Đề xuất sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu. (Nguồn: Dân trí) |
Loạt chính sách sẽ có tác động lớn tới BĐS năm 2023
Năm 2022 đã có nhiều nghị quyết, nghị định mới ban hành liên quan đến chính sách cho thị trường BĐS, những chính sách này sẽ có nhiều tác động với thị trường kể từ năm 2023.
Đầu tiên phải kể đến Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.
Cả 2 nghị định này được ban hành vào cuối tháng 6 và có hiệu lực từ giữa tháng 8/2022 với những điểm mới đáng chú ý.
Điều 18 của Nghị định 44/NĐ-CP yêu cầu các chủ đầu tư dự án BĐS phải cung cấp thông tin, dữ liệu về dự án, sản phẩm đủ điều kiện giao dịch và lượt giao dịch BĐS cho Sở Xây dựng theo biểu mẫu trong mỗi kỳ báo cáo.
Cụ thể, các thông tin kê khai, dữ liệu về dự án, cơ cấu loại BĐS của dự án cần được thực hiện trước khi có thông báo khởi công hoặc trước khi được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện dự án.
Cùng đó là các thông tin kê khai về BĐS đủ điều kiện giao dịch, đăng tải văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện trước khi chủ đầu tư đưa sản phẩm trong dự án ra giao dịch.
Dưới góc độ tài chính, các chuyên gia nhận xét, sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm sửa đổi bổ sung Nghị định 153/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, chủ yếu liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường này.
Trong số đó, đã nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư; yêu cầu chặt hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành; xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong trường hợp cụ thể.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP về thị trường trái phiếu sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp BĐS có năng lực, uy tín dễ dàng hơn trong việc huy động vốn.
Theo các chuyên gia, những điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm tăng trách nhiệm của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn chung, điểm tích cực của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là giúp thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển thực chất hơn, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 3/1, Giá vàng quay cuồng giữa vòng xoáy địa chính trị, giải mã ‘cơn sốt vàng’ của Nga-Trung Quốc |
Với lĩnh vực BĐS, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín huy động vốn để triển khai những dự án chất lượng, khơi thông nguồn cung, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm ngày càng cao của người dân.
Đáng chú ý, Nghị định 65 đang được nghiên cứu sửa đổi để tiếp tục khơi thông thị trường trái phiếu. Trong đó, theo TS. Đinh Thế Hiển, đề xuất sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Đề xuất đáng chú ý là lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ dọn đường cho việc gia hạn/giãn nợ; tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.
Nguồn cung mới căn hộ tại TP.HCM sẽ giảm
Theo dự báo của Công ty Cushman & Wakefield, năm 2023, tại TP.HCM, quỹ đất phát triển hạn chế và khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, nguồn cung mới dự kiến sẽ thấp hơn 900 căn, giảm 27% so với năm 2022.
So với những dự án trước, hầu hết các dự án mới đều có nhiều tiện ích hơn với cơ sở hạ tầng ngoại khu và nội khu hoàn thiện với xu hướng lấy cảm hứng thiết kế lịch sử - văn hóa- nghệ thuật, góp phần nâng cao giá trị dự án. Các dự án được xây dưng với kỳ vọng nhà không còn chỉ là nơi để ở, mà còn là một chốn nghỉ dưỡng cuối tuần giữa khung cảnh sông nước và môi trường thiên nhiên trong lành.
Về phía chủ đầu tư, Công ty Cushman & Wakefield nhận xét, hầu hết dự án tập trung hoàn thiện tiện ích, hướng tới tạo dựng cộng đồng với nguồn cung mới tiếp tục dịch chuyển tới các khu vực ngoài trung tâm. Còn về phía khách hàng, thị trường đang hướng tới nhu cầu mua ở thực, thay vì mua đầu tư như trước. Những dự án có pháp lý rõ ràng, tiến độ thanh toán linh hoạt trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn sẽ thu hút được khách hàng.
Đánh giá chung về thị trường nhà ở tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, năm 2022 có sự phục hồi nhẹ sau khoảng thời gian tạm dừng năm 2021 do dịch Covid-19.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, thị trường căn hộ Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận tổng cộng 17.028 căn chào bán, tăng 87% so với năm 2021. Riêng quý IV/2022, doanh số bán mới đạt 983 căn, giảm 76% so với quý trước đó.
Giá bán sơ cấp trung bình quý IV/2022 tăng 21% so với quý trước, đạt khoảng 3.400 USD/m2.
Giá bán sơ cấp trung bình phân hạng căn hộ siêu sang tại TP.HCM là hơn 10.000 USD/m2; hạng sang từ 4.500 - 10.000 USD/m2; cao cấp dao động 3.000 - 4.500 USD/m2; phân khúc trung cấp từ 1.500 - 3.000 USD/m2 và bình dân khoảng 1.500 USD/m2.
Trong năm 2022, phân khúc nhà liền thổ tại TP.HCM có nguồn cung mới đạt 1.200 căn, tăng 12% theo năm do thị trường phục hồi so với năm 2021 trầm lắng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, lượng căn bán giảm 3% do tâm lý thị trường chững lại và người mua do dự trong bối cảnh bất định.
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, giá bán sơ cấp giảm nhẹ 0,2% theo quý do một số dự án đưa ra chính sách chiết khấu, nhưng giá vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vì nguồn cung chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp ở các vị trí đắc địa.
Hiện nhu cầu đối với các căn hộ trung cấp vẫn rất lớn, người mua ưa chuộng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và có lịch thanh toán linh hoạt. Đầu tư dài hạn là chiến lược thích hợp trong giai đoạn này./.
Thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án ở Phú Quốc
Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát các dự án theo Kết luận thanh tra số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ.
Đây là kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 – 2017.
Tỉnh Kiên Giang thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án tại Phú Quốc. (Ảnh minh họa - Nguồn: Vietnamnet) |
Từ báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án tại Phú Quốc. Trong đó có 5 dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng.
Các dự án thu hồi gồm: Khu dân cư tại ấp Gành Gió và ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương; Khu dân cư, thương mại dịch vụ tại xã Cửa Cạn; Trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng tại P.An Thới;
Trung tâm hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật tại khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ; Bệnh viện sinh thái 500 giường Phú Quốc tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ; Khu vườn ươm cây giống tại ấp Suối Cát, xã Cửa Dương.
5 dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng thuộc diện thu hồi gồm: Khu du lịch sinh thái nhà vườn và dịch vụ vui chơi giải trí tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương; Khu du lịch tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh;
Khu du lịch sinh thái Nam Việt Á tại khu du lịch Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; Khu nghỉ dưỡng Sasco - Bà Kèo tại khu phố 7, P.Dương Đông; Khu dịch vụ du lịch và làng nghề truyền thống Khánh An Phú Quốc tại xã Gành Dầu.
Đối với nhà đầu tư tự nguyện xin chấm dứt hoạt động dự án, UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án. Những trường hợp còn lại thì tiến hành các thủ tục thu hồi dự án theo đúng quy định.
Sau khi thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án nói trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc có trách nhiệm phối hợp với UBND TP.Phú Quốc quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, nhất là đất Nhà nước quản lý, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Trong 11 dự án thu hồi có 4 dự án chủ đầu tư nhận góp vốn của các cổ đồng bằng quyền sử dụng đất. UBND tỉnh Kiên Giang giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc làm việc với các chủ đầu tư để chấm dứt hoạt động dự án. Sau đó, nếu nhà đầu tư có nhu cầu thì hướng dẫn thực hiện lại thủ tục đầu tư.
Hà Nội công khai 27 dự án “ôm đất” bị thu hồi
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện Kết luận số 51-KL/TU ngày 7/4/2022 và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 7/4-2022 của Thành ủy về hội nghị chuyên đề Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII; Quyết định số 2913-QĐ/TU ngày 5/7/2022, số 2950-QĐ/TU ngày 28/7/2022 của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Ngoài ra còn có Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Trong đó, UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương của Hà Nội thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; Các dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự đồng thuận, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với 27 dự án UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chấm dứt hoạt động dự án.
Đáng chú ý, trong danh sách 27 dự án này có nhiều dự án nhà ở, khu đô thị với quy lớn đã được giao đất từ hơn chục năm trước.
Cụ thể, Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn của Công ty Xây dựng Trường Giang quy mô 22,4ha; Dự án biệt thự nhà vườn (huyện Thạch Thất) của Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành.
Tại huyện Mê Linh, các dự án chậm triển khai gồm: Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh) với quy mô 99ha của Công ty cổ phần Prime Group; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh - Thanh Lâm - Tráng Việt) quy mô 106ha của Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc; Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư;
Ngoài ra, còn có Dự án Nam Đàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông; Dự án Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long…
| Giá vàng hôm nay 3/1, Giá vàng quay cuồng giữa vòng xoáy địa chính trị, giải mã ‘cơn sốt vàng’ của Nga-Trung Quốc Giá vàng hôm nay 3/1, Giá vàng được nhận định không mấy khả quan nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng tăng giá, cần quan ... |
| Bất động sản mới nhất: Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp gỡ khó; sát Tết, giá đất nền ven TP.HCM 'quay xe'; phân khúc nào sẽ chạm đáy? Lãnh đạo Bộ Xây dựng nêu các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, chuyên gia nhận định về các phân khúc trong năm tới, ... |
| Giá tiêu hôm nay 2/1, kết thúc năm 2022 ‘chật vật’ với nhiều sức ép, đặt kỳ vọng vào thị trường 2023 Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 3/1, nhu cầu thấp, dự báo lượng nhập từ thị trường Trung Quốc chưa thể bứt phá mạnh Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg. |
| Thế giới năm 2022: Những bức ảnh ấn tượng đi vào lịch sử, xung đột Nga-Ukraine 'chiếm sóng' Tổng hợp những bức ảnh ấn tượng nhất trong năm 2022 với những sự kiện đi vào lịch sử nhân loại. |