📞

Bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘mất hút’ căn hộ giá rẻ, giá chung cư leo thang kỷ lục, thu hồi 240ha đất dự án sân golf tại Vân Đồn

Hải An 08:01 | 13/08/2022
Thị trường căn hộ cho thuê tại TPHCM nhộn nhịp trở lại; lệch pha cung cầu, giá chung cư ngày càng tăng; Quảng Ninh thu hồi 240ha đất đã giao cho HDMon Vân Đồn… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Chỉ trong vài tháng đầu năm 2022, giá chung cư Hà Nội leo thang ở mức kỷ lục, có dự án tăng 10-15% so với cùng kỳ. (Ảnh: Hà Phong)

Giá thuê tăng so với năm ngoái

Khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy, tại TPHCM, BĐS ở các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, trường đại học như TP Thủ Đức, Tân Bình, quận 12… chứng kiến mức giá tăng.

Cụ thể, phân khúc bình dân lên 5-8 triệu đồng/tháng trong khi giá ở phân khúc trung cấp là 8-12 triệu đồng/tháng. Riêng phân khúc cao cấp, chủ nhà có thể nhận từ 16-22 triệu đồng/tháng tiền cho thuê căn hộ ở một số khu vực.

Những thay đổi của thị trường cho thấy, căn hộ cho thuê đang nhộn nhịp trở lại theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Sau một thời gian phải giảm giá mạnh để giữ khách, nhiều chủ nhà tăng giá sau khi các hoạt động kinh tế - xã hội gần như đã trở lại bình thường. Riêng đại đô thị Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức), mức tăng giá thuê lên tới gần 30% chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch VNO Group (hệ thống văn phòng cho thuê) nhận định: "Quỹ đất hiện nay tại các quận trung tâm khan hiếm, không có nhiều tòa nhà mới nên sẽ đẩy mạnh bằng giá thuê tăng cao. Thời gian tới, nhiều khách hàng sẽ chọn xu hướng dịch chuyển về vùng trung tâm mới để chọn được sản phẩm cho thuê giá cả cạnh tranh".

Dư địa từ cho thuê căn hộ tại các khu vực ngoài trung tâm như TP Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn… đang rất dồi dào, điều này cũng tạo động lực lớn để người mua, nhà đầu tư nắn chỉnh dòng tiền vào các sản phẩm căn hộ.

Lệch pha cung cầu, giá nhà tăng liên tục 5 năm qua

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS, cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao.

Đáng chú ý, theo ông Châu, một số dấu hiện đáng lo ngại của thị trường BĐS hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động.

Tại TPHCM, nhà ở bình dân, năm 2020 chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là 0%. Ngược lại nhà cao cấp năm 2021 chiếm 74% và 6 tháng đầu năm là 80,1%.

Trong khi đó, nhà ở xã hội chỉ đáp ứng 41% theo kế hoạch. Theo Chủ tịch HoREA, tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017.

Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường BĐS hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I năm nay và tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu nào.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong giảm chung, BĐS thu được nguồn FDI tăng lên. Nguồn kiều hối sụt giảm, như TPHCM chỉ đạt được 3,1 tỷ USD giảm 13%. Như vậy sẽ tương ứng với giảm đầu tư vào BĐS, vì trung bình có khoảng 20% kiều hối đầu tư vào BĐS.

Nhằm tháo gỡ bất cập thị trường BĐS hiện nay, HoREA kiến nghị một số giải pháp như: Thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch; sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại;

Tiếp đó, thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát…

Vắng bóng căn hộ giá rẻ

Theo Tiền Phong, chỉ trong vài tháng, giá chung cư Hà Nội đang leo thang ở mức kỷ lục, có dự án tăng 10-15% so với cùng kỳ. Khu vực nội thành gần như không còn dự án dưới 35 triệu đồng/m2, các quận ngoài khu vực trung tâm như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… giá căn hộ cũng đã vượt mức 30 triệu đồng/m2.

Theo Công bố Tiêu điểm thị trường BĐS Hà Nội quý II/2022 của CBRE, trong những tháng đầu năm, căn hộ chung cư tại Hà Nội ở các phân khúc và vị trí đều thiết lập mặt bằng giá mới.

Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình là 1.872 USD/m2, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán sơ cấp trung bình tại Hà Nội dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình hằng năm từ 8-10% tới năm 2024.

Gần đây, hầu như không có dự án chung cư mới được cấp phép, nguồn cung cho thị trường vẫn chủ yếu đến từ các dự án đang được triển khai và đang có xu hướng giảm. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà chung cư liên tục tăng vừa qua.

Việc thị trường "vắng bóng" những căn hộ giá rẻ từ 20-25 triệu đồng/m2 khiến người lao động thu nhập trung bình gần như không thể mua căn hộ chung cư.

Một đại diện tập đoàn chuyên đầu tư dự án trên địa bàn Hà Nội cho biết, dù có nhiều cố gắng phát triển mảng chung cư nhưng 2 năm nay doanh nghiệp phải "nằm im". "Vấn đề khó nhất là thủ tục, 2 năm vừa qua lãnh đạo thành phố liên tục thay đổi, rất khó để triển khai dự án mạch lạc từ đầu đến cuối. Do nhiều rủi ro nên doanh nghiệp buộc phải tạm dừng để nghe ngóng", đại diện tập đoàn cho hay.

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực nhận định, quan hệ cung - cầu trên thị trường có sự "lệch pha" từ nhiều năm qua. Nhìn chung, nguồn cung còn hạn chế và cần thời gian để tăng, trong khi nhu cầu dự báo đã và sẽ sớm tăng trở lại, nhất là phân khúc BĐS nhà ở, khu công nghiệp.

Vị chuyên gia này cho rằng, chính sự "lệch pha" này đã góp phần đẩy giá BĐS lên cao thời gian qua và trong trung hạn, khiến người dân, người có nhu cầu thực khó mua được nhà ở với mức giá hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: Tại Hà Nội hiện chỉ có vài dự án chung cư đang hoạt động, phần lớn đang nằm chờ. Việc này dẫn đến sự mất cân đối thị trường, không còn phong phú nguồn hàng. Chủ yếu dự án nằm ở nhóm đắt tiền, không có nhà ở bình dân, nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng.

Cụm công nghiệp Vân Đồn. (Nguồn: Vietnamnet)

Quảng Ninh thu hồi 240ha đất đã giao cho HDMon Vân Đồn

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định năm 2019 của UBND tỉnh về việc cho Công ty TNHH HDMon Vân Đồn thuê gần 240ha đất và đất mặt nước đợt 1 theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn.

Theo UBND tỉnh này, lý do thu hồi, hủy bỏ là Công ty TNHH HDMon Vân Đồn đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư vào tháng 2 năm nay. Đồng thời, ngày 28/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án năm 2017 và thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Cùng với đó, để triển khai lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn), theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số tháng 2 năm nay của Thủ tướng Chính phủ; quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tháng 5 vừa qua của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Hồi tháng 6 năm nay, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh thông báo phát hành hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tại huyện Vân Đồn.

Thời gian phát hành hồ sơ đến ngày 20/8, thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Địa điểm bán hồ sơ miễn phí tại khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian thực hiện hợp đồng dự án là 9 năm (đến quý IV/2030), phương thức lựa chọn nhà đầu tư là một giai đoạn hai túi hồ sơ. Số tiền đảm bảo khi tham gia đấu thầu là 250 tỷ đồng. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là 210 ngày kể từ ngày 20/8.

(tổng hợp)