📞

Bất động sản mới nhất: Giá đất 'nhảy múa', ăn theo dự án sân bay quốc tế phía Nam Hà Nội, vì sao dòng tiền ‘ưu ái’ địa ốc nghỉ dưỡng?

Hải An 08:05 | 28/05/2022
Giá đất phía Đông Nam Hà Nội tăng nhanh theo thông tin về dự án sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nôi, địa ốc nghỉ dưỡng hồi sinh, Thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở vào sổ đỏ… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo, chuyện các dự án cầu đường, sân bay, dự án mở đến đâu thì đất sẽ "sốt" tới đó đang là thực trạng diễn ra tại Việt Nam trong nhiều năm nay. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí)

"Cò đất" đua nhau đẩy giá đất theo thông tin sân bay thứ 2 ở Hà Nội

Dù việc xây dựng sân bay thứ 2 mới chỉ là định hướng quy hoạch nhưng những ngày qua, nhiều thửa đất mặt tiền dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Thường Tín) đang thu hút hàng chục lượt khách đổ về, có nơi giá BĐS đã tăng theo cấp số nhân chỉ sau một thời gian ngắn.

Anh Hùng - một môi giới nhà đất khu vực huyện Thường Tín (Hà Nội), thừa nhận: "Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, anh em chuyên mua bán đất động sản chúng tôi đều cho rằng, giá đất dọc theo hướng Đông Nam Hà Nội là huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì... sẽ hưởng lợi tăng giá theo định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội".

Từ những luồng tin như xây dựng sân bay thứ 2, dự án quy hoạch đường vành đai 4, giá đất ở Thường Tín đang dao động 20-35 triệu đồng/m2, nay đã tăng thêm 5-10 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Thời gian tới chắc chắn giá đất khu vực này sẽ có xu hướng tăng đồng loạt.

Rầm rộ đăng tin rao bán mảnh đất ở Đại lộ Ninh Sở, huyện Thường Tín để "ăn theo" đề án xây dựng sân bay thứ 2, nhưng khi được hỏi, anh Nguyễn Biển (người rao bán mảnh đất) lại tư vấn một cách chung chung.

Đáng nói, dù chưa biết địa điểm cụ thể nhưng anh Biển liên tục đưa ra dự đoán, tương lai giá đất tại huyện Thường Tín sẽ còn tăng nhiều lần. Đồng thời định hướng, nếu muốn "lướt sóng" đầu tư thì nên chọn những mảnh đất đẹp ở mặt đường, thuận tiện theo trục giao thông thì sẽ không lo bị thiệt.

Trong khi nhiều môi giới nhà đất đang đồng loạt đẩy giá, một số người dân nơi đây lại cho rằng, việc phát triển sân bay với khoảng cách quá gần thì đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị hạn chế nhiều, nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao. Một số ý kiến khác còn lo ngại, tình trạng "sốt đất" theo đề án xây dựng sân bay sẽ tiếp tục tái diễn ở huyện Thường Tín.

Nhiều chuyên gia BĐS cảnh báo, chuyện các dự án cầu đường, sân bay, dự án mở đến đâu thì BĐS sẽ "sốt" tới đó đang là thực trạng diễn ra tại Việt Nam trong nhiều năm nay. Không ít nhà đầu tư đã "ăn theo" sóng hạ tầng để kiếm lời.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hiện nay, có nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như nhiều người mong đợi. Vì vậy, người dân nên tìm hiểu thật kĩ thông tin quy hoạch, pháp lý cũng như tính kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, khả năng thanh khoản trước khi "xuống tiền".

Dự kiến phân bổ 15.000 tỷ đồng cho các cá nhân thuê, mua nhà ở xã hội trong 2 năm

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội về nhu cầu cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, trên tổng số vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong năm 2022 và 2023, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, năm 2023 là 8.200 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, hiện nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 147.000 căn, tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2 (trong đó có 116 dự án cho công nhân khu công nghiệp; 223 dự án cho người thu nhập thấp khu vực đô thị).

Về nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội là các đối tượng có thu nhập thấp, gia đình chính sách, công nhân khu công nghiệp nên nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội là rất lớn, chỉ tính riêng đối với các dự án đang triển khai thì nếu mỗi căn hộ người dân được vay 500 triệu đồng (khoảng 50% giá trị căn nhà) thì nhu cầu khoảng 122.500 tỷ đồng.

Như vậy, nhu cầu vay vốn của các cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây dựng mới mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là rất lớn.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thì Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 15.000 tỷ đồng để cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023.

Cũng bởi những lý do trên, Bộ Xây dựng cho rằng, cần sớm giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong 02 năm 2022 và 2023.

Vì sao BĐS nghỉ dưỡng là cơn sốt với thị trường?

Giá trị BĐS ở mỗi khu vực có tốc độ và thời điểm tăng là khác nhau, phụ thuộc nhiều vào chính sách quy hoạch chung và định hướng phát triển cơ sở hạ tầng đối với các địa phương. Không thể phủ nhận, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời được nhiều nhà đầu tư tin tưởng nhưng yếu tố tiên quyết là phải lựa chọn đúng sản phẩm đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, hầu hết các phân khúc BĐS đều đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đặc biệt, khi thị trường du lịch bắt đầu mở cửa, nhiều nhà đầu tư đã đổ về các thành phố du lịch để săn lùng BĐS nghỉ dưỡng khiến thị trường nghỉ dưỡng tăng tốc trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu.

Dòng tiền cũng ưu ái chảy vào các dự án ở khu vực này như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Phú Quốc,… kéo theo nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng càng khan hiếm và được ưa chuộng bởi tiềm năng tăng giá, cơ hội sinh lời từ du lịch nghỉ dưỡng và khả năng thanh khoản cao.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn còn e ngại về vấn đề pháp lý bởi đặc tính của BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Do vậy, các dự án minh bạch về pháp lý và đảm bảo các quy chuẩn xây dựng, quản lý vận hành sẽ tạo tâm lý tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư và khách hàng.

Nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, hầu hết các phân khúc BĐS đều đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong ảnh: Dự án Hoian d'Or.

Thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở vào sổ đỏ

Theo Khoản 3 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, để đăng ký bổ sung nhà ở vào sổ đỏ, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.

- Một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở quy định tại Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

- Sơ đồ về nhà ở, trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đã có sơ đồ nhà ở phù hợp với hiện trạng.

- Giấy chứng nhận đã cấp.

- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở vào sổ đỏ

Tại Điều 70, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định việc đăng ký bổ sung đối với nhà ở vào Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà ở nếu có nhu cầu hoặc:

- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

- Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

(tổng hợp)