Ở Việt Nam, cứ một dự án bất động sản ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của các nước ASEAN là 5 năm. (Nguồn: TĐ Danh Khôi) |
Lạc quan về thị trường bất động sản
Tại tọa đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Xu thế mới - Nhu cầu mới" diễn ra ngày 6/10, hầu hết các diễn giả có mặt đều tỏ ra lạc quan vào thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, bản thân cũng cảm thấy "hoang mang", "lo sợ".
Theo ông Đính, quý I năm ngoái tỷ lệ giao dịch trên thị trường đã chạm mức thấp nhất kể từ sau đợt khủng hoảng giai đoạn 2011-2013. Tỷ lệ hấp thụ thời điểm này chỉ khoảng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, ông Đính khẳng định bản thân thị trường BĐS không vướng phải khủng hoảng. "Có đợt dịch thì nó lại lắng xuống, sau đó lại bùng lên", ông Đính quan sát.
Cũng theo vị chuyên gia, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của các nước ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư F0 "tràn" vào BĐS.
Tuy nhiên điểm ông Đính băn khoăn, đó là nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công... Theo đó, thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu.
Trong quý III vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rất "ngạc nhiên" vì vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm, bởi đây là đối tượng cần đi trước.
Do vậy ông Đính cho rằng, dù thị trường BĐS bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh nhưng không có chuyện "chết" hay dừng lại, chững lại vì dịch.
Tin liên quan |
Nếu ‘bom nợ’ Evergrande của Trung Quốc phát nổ, kinh tế Australia có bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng dominos? |
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường BĐS.
Theo vị này, có nhiều người phải "cất tiền" chờ Covid-19 mới mua nhà, thị trường vẫn được quan tâm lớn. Hiện nay, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường BĐS cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả nhà bán lẫn người mua.
Xuất hiện bất ngờ ở Bắc Ninh
JLL vừa công bố báo cáo thị trường BĐS quý III cho biết lượng giao dịch đều giảm tại các tỉnh thành khu vực lân cận Hà Nội, trừ Bắc Ninh.
Cụ thể, lượng mở bán nhà liền thổ mới trong khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt 870 căn, ổn định theo quý.
Trong đó, Hà Nội chiếm tới 70% nguồn cung nhờ các dự án mở bán mới ở huyện Đông Anh và Thạch Thất, nơi ít bị ảnh hưởng từ đại dịch hơn những khu vực khác. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục làm nguồn cung của bốn tỉnh lân cận hạn chế, với chỉ 273 căn được mở bán.
Tỉnh Bắc Ninh đóng góp tới 89% trong tổng nguồn cung của các tỉnh lân cận và Hải Phòng chỉ ghi nhận lượng cung rất nhỏ là 30 căn. Còn tỉnh Hưng Yên và Vĩnh Phúc không có dự án mở bán mới.
Đáng chú ý, lượng giao dịch trong kỳ này đều giảm tại các tỉnh thành, trừ Bắc Ninh. Cụ thể, thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận ghi nhận 625 căn được bán hết trong quý III, giảm 10% theo quý.
Ở Hà Nội, tỷ lệ hấp thụ đạt 70% với 420 căn được bán hết. Giao dịch chủ yếu chỉ diễn ra ở các nguồn cung mới tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, 4 tỉnh lân cận ghi nhận 205 căn được bán, chủ yếu là ở Bắc Ninh.
Theo đại diện JLL, tâm lý thị trường đang diễn biến tốt ở Bắc Ninh với 172 căn được tiêu thụ, nhờ vào thu hút vốn FDI tốt và nâng cấp thị xã Từ Sơn lên thành phố.
Giá sơ cấp tiếp tục tăng mạnh trong quý này. Theo đó, giá bán sơ cấp trung bình của thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt 4.468 USD/m2 đất, (tương đương hơn 102 triệu đồng).
Toàn miền Bắc ghi nhận giá nhà liền thổ tăng trưởng mạnh ở mức 12% theo năm, nhưng giảm 9,6% theo quý chủ yếu do sự góp mặt của hai dự án mở bán mới ở huyện Đông Anh, Hà Nội với giá bán thấp hơn mặt bằng chung, trong khoảng USD 3.500 - 4.500/m2 đất (tương đương 80-103 triệu đồng).
Trong số 4 tỉnh lân cận Hà Nội thì Bắc Ninh ghi nhận tăng trưởng giá cao nhất với mức tăng trung bình toàn tỉnh đạt 8,4% theo quý, nhờ vào diễn biến tốt của tâm lý thị trường từ tin tức thành lập thành phố Từ Sơn.
Cuối năm, thị trường BĐS có phục hồi?
Theo Tiền Phong, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo và đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8, thị trường BĐS quý III càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo ông Dũng, tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị đình trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các BĐS rao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.
Thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 -70% so với quý II/2021. Đặc biệt, lượng giao dịch BĐS thành công giảm mạnh.
Tỷ lệ hấp thụ các loại BĐS nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường, riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê BĐS hầu như không có biến động lớn.
Dự báo về điểm phục hồi hoàn toàn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, mỗi địa phương có những mốc phục hồi khác nhau.
TP Hà Nội sẽ có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Nội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch.
Phối cảnh khu căn hộ Legacy Central ở Bình Dương. (Nguồn: KQ Group) |
Tương tự, thị trường nhà đất miền Trung, cụ thể là TP Đà Nẵng, có thể phục hồi 100% nhu cầu giao dịch vào cuối năm nếu những điều kiện trên được đáp ứng.
Đối với thị trường TP HCM, đây vẫn là thị trường ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm cao nhất cả nước.
Ông Nguyễn Quốc Anh nói: “Nếu những thành quả chống dịch của thành phố được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, TP HCM có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong tháng 11”.
Kiên Giang mời đầu tư 3 dự án nhà ở trị giá gần 1.300 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang vừa công bố danh mục dự án sử dụng đất để đầu tư đối với 3 khu đô thị có tổng trị giá gần 1.300 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án Khu dân cư Nam An Hòa, phường An Hòa, TP Rạch Giá với diện tích đất sử dụng 7,8ha, tổng chi phí thực hiện dự án là 658 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư dự án gồm: 307 căn nhà ở từ 1 - 6 tầng trên diện tích 3,73ha; chung cư từ 5 - 7 tầng trên diện tích 1ha; còn lại là đất công trình kỹ thuật, công cộng, cây xanh…
Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 8/11/2021.
Tiếp đó là Khu đô thị mới phía Đông TTHC huyện Giồng Riềng, với diện tích đất sử dụng là 12,04ha, tổng chi phí thực hiện là 400 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 111 căn nhà ở, chiều cao 1-4 tầng thuộc mặt đường số 4 và đường số 14. Các lô đất còn lại trong dự án chủ đầu tư thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở theo đồ án quy hoạch được duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Cuối cùng là dự án Khu đô thị mới phía Tây TTHC huyện Giồng Riềng với diện tích đất sử dụng là 9,95ha, tổng chi phí thực hiện là 235 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 72 căn nhà ở chiều cao 1-4 tầng, thuộc mặt tiền đường số 12A. Hiện trạng đất đã giải phóng mặt bằng.
Tiến độ đầu tư cả 3 dự án từ năm 2021 - 2025. Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện các dự án là ngày 8/11/2021.
| Nếu ‘bom nợ’ Evergrande của Trung Quốc phát nổ, kinh tế Australia có bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng dominos? Khủng hoảng nợ Evergrande và "sức khỏe" của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Australia, nước vốn có ... |
| Xuất khẩu ngày 5-8/10: Hàng dệt may nguy cơ bị EAEU áp biện pháp phòng vệ ngưỡng; ô tô nhập thấp kỷ lục, giá rau quả Việt sang Nga tăng 32% Hàng dệt may Việt Nam có nguy cơ bị EAEU áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng; nhập khẩu ô tô tháng 9/2021 thấp kỷ ... |