Trong khi lượt tìm kiếm BĐS toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thì TPHCM đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình. (Nguồn: Vinhomes) |
Tỷ lệ lấp đầy BĐS công nghiệp cao
Thông tin về thị trường BĐS công nghiệp mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương với mức cuối năm 2020.
BĐS khu công nghiệp ở khu vực phía Bắc tại khu kinh tế ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng vẫn ghi nhận nguồn cung tốt nhờ các dự án mới.
Tại 6 tỉnh trọng điểm phía Bắc, nguồn cung khu công nghiệp đạt mức 11.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy đến nay khoảng 83% và chỉ còn trống khoảng 2.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%.
Các địa phương như Hưng Yên với tỷ lệ lấp đầy khoảng 77% và Hải Phòng ở mức 68% một điểm đến khá thích hợp cho nhà đầu tư vào lúc này.
Đối với nhà xưởng, nhà kho đã xây dựng sẵn, giá thuê trung bình đã lên đến 5 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy đạt 78%.
Trước đó, báo cáo cập nhật của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp của cả nước trong nửa đầu năm nay có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở phía bắc trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 80%, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía nam là khoảng 85%.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn ở mức cao trên 95% như TPHCM, Đồng Nai và Bắc Ninh.
Giá thuê BĐS công nghiệp trong quý II vừa qua tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực phía Bắc, giá thuê BĐS công nghiệp tăng từ 5-12% và tại khu vực phía Nam tăng từ 8-13% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, hiện có khoảng 563 khu công nghiệp với tổng diện tích được bao phủ là khoảng 210.900ha.
Tuy nhiên, một số khu công nghiệp vẫn chưa hoạt động.
Đến nay, số khu công nghiệp thực tế đã công bố là 406, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, 37 dự án thuộc các khu kinh tế và 8 dự án điện công nghiệp khác nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.
Đấu giá đất ngoại thành Hà Nội, giá khởi điểm thấp nhất 1 triệu đồng/m2
Gần đây, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội liên tục thông báo đấu giá hàng loạt thửa đất để xây dựng nhà ở. Đáng chú ý, có những thửa đất có giá khởi điểm chỉ hơn 1 triệu đồng/m2.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Dự kiến, buổi đấu giá diễn ra vào 9h ngày 10/10 tại hội trường UBND xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức.
Cụ thể, 8 thửa đất có tổng diện tích 766m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội được đưa ra đấu giá. Diện tích các thửa đất dao động 80-101m2. 8 thửa đất này có giá khởi điểm 1,04-1,79 triệu đồng/m2.
Tương tự, thông báo đấu giá quyền sử dụng 16 thửa đất ở tại thị trấn Tây Đằng và xã Thụy An, huyện Ba Vì cũng vừa được công bố. Cuộc đấu giá được tổ chức vào 8h30 ngày 13/10 tại hội trường UBND xã Thụy An, huyện Ba Vì.
Diện tích 16 thửa đất đưa ra đấu giá trên từ 90,6m2 đến 222,4m2 và mức giá khởi điểm từ 6,1 triệu đồng/m2 đến 14,9 triệu đồng/m2.
Trước đó, tại huyện Đông Anh, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện ra thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng 27 thửa đất để xây dựng nhà ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2).
Diện tích các thửa đất từ 90m2 đến 164,17m2 và có giá khởi điểm từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá được tổ chức lúc 8h30 ngày 15/10 tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh, địa chỉ thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Liên quan tới hoạt động đấu giá đất thời gian qua, nhiều phiên đấu giá đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội diễn ra khá sôi động. Không ít buổi đấu giá thành công đã thu về tiền chênh so với giá khởi điểm lớn.
Đơn cử, tại huyện Mê Linh, đất đấu giá liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Các cuộc đấu giá cũng liên tục thu về mức giá chênh từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng tiền chênh so với giá khởi điểm.
Đáng chú ý, ngày 30/7, phiên đấu giá đối với 33 lô đất tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông đã thu hút 270 lượt khách tham gia. Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, giúp thu về gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, tiếp tục xác lập mức kỷ lục giá mới.
Hay vào đầu tháng 6, huyện Mê Linh cũng đấu giá thành công 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, thu về 98 tỷ đồng. Mức giá trúng cao nhất thời điểm đó là 85,5 triệu đồng/m2.
Trên thị trường chung cư Hà Nội, căn hộ trung cấp (30 - 50 triệu đồng/m2) có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). (Ảnh: Hà Phong) |
Dòng tiền trở lại khu vực phía Nam?
Từ đầu năm 2022, chuyên gia của Batdongsan.com.vn nhận định, dòng tiền đầu tư vào BĐS có xu hướng dịch chuyển từ Nam ra Bắc và miền Trung, tuy nhiên, dòng tiền sẽ sớm quay lại khu vực phía Nam.
Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường BĐS miền Nam, đặc biệt là tại TPHCM chứng kiến lượng quan tâm đang tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc.
Trong khi lượt tìm kiếm BĐS toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thì TPHCM đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình.
Cụ thể, mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TPHCM tăng lần lượt là 17%, 9% và 8%.
Lý giải xu hướng này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng: “Một phần lớn nhà đầu tư BĐS ở miền Nam đến từ miền Bắc, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, họ đã rút tiền về đầu tư vào các khu vực lân cận khiến cho sự quan tâm đối với BĐS phía Bắc tăng khá mạnh.
Khi lượng quan tâm tăng, BĐS miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và vào đến miền Nam.
Trong dài hạn, dòng tiền sẽ ở lại với TPHCM và miền Nam nói chung vì những yếu tố sau: kinh tế khu vực phía Nam vốn là đầu tàu cả nước, kinh tế bền vững giúp cho thu nhập của người dân bền vững và khả năng chi trả cho mặt hàng BĐS tốt.
Đồng thời, mặt bằng giá BĐS tại đây nhìn chung duy trì ở mức ổn định; hơn nữa, sau Covid-19, kinh tế khu vực phía Nam ngày càng phục hồi, đặc biệt là các khu công nghiệp với lượng lớn người lao động quay trở lại, thúc đẩy nhu cầu về BĐS tăng”.
Mức độ tăng giá chung cư Hà Nội cao gấp đôi, gấp ba TPHCM
Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lượt tìm mua chung cư Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm thuê chung cư tại 2 thành phố này còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 25% và 48%.
Thu hút lượng quan tâm lớn, loại hình chung cư có mặt bằng giá rao bán gia tăng trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội cao khoảng gấp đôi thậm chí gấp ba so với TPHCM, tùy từng phân khúc.
Các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng từ 15% đến 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TPHCM tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định, những năm qua, nền giá chung cư TPHCM cao hơn đáng kể so với Hà Nội.
Nhưng đến hiện tại, mức giá điều chỉnh gần như ngang nhau song lại diễn ra trên 2 nền giá khác nhau thì tỷ lệ % thay đổi tất yếu sẽ chênh lệch. Đồng thời, trong vài năm trở lại đây, đất nền ở các vùng ven Hà Nội đã trải qua các cơn “sốt”, qua đó đẩy giá mặt bằng chung của các phân khúc khác như chung cư lên cao.
Trên thị trường chung cư Hà Nội, căn hộ trung cấp (30 - 50 triệu đồng/m2) có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). Đây là phân khúc thu hút lượng quan tâm lớn nhất và tăng mạnh nhất (10%), lượng tin đăng cũng tăng 11%.
Còn ở TPHCM, căn hộ cao cấp (55 triệu đồng/m2) đứng đầu về tốc độ tăng giá rao bán, mức độ quan tâm và cả số lượng tin đăng. Cụ thể, giá rao bán chung cư cao cấp TPHCM tăng 8%, lượt tìm mua tăng 16% và lượng tin đăng tăng đến 25%.