Bất động sản mới nhất: Khu đất tăng giá 20% sau 2 tháng ở Chương Mỹ, Hà Nội. (Nguồn: TP) |
Loạt quy định mới siết công trình sai phép, nhốn nháo trong BĐS
Ngày 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị về thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Một trong nhóm nội dung khác được quan tâm tại Nghị định 16 đó là việc xử lý vi phạm kinh doanh lĩnh vực BĐS.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định 16 tăng mức phạt tiền với một số hành vi vi phạm trong trật tự xây dựng; kinh doanh BĐS; quản lý sử dụng nhà chung cư…
Cùng với Chỉ thị 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, các quy định của Nghị định 16 được áp dụng và bước đầu đã có một số kết quả khi xử phạt ở mức cao, theo thông tin từ phía Thanh tra Bộ Xây dựng.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 3 Điều 58 Nghị định 16 quy định rõ: Phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định.
Điểm đ khoản 4 điều 58 quy định phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với hành vi "huy động vốn không đúng quy định" và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc trả phần vốn đã huy động không đúng quy định".
Nghị định 16 cũng quy định các chế tài xử lý "mạnh tay" hơn đối với một số hành vi như đầu cơ, gây nhiễu loạn thông tin, không rõ về đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội và hoạt động kinh doanh BĐS.
Giá thuê mặt bằng khu ngoài trung tâm giảm, tỷ lệ ế tăng
CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình thị trường bán lẻ Hà Nội quý I năm nay.
Cụ thể về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý đầu tiên của năm. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi trong 15 tháng qua, ở mức hơn 1 triệu m2.
Về hoạt động thị trường, báo cáo cho thấy, thị trường dần hồi phục khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng.
Tuy nhiên, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng 1 tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm vẫn giảm khi một số dự án có các chính sách giảm giá để thu hút khách thuê mới cũng như để giữ chân khách hiện tại.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 12/4, Giá vàng biến động, ngân hàng Mỹ dự báo gây sốc, SJC đi lên? Đã đến lúc gom hàng, dự trữ vàng của Nga bất ngờ tăng |
Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 23,6 USD/m2/tháng (hơn 542.000 đồng/m2) giảm 1,14% theo quý và 3,17% theo năm. Tỷ lệ trống của các địa điểm ngoài trung tâm ổn định so với quý trước đó nhưng lại ghi nhận tăng 2,65% theo năm.
Mặc dù khu vực ngoài trung tâm chứng kiến tỷ lệ trống không đổi và giá thuê giảm, nhưng theo CBRE, dấu hiệu hồi phục được thể hiện rõ ràng hơn tại khu vực trung tâm khi giá thuê tăng so với quý trước.
Tại khu vực trung tâm, mặc dù giảm nhẹ 0,45% so với cùng kỳ năm trước song mức giá chào thuê trung bình tăng khoảng 1,48% so với quý trước, đạt 107 USD/m2/tháng (2,4 triệu đồng/m2).
Tương tự đối với các trung tâm thương mại ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm không biến động nhiều so với quý trước, trong khi tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị nghiên cứu thị trường này cho biết, vào tháng 8/2021, số lượt khách đến các trung tâm mua sắm và siêu thị tại Hà Nội giảm lần lượt 83% và 54% so với thời điểm trước đại dịch, trong khi các chỉ số này được cải thiện đáng kể vào thời điểm cuối tháng 3 năm nay, với mức giảm chỉ khoảng 9% so với các chỉ số vào thời điểm trước đại dịch.
Giá đất nền vẫn "nóng"
Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, dù nhiều địa phương miền Nam có sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá cao so với quý I/2021.
Các tỉnh vệ tinh lân cận TP.HCM là Đồng Nai ghi nhận giá đất nền tăng 7% ở quý vừa qua; Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh có giá bán đất nền tăng mạnh lần lượt là 27%, 23% và 17%. Riêng Long An giá đất nền tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh thông tin trên, thị trường BĐS TPHCM và các tỉnh phía Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu năm. Nếu so với cùng kỳ 2021, nhu cầu tìm kiếm nhà đất có giảm nhưng so với quý trước đó thì đã có sự khởi sắc.
Cũng theo ông Tuấn, dù giá BĐS tăng lên trong quý I, thanh khoản thị trường chưa tương xứng với biến động giá. Các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý khi giá neo ở mức cao có thể dẫn đến gặp khó khăn trong thanh khoản, từ đó nên điều phối, quản lý dòng tiền đầu tư theo hướng thận trọng hơn.
Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Người mua nhà tiếp tục đánh giá tích cực về thị trường BĐS sau Tết Âm lịch và vẫn xem đây là kênh đầu tư ưu tiên hàng đầu so với các kênh còn lại như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm.
"Thị trường bước sang quý II sẽ có những khởi sắc tích cực hơn nhờ nguồn cung mới đổ về cũng như những chính sách hạ tầng kích thích cho nhà đầu tư vươn đến những thị trường mới", ông Tuấn dự báo.
Trong 2 năm qua, giá đất vùng ven TP. Hà Nội tăng chóng mặt. (Nguồn: KTMT) |
Vùng ven Hà Nội: Sốt đất ăn theo quy hoạch
Theo Tienphong, trong 2 năm qua, giá đất vùng ven TP. Hà Nội tăng chóng mặt, nhất là khi có thông tin đề xuất lập “thành phố trong thành phố”, triển khai dự án đường Vành đai 4 và nhiều dự án lớn khác…
Anh Minh Đức (giám đốc một văn phòng BĐS tại Sóc Sơn) cho biết, sau thông tin dự án đường Vành đai 4 và dự án khu công nghiệp sạch Sóc Sơn sắp triển khai, mỗi ngày văn phòng anh đón từ 10 - 15 lượt khách lên xem đất. Mức giá của khu vực liên quan tới Vành đai 4 như xã Minh Phú, Bắc Sơn tăng liên tục, giá tăng tính theo... tuần.
Chẳng hạn, một lô đất tại thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn có diện tích 2.500m2. Giữa tháng 2/2022, lô đất này được mua giá 7,5 tỷ đồng thì đến thời điểm này đã có người trả 8,8 tỷ đồng nhưng chủ đất vẫn chưa đồng ý bán.
Ở xã Minh Phú, những lô ở thôn Phú Hạ, Lâm Trường, Phú Thịnh cũng lên giá 30% trong 3 tháng trở lại đây.
Giao dịch chủ yếu diễn ra tại các khu vực còn dư địa tăng giá như: Sóc Sơn, Thường Tín, Chương Mỹ... Còn đối với các khu vực Vành đai 4 đi qua ở huyện Hoài Đức như gần Cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương giá đất đã lên đến hơn 100 triệu/m2.
Tại khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện Đan Phượng có giá trên 60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, giá các mảnh đất gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng còn lên đến gần 150 triệu đồng/m2.
Tâm điểm của sốt đất Đông Anh vừa qua phải kể đến khu vực các xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội. Thông tin về các dự án lớn có giá trị đầu tư hàng tỷ USD khiến thị trường nhà đất tại đây ngày càng nóng hơn.
Điển hình như tại xã Vĩnh Ngọc, nhiều lô đất đường nhỏ chỉ từ 8-10 m, chủ nhà phát giá hơn 100 triệu đồng/1m2. Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, hiện giá đất cao nhất đã lên đến hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.
Giá đất bị đẩy lên nhiều nhất trong 1 năm gần đây, bám vào thông tin của các dự án lớn như Thành phố thông minh, dự án Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ-triển lãm quốc tế.
Giá đất trung bình trong các khu dân cư gần dự án đều trong tình trạng khá cao. Điển hình như đất đấu giá thuộc xã Nguyên Khê mặt đường lớn giờ cũng gần 80 triệu/1m2.
Ông Nguyễn Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho hay, giá đất tăng cao nhưng thực ra tại thời điểm này không có nhiều giao dịch. Người dân vẫn muốn ôm lại đất kỳ vọng sẽ bán được giá cao hơn.
Kết quả khảo sát giá đất trên địa bàn huyện Đông Anh cho thấy, tình trạng đầu cơ đất đai đang diễn ra khá phổ biến. Hầu hết đất mua đi bán lại kiếm lợi nhuận chứ không phải mua đất để xây dựng nhà ở.
Hàng chục khu đất đấu giá tại Đông Anh hiện nay là một ví dụ. Hầu hết đều đã thực hiện xây dựng hạ tầng, hoàn thành đấu giá cách đây 1-3 năm nhưng đến nay vẫn để hoang.
Điển hình như dự án đấu giá đất tại xã Vân Nội, Nguyên Khê. Đại diện văn phòng môi giới đất tại xã Nguyên Khê cho biết, nhiều lô đất đấu giá cách đây 2-3 năm chỉ từ 20-30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên đến 70-80 triệu đồng/m2.
| OPEC: Khó có thể thay thế 7 triệu thùng dầu thiếu hụt từ Nga mỗi ngày Đại diện OPEC cho biết, các lệnh trừng phạt có thể làm giảm hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga, trong khi EU ... |
| Giá vàng hôm nay 12/4, Giá vàng biến động, ngân hàng Mỹ dự báo gây sốc, SJC đi lên? Đã đến lúc gom hàng, dự trữ vàng của Nga bất ngờ tăng Giá vàng hôm nay 12/4 tăng mạnh tới 1% trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng kéo dài và lo ngại lạm phát ... |