Bất động sản mới nhất: Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh ế ẩm do cú sốc Covid-19. (Nguồn: TNNĐ) |
Giá biệt thự tại 2 quận, huyện Hà Nội gây sốc
Theo thống kê trong nửa đầu năm, huyện Hoài Đức, Hà Nội ghi nhận mức giá tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại.
Savills Việt Nam vừa công bố dữ liệu cho thấy thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội tiếp tục đạt tỷ lệ hấp thụ tốt trong quý đến 56%, giá chào bán thứ cấp mỗi năm tăng khoảng 7% trong khi giá sơ cấp trung bình cũng tăng trong quý này.
Mức tăng giá sơ cấp trung bình cao nhất ở quận Hoàng Mai (15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại). Trong khi đó tại huyện Hoài Đức, mức tăng là 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại.
Sự tăng giá có thể thấy rõ ở nguồn cung mới tại các giai đoạn sau của các dự án, đặc biệt ở các dự án có tốc độ hấp thụ tốt. Các chủ đầu tư chia dự án thành nhiều khu để xây dựng giá trị và gia tăng mức giá.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia Savills vẫn có rủi ro lớn từ giá chào bán cao. Đơn cử, mức giá tại một số dự án chất lượng tốt ở quận Nam Từ Liêm và huyện Đông Anh có sự suy giảm trong quý này, với mức hấp thụ thấp.
Cũng theo Savills, BĐS vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ. Đây là phản ứng trực tiếp đối với sự bùng phát của Covid-19 khi có xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao cũng như tính thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại.
Một điểm đáng lưu ý tại Hà Nội, thị trường cũng có xu hướng mở rộng sang vùng ven do quỹ đất ở trung tâm hiện rất hạn chế, thậm chí hiện tượng hạn chế quỹ đất còn có thể thấy tại các khu vực quanh vành đai 2 và 3.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ ngoại thành TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh
Theo VnExpress, tháng 7/2021, các quận Tân Bình, Gò Vấp, TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) nằm xa lõi trung tâm có giá thuê mặt bằng giảm 50% song vẫn ế khách.
Theo đó, tại khu Cát Lái, quận 2 cũ (TP Thủ Đức), một số chủ mặt bằng kinh doanh thuộc khối đế bán lẻ chung cư và shophouse giảm giá 30-50% giá thuê cho khách hàng từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 7.
Thậm chí, có chủ nhà còn kích hoạt phương án mở để khách thuê có thể thương lượng giá theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, giá thuê giảm không thể níu chân khách hiện hữu và khách mới khiến số mặt bằng bỏ trống tại đây tiếp tục tăng lên.
Tại quận Thủ Đức cũ (TP Thủ Đức), trong tháng 6 và 7, nhiều shophouse đang là mặt bằng bán lẻ cũng miễn tiền thuê cho khách trong thời gian TP. Hồ Chí Minh giãn cách và phong tỏa.
Trong khi đó, tại khu vực quận 9 cũ (TP Thủ Đức), Tân Bình, Gò Vấp, giá thuê mặt bằng bán lẻ đã giảm trung bình 35-40% kể từ tháng 5 đến nay và đang diễn ra làn sóng trả mặt bằng mạnh mẽ.
Từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7, nhiều khách thuê ngành dịch vụ phục vụ nhà hàng và ăn uống (F&B) tại các phố ẩm thực, khu mua sắm các quận ven này cũng đã trả mặt bằng do không thể trụ nổi khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát mạnh.
Để ngăn chặn làn sóng tháo chạy tránh dịch của các đơn vị bán lẻ quy mô nhỏ do hầu hết trung tâm thương mại đã đóng cửa từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều chủ tòa nhà, đặc biệt là các tòa tháp bán lẻ tại quận ngoại thành Sài Gòn đã miễn tiền thuê và phí quản lý cho các khách thuê hiện hữu.
Tuy nhiên, ngoại trừ khách thuê thuộc nhóm V.I.P có thương hiệu mạnh chọn trụ lại mặt bằng bán lẻ trung tâm hoặc vị trí thuận tiện để theo đuổi mục tiêu dài hạn, khách thuê nhỏ lẻ có xu hướng rút khỏi mặt bằng ở ngoại thành để cắt giảm chi phí.
Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh của Colliers Việt Nam, giá thuê trung bình ở khu vực ngoại thành Sài Gòn có mức giảm sâu hơn so với khu vực trung tâm. Các mặt bằng thương mại nằm ở quận ven đô đã điều chỉnh giá thuê trung bình 30% kể từ tháng 5 trở đi và đà giảm giá thuê vẫn chưa dứt do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các mặt bằng bán lẻ ở những quận ven đã có sự điều chỉnh mạnh từ 35 USD mỗi m2 một tháng hạ xuống còn 24,5 USD mỗi m2 một tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại quận 1 chỉ giảm không quá 15% và tỷ lệ trống chưa đến 2%.
Theo các chuyên gia, giữa cơn lốc Covid-19, các xu hướng bán lẻ hiện đại (thương mại điện tử, mua sắm online...) bùng nổ cũng phần nào phá vỡ vị thế độc tôn của mặt bằng bán lẻ truyền thống. Diễn biến này đẩy các trung tâm thương mại ven đô vốn ít lợi thế cạnh tranh hơn khu trung tâm, rơi vào tình thế giảm giá nhưng ế khách thuê trong ngắn và trung hạn.
Thanh Hóa có thêm khu đô thị 940 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị mới Hải Vân, tọa lạc tại thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh với diện tích sử dụng vào khoảng 14,6 ha. Phía Bắc dự án giáp chợ Bến Sung, phía Nam giáp kênh Nông Giang, phía Đông giáp khu dân cư, phía Tây giáp kênh Nông Giang.
Phối cảnh khu đô thị Hải Vân, Thanh Hóa. (Nguồn: HV) |
Dự án bao gồm 372 nhà liền kề, 66 biệt thự và các công trình tiện ích với quy mô dân số khoảng 2.000 người. Khu đô thị mới Hải Vân không có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 940,6 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án là 913 tỷ đồng, còn lại là tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2026.
5 điều cần biết về tiền đền bù thu hồi đất năm 2021
Khi Nhà nước thu hồi đất, người dân nên nắm rõ những loại tiền đền bù, cách tính tiền bồi thường về nhà ở, cây trồng để không bị thiệt.
Giá đền bù đất không theo giá thị trường
Căn cứ Điểm đ Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. So với giá thị trường thì giá đất cụ thể thấp hơn nhiều.
Nắm rõ cách tính tiền bồi thường về nhà ở, cây trồng
Các phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau: Bồi thường bằng giá trị xây mới nhà cửa, công trình nếu gắn liền với đất phải tháo dỡ toàn bộ.
Bồi thường theo thiệt hại thực tế khi tháo dỡ một phần mà phần còn lại phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Khi nào bồi thường bằng tiền, khi nào bồi thường bằng đất
Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì phương án bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Nếu không có nhu cầu bồi thường bằng đất, hoặc nhà thì có thể nhận tiền.
Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì nếu không có quỹ đất thì bồi thường bằng đất ở hoặc không thì bồi thường bằng tiền.
Bồi thường khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định rõ khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất.
Khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Căn cứ Khoản 83 Luật Đất đai 2013, ngoài việc được bồi thường về đất, nhà ở thì người bị thu hồi còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ:
- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở.
- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.