Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản công bố mới đây cho thấy, từ quý II/2022 đến quý II/2023, phân khúc đất nền vẫn đang chứng kiến một mức độ quan tâm rất ảm đạm. (Nguồn: Tiền Phong) |
Liên tiếp tạm dừng đấu giá đất
Mới đây, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) liên tiếp đăng tải thông báo tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 25/7/2023: Giá vàng bất ngờ nhảy vọt, nhắm thẳng mốc 2.000 USD/ounce, có nên lạc quan sớm? Vàng SJC bật tăng |
Cụ thể, trong ngày 21/7, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt và Công ty đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam đồng loạt đăng tải thông báo tạm dừng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 28 thửa đất trong ô đất LK1 và 20 thửa đất trong ô LK3 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Nguyên nhân tạm dừng là căn cứ Công văn số 1778/UBND - TNMT ngày 21/7 và công văn số 755/QLDA - KHTH của UBND huyện Đông Anh và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh về việc tạm dừng tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại ô đất LK1 và LK3.
Trước đó, 28 thửa đất tại ô LK1 được thông báo đấu giá vào ngày 22/7 có diện tích từ 130,8 - 276,65m2 được chào đấu giá với mức khởi điểm từ 29,7 - 34,4 triệu đồng/m2. Như vậy, cuộc đấu giá bất ngờ bị tạm dừng trước thời điểm chính thức diễn ra như thông báo trước đó đúng 1 ngày.
Còn 20 thửa đất thuộc ô LK3 được thông báo đấu giá vào ngày 29/7 với diện tích từ 126 - 270 m2/thửa và giá khởi điểm từ 29,7 - 34,4 triệu đồng/m2.
Theo thông báo, các khách hàng đã mua hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước (nếu có) sẽ được hoàn trả lại tiền hồ sơ trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày ban hành thông báo (21/7).
Hồi cuối tháng 4 năm nay, huyện Đông Anh cũng thông báo tạm dừng tổ chức đấu giá đất đối với 44 thửa đất tại khu đất X6 thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà.
Theo đó, 44 thửa đất được tổ chức làm 2 đợt, mỗi đợt huyện đấu giá 22 thửa. Theo dự kiến trước đó, đợt 1 được tổ chức đấu giá đất vào ngày 23/4 và đợt 2 tổ chức vào ngày 6/5. Trong đó, các thửa đất có diện tích từ 90 - 154 m2/thửa và giá khởi điểm từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2.
Trước đó, các thửa đất trong số 44 thửa đất tạm dừng đấu giá đất đã được thông báo tổ chức đấu giá trước đó vào ngày 18/3. Tuy nhiên, những thửa đất lại được thông báo tổ chức đấu giá tiếp vào giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5 rồi lại tiếp tục thông báo tạm dừng.
Đất nền vẫn trầm lắng do niềm tin của người mua
Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu BĐS công bố mới đây cho thấy, từ quý II/2022 đến nay, phân khúc đất nền vẫn đang chứng kiến một mức độ quan tâm rất ảm đạm.
Khi thị trường "sốt nóng", đất nền là phân khúc nhận được lượng quan tâm rất lớn và có sự hấp thụ rất nhanh, nhưng khi thị trường chững lại, đất nền lại có mức độ sụt giảm sâu nhất. Bởi vì, đất nền là phân khúc mang tính đầu cơ nhiều hơn so với nhu cầu khai thác dòng tiền.
Một số chuyên gia BĐS đánh giá, tình hình giao dịch trên thị trường đất nền vẫn trầm lắng do niềm tin của người mua. Những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến người mua "chùn bước".
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, giao dịch nhà đất khó thành công do kỳ vọng giữa người bán và người mua vẫn còn khoảng cách xa.
Cụ thể, theo khảo sát, trong những lý do mà nhà đầu tư cần rao bán BĐS, thì 49% là để cơ cấu lại danh mục đầu tư; 23% là do không có nhu cầu sử dụng, nên rao bán lại; chỉ 22% là do kẹt tài chính, phải sang nhượng để giải quyết vấn đề kinh tế.
"Vì nhóm người bán cần "thoát hàng" do khó khăn tài chính không cao, nên phần lớn vẫn nuôi kỳ vọng sẽ bán ra BĐS với mức có lời, lợi nhuận dao động trên dưới 10%", ông Quốc Anh chia sẻ.
Về khả năng thanh khoản, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lãi suất giảm xuống dưới mức 10%/năm, thị trường ấm dần lên, thì làn sóng đầu tư nhà đất có thể sẽ nhen nhóm trở lại, dòng tiền với doanh nghiệp có thể "rủng rỉnh" hơn.
Ngược lại, nếu lãi suất cho vay vẫn neo cao, thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng, thì khả năng dòng tiền sẽ vẫn ở lại ngân hàng.
Áp dụng 'hệ số K' về giá đất có thể ‘bỏ sót’ nhiều dự án quy mô lớn?
Phản hồi đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) đối với thửa đất, khu đất định giá phải có mức giá dưới 200 tỷ đồng so với bảng giá đất là chưa sát thực tiễn.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tất cả dự án BĐS, đô thị mà không giới hạn “khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỷ đồng.”
Theo ông Châu, tại Điều 4 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP (Dự thảo Nghị định số 44) quy định 3 phương pháp định giá đất, gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đồng thời dự thảo nghị định không còn quy định “phương pháp thặng dư”.
Trong đó, tại Khoản 3 Điều 5 của dự thảo quy định “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất” cho trường hợp: Xác định giá đất của thửa đất, khu đất mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy quy định áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” đối với thửa đất, khu đất định giá phải có mức giá “dưới 200 tỷ đồng” so với bảng giá đất là chưa sát thực tiễn do đã “bỏ sót” rất nhiều dự án BĐS, nhà ở, khu đô thị có quy mô lớn hơn.
“Bởi lẽ không có phương pháp nào phù hợp để áp dụng định giá đất cho các trường hợp trên do dự thảo Nghị định 44 chỉ quy định 3 phương pháp định giá đất, trong đó không thể áp dụng phương pháp so sánh hoặc phương pháp thu nhập để định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các thửa đất, khu đất có giá trị tính trên 200 tỷ đồng”, ông Châu chia sẻ.
Vì thế, theo quan điểm của ông Châu, việc quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả dự án không phân biệt “thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỷ đồng” hoặc “trên 200 tỷ đồng” sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không làm thất thu ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở phân tích, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và áp dụng được phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị - dự thảo cần phải bỏ quy định “dưới 200 tỷ đồng” để áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả dự án, không phân biệt “thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất dưới 200 tỷ đồng” hoặc “trên 200 tỷ đồng”.
“Trường hợp vẫn quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với thửa đất, khu đất phải có giá trị dưới 200 tỷ đồng thì cần phải giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các thửa đất, khu đất có tiềm năng phát triển; có quy mô lớn có giá trị tính theo giá đất trong bảng giá đất trên 200 tỷ đồng”, ông Châu đề xuất.
Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ có 3 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đó là: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này. (Nguồn: BXD) |
Điều kiện công nhận quyền sở hữu nhà ở
Điều 8 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở.
Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ có 3 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đó là: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
Để được công nhận quyền sở hữu nhà ở, điều kiện đầu tiên là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật Nhà ở 2014.
Bên cạnh đó cần có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây: Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh BĐS (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh BĐS); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật Nhà ở 2014.
Vingroup lập công ty con vốn điều lệ hơn 1.200 tỷ đồng tại Nghệ An
Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố nghị quyết về việc tách công ty con và thành lập công ty mới.
Cụ thể, Hội đồng quản trị Vingroup đã phê duyệt việc tách Công ty cổ phần Vinpearl, một công ty con của Tập đoàn và thành lập một công ty con mới, trên cơ sở tách doanh nghiệp trên nhằm mục đích tái cơ cấu sở hữu nội bộ.
Công ty mới dự kiến thành lập là Công ty cổ phần Vinpearl Cửa Hội, địa chỉ trụ sở chính tại đường Bình Minh, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Vốn điều lệ dự kiến của Vinpearl Cửa Hội là 1.263,8 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ góp vốn của Vingroup là 99,99% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp này là kinh doanh dịch vụ khách sạn - du lịch.
Trước khi tách và thành lập công ty mới, chi nhánh Nghệ An của Công ty cổ phần Vinpearl được thành lập năm 2017. Người đại diện của chi nhánh là bà Võ Thị Phương Thảo.
Tại Nghệ An, Vingroup phát triển các dự án BĐS như Vinpearl Cửa Hội, Vincom Shophouse Vinh, dự án cải tạo khu B - khu chung cư Quang Trung, TP Vinh.
Năm 2022, Công ty cổ phần Vinpearl hợp tác cùng tập đoàn Melía Hotels International công bố lộ trình hợp tác chiến lược. Melía Vinpearl Cửa Hội là một trong 12 dự án được Vinpearl hợp tác chuyển giao quyền quản lý cho Melía trong thời hạn tối thiểu 10 năm.
Khu nghỉ dưỡng này là tổ hợp biệt thự, khách sạn với quy mô 38,7ha, gồm 184 phòng khách sạn nằm trên diện tích 5.000m2. Tổng vốn đầu tư dự án gần 900 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 6/2016 và khánh thành vào tháng 4/2017.
| Giá vàng hôm nay 25/7/2023: Giá vàng bất ngờ nhảy vọt, nhắm thẳng mốc 2.000 USD/ounce, có nên lạc quan sớm? Vàng SJC bật tăng Giá vàng hôm nay 25/7/2023, giá vàng tăng do lo ngại suy thoái tại Eurozone. Bất kỳ bất ngờ ôn hòa nào, đặc biệt là ... |
| Bất động sản mới nhất: Nhà liền kề Tây Hà Nội cắt lỗ ồ ạt, mời thầu dự án gần 3.000 tỷ đồng, quy định thế chấp chung cư chưa sổ hồng Rao bán cắt lỗ nhà liền kề dự án từng “hot” nhất phía Tây Hà Nội, Bắc Giang mời thầu dự án gần 3.000 tỷ ... |
| Bất động sản mới nhất: Xử lý nghiêm việc cho thuê đất công không đúng quy định; 6 dự án chưa đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai Hà Nội ban hành kế hoạch nhằm xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất để cho mượn, cho thuê không đúng quy định; dự ... |
| Giá tiêu hôm nay 25/7/2023, thị trường khan hiếm nguồn cung, Trung Quốc siết chặt hơn về chất lượng hàng nhập khẩu Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – ... |
| Ảnh ấn tượng (17-23/7): Tổng thống Nga nói Ukraine tấn công cầu Crimea là ‘vô nghĩa’; pháo huyền thoại khai hỏa ở Donetsk, ‘nóng’ vụ đốt kinh Koran Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Putin phản ứng gắt về vụ cầu Crimea bị tấn công, Kiev tuyên bố “cứng”, xả súng ở New Zealand, ... |