Bất động sản mới nhất: Dự án hàng hiệu Banyan Tree Lang Co, Huế. (Nguồn: Banyan Tree) |
Sắp có dự án BĐS hàng hiệu tại Hà Nội
Theo công ty tư vấn BĐS CBRE, cuối năm nay, thị trường nhà ở tại Việt Nam đón nhận dự án hai dự án BĐS hàng hiệu đầu tiên, một dự án tọa lạc tại trung tâm thủ đô Hà Nội với mức giá chào bán từ khoảng 35.000 USD/m2 và một dự án tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh với mức giá chào bán từ khoảng 16.000 USD/m2. Đây được ghi nhận là hai dự án có mức giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Tại Việt Nam, thị trường BĐS hàng hiệu vẫn còn rất nhỏ. Ngoài hai dự án trên, dự kiến thị trường Việt Nam sẽ đón nhận thêm 1 dự án nữa trong năm 2022 và một vài dự án trong giai đoạn 2023-2025.
Các căn hộ hàng hiệu đang và sắp chào bán tại Việt Nam có vị trí độc tôn ngay khu trung tâm thành phố và tầm nhìn thoáng đãng. Các dự án này mang đến cho chủ sở hữu những sản phẩm có chất lượng và thiết kế vượt trội, được quản lý bởi thương hiệu quản lý khách sạn 5 sao hàng đầu và lâu đời trên thế giới.
Đây là các yếu tố được chủ đầu tư chăm chút để đáp ứng nhu cầu được nghỉ dưỡng hằng ngày sau thời gian làm việc căng thẳng và đảm bảo sức khỏe cho dân cư. Ngoài ra, BĐS hàng hiệu trong đô thị còn là nơi kết giao giới tinh hoa, có giá trị cao và tăng trưởng bền vững theo thời gian.
Theo Wealth-X, dân số tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam đã tăng 13,9%/năm giai đoạn 2010-2019 và được dự báo sẽ tăng trưởng 10,1%/năm giai đoạn 2018-2023, nằm trong Top 4 quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu cao nhất thế giới.
Trong báo cáo Xu hướng BĐS 2021 của New World Weath, giới thượng lưu tìm kiếm nhà ở với an ninh riêng tư tuyệt đối, phong cách sống thời thượng, cộng đồng cùng đẳng cấp, tiện ích cao cấp và kết nối giao thông thuận lợi.
Đây chính là những đặc trưng của BĐS hàng hiệu. Do đó, sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu BĐS hàng hiệu tại Việt Nam.
Trong tương lai, sự tăng trưởng ngày càng nhanh của nhóm người giàu tại Việt Nam và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ góp phần kích hoạt các sản phẩm hàng hiệu trong đô thị.
Shophouse ế ẩm, BĐS "gà đẻ trứng vàng" đã hết thời?
Tác động của dịch bệnh đến phân khúc BĐS cho thuê là rất rõ. Trong đó shophouse - sản phẩm vốn được quảng bá là "gà đẻ trứng vàng" - lại càng thêm phần bi đát do giá cả ở mức cao.
Theo khảo sát, giá cho thuê mỗi căn shophouse ở mặt đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) có giá dao động từ 80-100 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Diện tích phổ biến ở mức 80 m2, từ 3-5 sàn.
Cách đó không xa, giá thuê mỗi căn shophouse mặt đường Vũ Trọng Khánh rơi vào mức 25-50 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, diện tích.
Sau nhiều năm xuất hiện trên thị trường, bùng nổ với số lượng khá lớn, hiện nhiều căn shophouse đang phải chật vật với bài toán cho thuê, nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Một doanh nghiệp BĐS ở Hà Nội cho biết, vì việc cho thuê khó khăn nên giao dịch, thanh khoản các sản phẩm này cũng gặp nhiều khó khăn.
Tại các dự án, chủ đầu tư thường để dành vị trí đắc địa nhất, gần trung tâm hoặc mặt đường nhất dành cho phân khu shophouse. Do vậy, giá bán của dòng sản phẩm này luôn cao hơn từ 1,5-2 lần so với nhà mặt phố trong cùng dự án. Đồng thời nó cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhà phố cùng khu vực bởi thường được đầu tư đồng bộ hơn.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh khó khăn, chi phí thuê càng lớn thì càng khiến các hộ kinh doanh "chùn tay" khi quyết định.
Theo báo cáo quý III/2021 của Savills, giá nhà liền kề đạt 5.541 USD/m2 (127 triệu đồng) tăng 7% theo quý và 20% theo năm; còn giá nhà phố đạt mức 9.193 USD/m2 (211 triệu đồng) tăng 13% theo quý và 38% theo năm.
Chuyên gia Savills cho biết, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm. Giá trung bình của các căn đã bán thấp hơn khoảng 15% so với giá trung bình của hàng tồn kho.
Shophouse ế ẩm. (Ảnh: N.M) |
Nên “xuống tiền” vào BĐS dịp cuối năm?
Sau một thời gian “đóng băng”, thị trường BĐS bắt đầu nhộn nhịp, khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi cho việc quyết định “xuống tiền” dịp cuối năm này.
Dù thời điểm này, thị trường BĐS chưa sôi động bằng dịp đầu năm, nhưng việc nhà đầu tư rục rịch đổ xô đi xem đất ngày càng nhiều cho thấy, loại hình này đã có dấu hiệu "bắt nhịp" nhanh với trạng thái "bình thường mới".
Điều đáng nói, dù lượng quan tâm tới loại hình này tăng nhưng tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường nhìn chung còn dè dặt, chưa "thoáng" khi xuống tiền.
Anh Bùi Trung, nhân viên môi giới BĐS Chiến Thắng chia sẻ, giá BĐS gần như rất hiếm đi xuống, trừ những đợt khủng hoảng kinh tế.
Từ năm 2014 đến nay, BĐS một là giữ giá (đi ngang), hai là tăng. Điều này cho thấy, thời điểm dịch bệnh cũng chỉ ảnh hưởng một phần đến mặt bằng giá ở một số phân khúc, một số nhà đầu tư, còn nhìn tổng quan, giá BĐS vẫn cao.
Theo một số chuyên gia trong ngành, hiện tại là thời điểm vàng để các nhà đầu tư mạnh tay "xuống tiền" bởi thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến việc BĐS lập mặt bằng giá mới, tiếp tục có xu hướng đi lên bởi nhiều lý do. Đầu tiên là ảnh hưởng của việc giá đất và thuế chuyển mục đích sử dụng đất tăng đều mỗi năm.
Tiếp đó, quỹ đất đô thị khan hiếm cũng dẫn tới hiện trạng cầu vượt quá cung. Giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng 25% so với đầu năm, cùng những yếu tố như lãi vay giảm, lượng tiền của nhà đầu tư đang rót vào mạnh cũng khiến cán cân cung-cầu ngày càng chênh lệch.
Tuy vậy, theo hầu hết chuyên gia, mặc dù tình trạng khan hiếm của thị trường là có thật, nhưng để quyết định đầu tư, khách hàng phải cân nhắc kỹ về độ uy tín của dự án cũng như chủ đầu tư dự án đó, đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ những yếu tố như tính chất pháp lý, cam kết cho vay của ngân hàng.
Giải đáp tâm lý chờ "bắt đáy" của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia BĐS, Thạc sĩ Trần Kháng cho rằng, đây là một tâm lý đầu tư sai lầm, bởi với thị trường hiện tại, sẽ không thể tìm được đáy để bắt. Hơn nữa, với tâm lý ham rẻ, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của những thông tin quảng cáo ảo.
Thay vào đó, nhà đầu tư nên tham gia vào thị trường sớm khi mặt bằng giá còn tốt và nhiều chương trình ưu đãi kích cầu vẫn đang được các chủ đầu tư áp dụng. Đầu tư vào các dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý hoàn chỉnh là nước đi mà nhiều nhà đầu tư thông minh hiện nay sẽ lựa chọn.
Hà Tĩnh quy hoạch dự án khu đô thị du lịch Xuân Trường rộng hơn 620 ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (1/2.000) Khu đô thị du lịch Xuân Trường - Xuân Hội.
Phối cảnh tổng thể Khu đô thị du lịch Xuân Trường - Xuân Hội. (Nguồn: UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) |
Cụ thể, vị trí lập quy hoạch dự án thuộc địa phận xã Đan Trường và Xuân Hội (huyện Nghi Xuân). Ranh giới phía Bắc giáp đường tỉnh 546; phía Nam giáp đất trồng lúa và khu nuôi trồng thủy sản; phía Đông giáp khu dân cư hiện trạng, đường 546 và đất trồng lúa; phía Tây giáp sông Lam.
Diện tích tích quy hoạch là hơn 627 ha. Trong đó, các phân khu chức năng chính bao gồm: Phân khu 1 - Phố thị 1 (gần 77 ha), Phân khu 2 - Phố cũ (gần 118 ha), Phân khu 3 - Phố cảng (hơn 104 ha); Phân khu 4 - Phố Hội (gần 101 ha), Phân khu 5 - Phố kênh đào (hơn 133 ha) và Phân khu 6 - Phố thị 2 (hơn 94 ha).
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hoá Đồ án quy hoạch chung Khu vực du lịch - đô thị - thương mại ven biển Nghi Xuân - Lộc Hà đến năm 2020. Dự án cũng nhằm khai thác lợi thế cảnh quan, phát triển đô thị dịch vụ du lịch biển, du lịch văn hoá nhằm thu hút, kêu gọi vốn đầu tư và làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định,...
UBND huyện Nghi Xuân là cơ quan lập quy hoạch, nhà thầu khảo sát lập quy hoạch là CTCP Tư vấn Xây dựng và Quy hoạch Việt Nam - Bidecons.
Khu đô thị Du lịch Xuân Trường - Xuân Hội nằm trong Đồ án quy hoạch Khu đô thị - du lịch - dịch vụ ven biển của huyện Nghi Xuân. Cụ thể, gồm: Quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị Du lịch Xuân Trường - Xuân Hội; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị - Du lịch - Dịch vụ Xuân Yên; Quy hoạch Khu đô thị du lịch Xuân Đan – Xuân Phổ.
Trước đó, tháng 8/2020, huyện Nghi Xuân đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các Đồ án nói trên. Đơn vị tư vấn và tài trợ quy hoạch là CTCP Tập đoàn T&T.