; 'cắt lỗ' sâu nhưng hàng vẫn ế, nhà đầu tư chờ đợi gì? Thị trường 'cắt lỗ' sâu, chuyên gia nhận định về thời điểm nên xuống tiền bắt đáy, Chính phủ đề xuất sở hữu nhà chung ... |
| Dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mất 169 năm 'cày cuốc' nếu muốn mua nhà mặt phố Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội hiện nay là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà ... |
| Giá tiêu hôm nay 17/3/2023: Việt Nam tăng nhập hàng; thứ hạng xuất khẩu của doanh nghiệp có nhiều thay đổi Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 64.000 - 66.000 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 18/3/2023: Thị trường phản ứng trái chiều; vẫn hy vọng giá tăng, người trồng găm hàng chờ đợi Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước hầu như ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 64.000 - ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (10-16/3): Bất chấp trừng phạt, thương mại Nga-Bỉ tăng ngoạn mục, Iran thu bộn tiền từ dầu mỏ, IMF ‘bật đèn xanh’ cho Ukraine Cổ phiếu ngân hàng toàn cầu “quay cuồng” sau vụ SVB của Mỹ phá sản, thương mại Nga-Bỉ tăng mạnh, IMF-Ukraine thảo luận chương trình ... |