Bất động sản mới nhất: Thị trường đất nền TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn duy trì thế trận kéo co căng thẳng giữa bên bán và bên mua. (Nguồn: CafeF) |
Lượng tiêu thụ đất nền tại TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận sụt giảm
DKRA vừa có báo cáo về thị trường BĐS tại TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) và vùng phụ cận, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh. Theo đó, số lượng căn hộ bán trong tháng 8 vẫn thấp hơn 41% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, đây vẫn là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi của phân khúc nhà phố, biệt thự.
Theo đánh giá của DKRA, lượng tiêu thụ trong tháng 8 có nhiều cải thiện so với tháng trước nhưng vẫn còn khá thấp so với cùng kỳ, bằng khoảng 59%. Trong đó, giao dịch tập trung tại dự án thuộc tỉnh Đồng Nai được mở bán trong tháng.
Đáng chú ý, nguồn cung mới tăng hơn 16 lần, bằng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỉnh Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, chiếm 68%.
Bên cạnh đó, nguồn cung mới của phân khúc căn hộ chung cư trong tháng 8 có sự sụt giảm, chỉ bằng 19% so với cùng kỳ năm trước. TP. HCM và Đồng Nai dẫn đầu, chiếm 55% tổng nguồn cung mới trong tháng.
Cụ thể, phân khúc căn hộ hạng A chiếm 25% tổng nguồn cung mới, tập trung tại khu Đông Thành phố. Còn phân khúc căn hộ hạng B và hạng C giữ vị trí chủ đạo tại các tỉnh giáp ranh.
Về mặt bằng giá bán trên thị trường sơ cấp, theo DKRA, không có nhiều biến động. Đối với thị trường thứ cấp, một số giao dịch vẫn ghi nhận mức giảm 50 - 150 triệu đồng/căn.
Đối với phân khúc đất nền, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng 8 sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 với tỷ lệ giảm lần lượt là 58% và 94%. Trong đó, tỉnh Long An là địa phương chủ lực về nguồn cung mở bán mới trong tháng với tỷ lệ đạt 89% trên tổng cung mới toàn thị trường.
Về mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp, DKRA đánh giá, không có nhiều biến động so với tháng trước, thanh khoản thị trường chưa có nhiều khởi sắc trong tháng qua.
Đánh giá về thị trường đất nền hiện nay, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam Đinh Minh Tuấn cho rằng, thị trường đất nền hiện nay vẫn duy trì thế trận kéo co căng thẳng giữa bên bán và bên mua. Phía bên mua muốn giá đất nền tiếp tục giảm sâu hơn, trong khi người bán thì cố để giữ giá, thu hồi số vốn liếng bỏ ra.
Ông Minh nhìn nhận, thế giằng co của nhà đầu tư đất nền dự báo có thể sẽ sớm kết thúc vào khoảng nửa đầu năm 2024 khi những khó khăn của lĩnh vực BĐS dịu đi và thị trường đi vào giai đoạn phục hồi. Do đó, đây vẫn sẽ là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm.
Thanh Hóa: Chấp thuận chủ trương dự án khu dân cư hơn 334 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3235/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc.
Theo đó, mục tiêu cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc được UBND huyện Vĩnh Lộc phê duyệt tại Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 16/6/2023; tạo quỹ đất để phát triển nhà ở, hình thành khu dân cư đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kết nối giao thông khu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Lộc, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Dự án Khu dân cư xã Vĩnh Thịnh có quy mô sử dụng đất khoảng 83.300,2m2 (8,33ha); quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình nhà ở Khu dân cư xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở: Nhà ở loại liền kề 315 lô đất xây dựng nhà ở, trong đó: 105 lô đất xây thô, hoàn thiện mặt trước (không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại dự án). 210 lô đất còn lại được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại dự án. Quy mô dân số dự kiến khoảng 1.280 người.
Vốn đầu tư dự án khoảng 334.762 triệu; địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm (kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư); dự kiến: Từ quý I/2024 đến quý I/2028.
Công bố "khu nghỉ dưỡng thung lũng" ở Vĩnh Phúc
Công ty quản lý khách sạn hàng đầu thế giới IHG® Hotels & Resorts và Công ty Cổ phần BĐS BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group, đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án InterContinental Thanh Xuan Valley Resort.
Tree Top Villa, phòng khách sạn cao cấp độc đáo trên cây, lần đầu được giới thiệu. (Nguồn: BIM Land). |
Dự án thuộc khu đô thị du lịch Thanh Xuân Valley, là mô hình khu nghỉ dưỡng trong thung lũng (valley resort) đầu tiên của thương hiệu InterContinental tại Việt Nam. InterContinental Thanh Xuan Valley Resort nằm tại trung tâm khu đô thị du lịch Thanh Xuân Valley, nơi được mệnh danh là "thành phố thông reo" độc đáo có tổng diện tích 170ha, bao quanh bởi những triền núi và rừng thông 50 năm tuổi, 8 hồ nước ngọt lành và dòng suối tự nhiên.
Nằm gần hồ Đại Lải và hồ Thanh Cao, cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 60 phút lái xe, Thanh Xuân Valley được phát triển với tầm nhìn trở thành một điểm đến dành cho cộng đồng cư dân ưu tú và khách nghỉ dưỡng thượng lưu, đặc biệt là với những ai yêu thích triết lý dịch vụ nổi tiếng của thương hiệu InterContinental - "Live the InterContinental Life".
Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027, InterContinental Thanh Xuan Valley Resort có quy mô 171 phòng khách sạn và 97 căn villa riêng tư, sở hữu hệ tiện ích 5 sao theo tiêu chuẩn toàn cầu của IHG gồm: hệ thống nhà hàng cao cấp, khu spa và wellness, bể bơi vô cực, phòng hội nghị. Trong đó có mô hình "tree top villa" - những phòng khách sạn cao cấp độc đáo "treo" trên cây, lần đầu tiên được giới thiệu.
InterContinental Thanh Xuan Valley Resort được kỳ vọng sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng khép kín (destination resort) đúng nghĩa. Với sự tinh tế trong từng chi tiết và trải nghiệm, khu nghỉ dưỡng sẽ là sự gia tăng đầy giá trị vào bộ sưu tập các khu nghỉ dưỡng sang trọng của thương hiệu InterContinental trên toàn thế giới.
Tại Thanh Xuan Valley, thương hiệu InterContinental không chỉ tham gia phát triển dự án khách sạn nghỉ dưỡng mà còn trực tiếp quản lý vận hành Country Club by InterContinental Thanh Xuan Valley Resort, một clubhouse mang phong cách Địa Trung Hải độc đáo có tổng diện tích sử dụng lên tới 11.300m2 với nhiều tiện ích đặc quyền dành cho các cư dân thượng lưu sống tại đây.
Có được phép xây dựng nhà ở trên đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp?
Hiện nay, việc xây dựng nhà ở đang là nhu cầu rất cần thiết của người dân. Tuy nhiên, nhiều cá nhân còn băn khoăn về việc có được xây dựng nhà ở trên đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hay trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất về đất ở như thế nào?
Theo Báo Xây dựng, tại Mục 2.1, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì “Đất ở là đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư (kể cả trường hợp vườn, ao gắn liền với nhà ở riêng lẻ) đã được công nhận là đất ở. Đất ở bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị”.
Điểm 2.2.5, Mục 2.2, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT quy định: “Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là đất sử dụng vào mục đích sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ; bao gồm đất khu công nghiệp; đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ”.
Vì vậy, đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp không phải là đất để xây dựng nhà ở.
Trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp sang đất ở thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Khoản 2, Điều 57 của Luật Đất đai.
Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Theo đó:
"1. Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định".