Bất động sản mới nhất: Vĩnh Phúc thu hồi 11 dự án. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí) |
Đất nền hạ nhiệt, nhiều chủ đầu tư bỏ cọc
Những tháng giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường BĐS trên địa bàn các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng ghi nhận sức “nóng” kỷ lục khi giá đất vượt sàn cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, khác hẳn với một số vùng khi người mua, bán đất đông như “trẩy hội” thì nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng “đau đầu” vì hàng loạt lô đất sau khi hoàn tất thủ tục đấu giá, khách hàng chấp nhận bỏ cọc, không chịu nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Chủ tịch UBND huyện Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định về việc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền.
Tháng 4/2022, UBND huyện Cam Lộ ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đợt 3, năm 2022 đối với 27 lô đất trên địa bàn thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền.
Điều đáng nói, xã Cam Tuyền thuộc khu vực miền núi của huyện Cam Lộ, quá trình đấu giá đất, chính quyền đưa ra giá khởi điểm 250 triệu đồng cho lô đất có diện tích 450m2, nhưng kết quả trúng đấu giá có lô gấp 4 lần so với giá khởi điểm.
Trong số 27 lô đất trúng đấu giá, có 11 lô được công bố giá trị trúng đấu giá gần 18 tỷ đồng với số tiền đặt cọc là 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, những người mua đất không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định mà âm thầm “quay xe”, chấp nhận bỏ tiền cọc.
Trước đó, giữa năm 2021, huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các lô hai bên tuyến đường T4 thị trấn Krông Klang.
Thời điểm đó, giá mỗi lô đất khởi điểm bình quân mỗi lô hơn 200 triệu đồng, nhưng giá trúng đấu giá từ khoảng 400 triệu đồng đến hơn 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, có đến 8 khách hàng đấu trúng giá cao gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm nhưng sau đó không nộp đủ tiền trúng đấu giá buộc địa phương phải ra quyết định hủy kết quả.
Cũng cuối năm 2021, đầu năm 2022, UBND TP Đông Hà tổ chức đấu giá các lô đất nằm ở Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo (phường 3, TP Đông Hà) và Khu tái định cư Bắc sông Hiếu (phường Đông Thanh).
Kết quả, tổng số lô đất trúng đấu giá là 58 lô trên tổng diện tích hơn 12.500m2 với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 191 tỷ đồng.
Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Chi cục Thuế khu vực Đông Hà Cam Lộ ban hành thông báo, người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền.
Do có 9 khách hàng không nộp đủ tiền, nên ngày 28/1/2022, UBND TP Đông Hà có quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá 2 lô đất ở Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và 7 lô đất ở Khu tái định cư Bắc sông Hiếu.
Tin liên quan |
Rối bời giữa ma trận trừng phạt, kinh tế Nga đứng vững thời hậu xung đột với Ukraine? |
Tình trạng bỏ cọc trong trúng đấu giá quyền sử dụng đất; mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở Quảng Trị thời gian qua xảy ra khá phổ biến.
Một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi chủ yếu vẫn là do thời gian qua, sau những cơn sốt đất “điên đảo” thì thị trường BĐS đang hạ nhiệt do sự chênh lệch về nhu cầu sử dụng và dòng tiền từ ngân hàng dùng vào kinh doanh BĐS bị siết chặt.
Trước tình trạng bỏ cọc nói trên, UBND huyện Cam Lộ sẽ rà soát lại giá khởi điểm khi đấu giá đất đã hợp lý chưa, đồng thời tạo thêm quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo nguồn thu từ đấu giá sử dụng đất đã được giao.
Còn UBND huyện Đakrông đi đến thống nhất, các đợt đấu giá đất tới đây sẽ nâng giá tiền đặt cọc từ hơn 10% lên mức kịch khung là 20% để nếu khách hàng bỏ cọc thì ngân sách cũng thu được một số tiền tương đối.
Điểm tên 11 dự án bị thu hồi ở Vĩnh Phúc
Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc vừa rà soát và công bố công khai 11 dự án khu đô thị, khu nhà ở và dự án công trình dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chấm dứt hoạt động đợt 1.
Trong đó có 4 dự án khu nhà ở, khu đô thị gồm: Dự án Khu đô thị Núi Bầu - Khu vực 2, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Dự án này thuộc trường hợp hết hạn đầu tư, không có khả năng triển khai thực hiện (đã được UBND tỉnh chấm dứt và thu hồi hiệu lực pháp lý tại Quyết định số 394, ngày 28/2/2022).
Dự án Khu nhà ở Hoàng Vương, ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên do Công ty cổ phần đầu tư số 1 làm chủ đầu tư chậm triển khai (đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi và chấm dứt hiệu lực pháp lý tại Quyết định số 1941, ngày 30/3/2022).
2 dự án ở thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên nhà đầu tư chấm dứt hoạt động là dự án Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Bá Hiến do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vĩnh Yên làm chủ đầu tư và Dự án Khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người lao động của Công ty TNHH in điện tử Minh Đức do Công ty TNHH in điện tử Minh Đức làm chủ đầu tư.
7 dự án dịch vụ thương mại và sản xuất kinh doanh do nhà đầu tư chấm dứt hoạt động gồm các dự án: Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Vĩnh Phúc, thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương do Công ty cổ phần Dịch vụ kho vận Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất bao bì cao cấp thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, do Công ty cổ phần Thảo mộc Nhiệt Đới (tên gọi cũ là Công ty cổ phần Bao bì châu Âu) làm chủ đầu tư; Xây dựng nhà máy rượu Việt Nam thuộc phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, do Công ty TNHH Hải Phú Ngọc làm chủ đầu tư; Đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo nghề lái xe ô tô ở xã Kim Long, huyện Tam Dương do Công ty cổ phần đầu tư Hòa Bình làm chủ đầu tư;
Dự án Nhà máy xử lý đồ gỗ xuất khẩu ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, do Công ty TNHH xây dựng và xuất nhập khẩu Sơn Tùng là chủ đầu tư; dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh khách sạn và nhà hàng ăn uống ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên do Công ty cổ phần Huy Hằng làm chủ đầu tư và Dự án Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH Việt Linh làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc - đề nghị, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện rà soát, đề xuất chấm dứt hiệu lực các văn bản pháp lý khác có liên quan đến dự án. Các chủ đầu tư, nhà đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đà Nẵng di dời 17 khu tập thể xuống cấp giữa trung tâm thành phố
Ngày 10/6, UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện di dời, giải tỏa 17 khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước thực hiện trong năm 2022-2023.
Theo thống kê mức độ nguy hiểm kết cấu nhà cho thấy, trong số 17 khu tập thể xuống cấp chưa giải tỏa hiện nay, có 2 khu mức độ nguy hiểm cấp D gồm: số 5 đường Nguyễn Thái Học và số 50-52 đường Lê Lai.
14 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp C gồm: 42 đường Trần Kế Xương, 03 đường Nguyễn Thái Học, 28-30 Hùng Vương, 76 Trần Phú, 346-348 Phan Châu Trinh, 35 Hoàng Diệu, 9 Trần Phú, 158B Lê Lợi, 57 Hùng Vương, 22 Lý Thái Tổ, 48 Lý Thái Tổ, 104 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 324 Hùng Vương; 1 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp B tại 25 Hùng Vương.
Theo kế hoạch, khu tập thể 5 Nguyễn Thái Học sẽ được giải tỏa trong quý II/2022, khu tập thể số 50-52 Lê Lai giải tỏa trong tháng 8/2022, với tổng số hộ di dời là 11 hộ.
Các khu tập thể cấp C sẽ hoàn thành giải tỏa trong năm 2022, với tổng 84 hộ di dời; trong đó, hai khu tập thể 48 Lý Thái Tổ và 110 Lý Thái Tổ thực hiện giải tỏa trong quý 2/2022. Khu tập thể cấp B 25 Hùng Vương thực hiện giải tỏa trong năm 2023, di dời 10 hộ.
Sở Xây dựng được giao theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp theo kế hoạch, đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hệ số phân bổ các tầng khi xác định giá trị hỗ trợ về đất đối với các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước, báo cáo đề xuất UBND TP trong tháng 6/2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND quận Hải Châu, UBND quận Thanh Khê xác định giá trị hỗ trợ khi di dời, tỏa tỏa các khu tập thể xuống cấp. Chủ trì xây dựng phương án khai thác sử dụng đất sau khi giải tỏa, di dời các khu tập thể xuống cấp…
Các quận Hải Châu, Thanh Khê xây dựng kế hoạch thực hiện giải tỏa, di dời từng khu tập thể xuống cấp trên địa bàn; tập trung thực hiện việc di dời, giải tỏa các khu tập thể xuống cấp theo phương án di dời, giải tỏa đã được phê duyệt...
UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện di dời, giải tỏa 17 khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước thực hiện trong năm 2022-2023. (Nguồn: Vietnamnet)) |
Có được cấp quyền sử dụng phần đất xây lấn?
Theo Xây dựng, năm 2002, gia đình ông Nguyễn Minh (Hải Dương) được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 300m2 đất ở. Đến năm 2003, gia đình xây lấn ra ao của thôn 100m2 để làm vườn. Nay ông Minh xem bản đồ địa chính xã thì thửa đất của gia đình là 400m2.
Ông Minh hỏi, ông có thể xin làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận 100m2 đất trên không và có phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất không?
Nhà ông Minh thu mua phế thải nilon, túi bóng đã qua sử dụng. Bên cạnh nhà có thửa đất nông nghiệp của gia đình. Gia đình đều tập kết nilon, túi bóng đã qua sử dụng lên thửa đất nông nghiệp, khối lượng hàng tấn mỗi ngày. Ông hỏi, việc làm của gia đình ông có vi phạm hành chính về đất đai hay môi trường không? Nếu vi phạm thì thuộc điều khoản nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Do nội dung ông Minh hỏi liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nơi có đất và không có đủ hồ sơ, tài liệu nên không có đủ cơ sở để trả lời cụ thể.
Đề nghị ông nghiên cứu quy định tại Điều 101 của Luật Đất đai năm 2013, các Điều 20 và Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 18, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017), trên cơ sở đó ông liên hệ với UBND cấp huyện nơi có đất để được hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo quy định pháp luật đất đai được quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất: "Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất" và Khoản 3, Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: "Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích".
Theo như nội dung ông hỏi việc gia đình sử dụng đất nông nghiệp để tập kết nilon, túi bóng đã qua sử dụng là hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Điều 9, 10 và 11 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
| Rối bời giữa ma trận trừng phạt, kinh tế Nga đứng vững thời hậu xung đột với Ukraine? Mặc dù EU đã đưa ra nhiều cách trừng phạt Moscow, nhưng sự phụ thuộc vào năng lượng Nga cùng với giá dầu tăng cao ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (3-9/6): Nga nói về ‘vỡ nợ nhân tạo’, phương Tây giảm mạnh hàng bán cho Moscow, Mỹ-Venezuela nối lại giao dịch đổi dầu lấy nợ Nga yêu cầu phương Tây dỡ bỏ trừng phạt liên quan xung đột ở Ukraine, khẳng định không thể vỡ nợ, OECD hạ tăng trưởng ... |