📞

Bất động sản mới nhất: Kết quả thống kê diện tích đất đai cả nước, kỳ vọng sau khi thị trường được ‘bơm’ thêm tiền

H.A 08:06 | 28/10/2023
Công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2022, kỳ vọng doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, giá đất Bình Dương tăng trên diện rộng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có tổng diện tích tự nhiên: 33.134.482ha, bao gồm diện tích nhóm đất nông nghiệp: 28.002.574ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp: 3.961.324ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng: 1.170.584ha. (Ảnh: H.A)

Công bố kết quả thống kê diện tích đất đai cả nước năm 2022

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa ký ban hành Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2022.

Theo kết quả thống kê, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có tổng diện tích tự nhiên: 33.134.482ha, bao gồm diện tích nhóm đất nông nghiệp: 28.002.574ha; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp: 3.961.324ha; diện tích nhóm đất chưa sử dụng: 1.170.584ha.

Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2022 được sử dụng thống nhất trong cả nước.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2022 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định.

Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2022 phải được thường xuyên kiểm tra, rà soát để cập nhật, chỉnh lý biến động vào kết quả thống kê đất đai năm 2023.

Việc thống kê diện tích đất đai được thực hiện và báo cáo trên phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai (TK-Online và TK-Desktop) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau công điện của Thủ tướng, kỳ vọng BĐS tiếp cận vốn dễ hơn

Bên cạnh vướng mắc về pháp lý, thị trường BĐS hơn một năm qua còn gặp khó khi dòng vốn bị "thắt". Chính phủ đã liên tục có những nhiều cuộc họp, chỉ đạo nhằm gỡ vướng cho thị trường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 993 chỉ đạo tới từng bộ, ngành liên quan với nhiều giải pháp để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực BĐS; có giải pháp phù hợp, tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.

Cùng với đó, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án BĐS khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường.

Doanh nghiệp BĐS cảm thấy rất mừng, kỳ vọng cả người mua nhà và doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn dễ hơn, mức lãi suất tốt hơn.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, đánh giá đó là sự nỗ lực của Chính phủ để khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thị trường BĐS trong bối cảnh nguồn vốn bị bó hẹp, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao.

Ông cho hay, từ đầu năm đến nay, Chính phủ rất nỗ lực giải quyết bài toán nguồn vốn, dù đã có sự cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét. Nay Thủ tướng tiếp tục có công điện chỉ đạo với nhiều giải pháp về nguồn vốn sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Điều này kỳ vọng, thị trường BĐS cuối năm sẽ cải thiện về thanh khoản.

“Người mua nhà thời gian qua dù vay được ngân hàng để mua nhà nhưng điều kiện vay vẫn còn khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao 9 - 10%. Còn với doanh nghiệp, mức lãi suất 11 - 13% là khá cao”, ông Quyết nêu thực tế.

Ông cho hay, với doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn luôn luôn cần thiết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp lại càng có nhu cầu vay vốn hơn. Tuy nhiên, thời điểm này, điều kiện bị thắt chặt, lãi suất cao nên không dám vay vốn nhiều để mở rộng hoạt động kinh doanh; chỉ vay để duy trì hoạt động.

Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, dù Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng việc đẩy nhanh tiến độ như thế nào lại phụ thuộc vào các ngân hàng.

“Hy vọng chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ cho vay, giúp người mua và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Để giúp thị trường khơi thông, có giao dịch, các ngân hàng không nên quá thận trọng, khắt khe trong việc cho vay vốn với người mua nhà. Đặc biệt, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức vừa phải, có thể quanh mức 8-8,5%/năm, bởi lãi suất huy động đầu vào hiện khá thấp.

Còn với các doanh nghiệp có chỉ số an toàn tốt ngân hàng vẫn nên xem xét cho vay, giảm bớt điều khoản định giá tài sản, điều kiện thế chấp dễ dàng hơn. Hay với các dự án đủ điều kiện bán hàng, ngân hàng cũng nên cho vay. Ngân hàng thận trọng quá dẫn đến tình trạng thừa vốn”, ông Quyết nói.

Còn ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay, chủ trương giảm lãi suất cho vay của Chính phủ, NHNN đã có từ tháng 2/2023. Tuy nhiên, mức giảm thực tế dù chưa như kỳ vọng nhưng cũng đã đưa từ mức 15% thời điểm cuối năm 2022, xuống mức 11-11,5%/năm vào đầu quý IV/2023.

“Kỳ vọng sau chỉ đạo của Thủ tướng sẽ là thời điểm phù hợp để điều chỉnh lãi suất cho vay xuống nữa, khoảng 10,5%/năm. Với những gói cho vay cố định thời hạn 12 hoặc 24 tháng có thể sẽ rơi vào khoảng 7,5-8%/năm cố định trong 12 tháng; hoặc 8-9%/năm cố định trong 24 hoặc 36 tháng”, ông Quê cho hay.

Bên cạnh đó, ông Quê cũng kỳ vọng điều kiện cho vay sẽ được “nới” hơn. Từ đó, ngân hàng giải ngân được tiền, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

“Không chỉ BĐS, dòng tiền của nền kinh tế đang khó khăn, BĐS là ngành nghề quan trọng liên quan đến nhiều ngành nghề khác. Do đó, cần “bơm” một lượng tiền ra thị trường, đồng thời giúp lưu thông dòng tiền. BĐS khi được ngân hàng “bơm” tiền; doanh nghiệp được “tiếp máu” bằng vốn ngân hàng, dòng tiền sẽ lưu thông tốt hơn; nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn”, ông Quê phân tích.

Cũng đánh giá những giải pháp, chỉ đạo Chính phủ đưa ra sẽ có tác động rất tốt tới thị trường BĐS, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá BĐS cần phải giảm hơn nữa bởi giá đã tăng quá cao so với trước đây.

Diễn biến trái chiều phân khúc văn phòng cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng

Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III/2023, các dự án văn phòng hạng A được lựa chọn nhiều nhất, thu hút được nhiều khách hàng mới, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Chiếm phần lớn giao dịch cho thuê trong quý vừa qua là việc chuyển dịch văn phòng. Hầu hết khách thuê ưa chuộng nội thành, nơi có những dự án mới, chất lượng cao, giá thuê linh động, phù hợp theo nhu cầu.

Cụ thể, tại thành phố Hà Nội, nguồn cung văn phòng đạt 2,16 triệu m2 (tăng 1%) theo quý. Trong quý III/2023, dự án văn phòng hạng A Lotte Mall West Lake đã cung cấp cho thị trường diện tích sàn cho thuê khoảng trên 22.000m2.

Giá thuê văn phòng hạng A khu vực quận Hoàn Kiếm khoảng 1.000.000 đồng/m2/tháng; khu vực quận Hai Bà Trưng khoảng 750.000 đồng/m2/tháng khu vực quận Cầu Giấy khoảng 700.000 đồng/m2/tháng, giá thuê văn phòng hạng B trung bình khoảng 480.000 đồng/m2/tháng.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung văn phòng tăng trưởng 3% theo quý sau khi 4 dự án mới gia nhập thị trường với hơn 93.000m2 diện tích cho thuê.

Trong quý III/2023, Khu đô thị mới Thủ Thiêm chiếm lĩnh nguồn cung mới với 90% thị phần từ hai dự án hạng A là The METT và The Hallmark. Khu vực trung tâm quận 1 cũng cung cấp 10% nguồn cung mới trong quý nhờ dự án Waterfront Saigon (hạng B) đi vào hoạt động lại sau giai đoạn cải tạo và sự gia nhập thị trường của dự án hạng C L’MAK The Signature.

Theo đó, giá thuê văn phòng hạng A thuộc khu trung tâm quận 1 khoảng 1.320.000 đồng/m2/tháng; khu vực trung tâm quận 2 khoảng 1.080.000 đồng/m2/tháng; giá thuê văn phòng hạng B thuộc khu trung tâm quận 1 khoảng 720.000 đồng/m2/tháng.

Trái ngược với những chuyển biến tích cực từ phân khúc văn phòng cho thuê, quý III, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trầm lắng. Theo đó, thị trường khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án đã khai trương và ra mắt thị trường như: Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen & Resort tại Quảng Bình, khu nghỉ dưỡng 5 sao Lady Hill Sapa Resort tại Lào Cai, khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân tại Bình Định.

Đối với BĐS nghỉ dưỡng để bán, nguồn cung mới tiếp tục có xu hướng giảm so với quý trước. Theo một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì trong tháng 7 và 8 lượng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng được mở bán mới là rất hạn chế.

Đối với BĐS nghỉ dưỡng để bán, nguồn cung mới tiếp tục có xu hướng giảm so với quý trước. (Nguồn: Dân trí)

Nhu cầu mua và lượng đặt cọc thấp khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường đã tác động làm cho nguồn cung mới đối với loại hình BĐS này liên tục giảm trong năm 2023.

Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....

Theo số liệu báo cáo của 52/63 địa phương, lượng tồn kho BĐS trong quý III/2023 vào khoảng 16.940 căn. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Giá đất Bình Dương tăng trên diện rộng

Tại Bình Dương, trái với sự nhộn nhịp của phân khúc căn hộ, từ đầu năm 2021 đến nay, rất hiếm dự án đất nền được chủ đầu tư đưa ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu mua đất nền tại đây lâu nay luôn rất cao vì mặt bằng giá còn khá hợp lý và tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ công nghiệp và hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Chính sự khan hiếm và tình hình chung của thị trường đã khiến phân khúc đất nền Bình Dương có sự điều chỉnh về giá.

Tại hai thành phố Thuận An và Dĩ An, các dự án đất nền ở khu vực trung tâm hoặc gần khu công nghiệp hiện đang ở mức từ 40 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là hấp dẫn bởi so với các khu vực liền kề thuộc thành phố Thủ Đức chỉ mới bằng một nửa. Bên cạnh đó, Thuận An và Dĩ An có mật độ dân cư đông hơn, kinh tế phát triển không hề thua kém Thủ Đức.

Xa hơn một chút, thị trường đất nền tại Bến Cát, Tân Uyên giá cũng đã chạm ngưỡng từ 17 triệu đồng/m2. Ghi nhận gần một năm qua hai nơi này không có dự án đất nền mới nào được chào bán nhưng giá vẫn tăng đều đặn. Đây cũng là những khu vực được đánh giá nhiều tiềm năng bởi liền kề thành phố mới Bình Dương và nhiều khu công nghiệp lớn đang hoạt động ổn định, người lao động đổ về làm việc rất đông.

Trong khi đó, Phú Giáo và Bàu Bàng được xem là thị trường mới phát triển nhưng các khu vực trung tâm hành chính hoặc gần khu công nghiệp hiện đất nền có giá dưới 1 tỷ đồng/nền thuộc dạng “hàng hiếm” để tìm kiếm.

Thực tế, thời gian vừa qua, thị trường đất nền Bình Dương tăng trưởng tốt nhưng hoàn toàn dựa trên những yếu tố tiềm năng thực sự đã bộc lộ. Cụ thể, Bình Dương đang là trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhiều năm liền đứng trong top 3 về thu hút FDI và kinh tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Đặc biệt, Bình Dương đang đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, các khu đô thị sáng tạo làm điểm tựa phát triển bền vững, hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được đầu tư nên giá đất tăng là hoàn toàn hợp lý.

(tổng hợp)