Chuyên gia cho rằng "khả năng nới tín dụng có thể khó xảy ra" bởi trong bối cảnh hiện nay, việc "bơm" thêm tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh đã khó, chưa nói tới bất động sản. (Ảnh: Hà Phong) |
Doanh nghiệp nên giảm giá bất động sản, tăng thanh khoản
Một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp bất động sản "đau đầu" nhất hiện nay, đó là khát vốn. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản diễn ra mới đây, các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng từng kiến nghị nên nới room tín dụng thêm 1-2%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi.
Chuyên gia bất động sản Trần Kháng Quang cho rằng "khả năng nới tín dụng có thể khó xảy ra". Bởi theo ông, trong bối cảnh hiện nay, việc "bơm" thêm tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh đã khó, chưa nói tới bất động sản.
"Khó khăn về dòng tiền cũng không chỉ với bất động sản mà còn với nhiều ngành khác. Lúc này, việc bơm thêm là cần thiết nhưng nên tiếp tục hướng vào sản xuất kinh doanh. Khi kinh tế ổn định, sản xuất kinh doanh phục hồi tốt, thị trường bất động sản cũng sẽ ấm trở lại", ông Quang nêu quan điểm.
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, theo chuyên gia này, "sẽ không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai". Bởi doanh nghiệp đang đối diện với áp lực tứ phía, không chỉ cả về vốn mà còn những tồn tại về trái phiếu doanh nghiệp. Vừa qua, theo quan sát của ông, một số doanh nghiệp lớn khó khăn, kéo theo sự khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và thị trường.
Bàn về giải pháp, ông Quang cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất lớn, sản phẩm đã đủ điều kiện bán lớn. "Nên tăng chiết khấu, giảm giá bán để tạo dòng tiền, tăng thanh khoản. Còn việc cứu thị trường bất động sản bằng nới room tín dụng, tôi e ở thời điểm này khó", ông Quang nói.
Thực tế, việc tạo dòng tiền bằng cách nỗ lực tăng thanh khoản được doanh nghiệp đẩy mạnh thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp còn đa dạng hóa cách tiêu thụ sản phẩm bằng những hình thức mới mẻ như đầu tư chung…
Tuy nhiên, theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quyết tâm trong vấn đề hạ giá bán, tăng chiết khấu, minh bạch các ưu đãi để hút khách hàng. Nhiều doanh nghiệp tung ra chính sách hút khách nhưng còn mập mờ, khiến khách hàng lo bị "ngược đãi" thay vì "ưu đãi".
"Lúc này cần doanh nghiệp thẳng thắn nhìn nhận, chia sẻ khó khăn của thị trường, minh bạch trong chính sách và mạnh tay giảm giá để thu hút khách hàng. Chỉ có khách hàng mới cứu được doanh nghiệp", ông Quang nói.
Với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ông Quang cho rằng, muốn "cứu" cũng phải chờ một khoảng thời gian nữa. Nếu năm sau nới room tín dụng, cần hướng tới người mua bất động sản với lãi suất thấp ổn định.
Hỗ trợ người mua chính là sự hỗ trợ gián tiếp với các doanh nghiệp bất động sản. Còn hỗ trợ trực tiếp là tháo gỡ pháp lý và các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp.
Giá chung cư Hà Nội đang 'hạ nhiệt'
Theo Tienphong, sau thời gian tăng trưởng liên tục, giá mở bán chung cư Hà Nội đã quay đầu giảm nhẹ trước áp lực thanh khoản của thị trường. Việc giá mở bán chung cư mới giảm khiến giá chung cư đã đưa vào sử dụng cũng "hạ nhiệt".
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý III của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, giá sơ cấp trên thị trường đã giảm nhẹ đối với phân khúc chung cư. Tại phân khúc căn hộ, giá bán sơ cấp trung bình trong quý đạt khoảng 1.858USD/m2, giảm 3,1% so với quý trước.
Bên cạnh việc giảm trực tiếp vào giá bán, các chủ đầu tư bất động sản cũng cung cấp các chương trình chiết khấu, khuyến mãi đa dạng, hấp dẫn hơn, các lịch trình thanh toán linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ người mua nhà.
Theo Cushman & Wakefield, nguyên nhân khiến giá bán giảm nhẹ là do những khó khăn trên thị trường bất động sản, đặc biệt, việc kiểm soát tín dụng đã gây khó khăn trong giải ngân vốn vay cho khách hàng, dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ đều giảm trong quý.
Quý III/2022, thị trường chỉ có 4.600 căn chung cư được tiêu thụ, giảm 15% so với quý trước. Nguồn cung căn hộ trong các quận nội đô tiếp tục khan hiếm khi việc xin phê duyệt dự án ngày càng trở nên khó khăn.
Nguồn cung căn hộ mới trong quý III chỉ đạt hơn 3.000 căn, giảm 38% so với quý trước và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng nguồn cung chủ yếu từ các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Gia Lâm.
Theo ước tính của Cushman & Wakefield, sẽ có khoảng 103.000 căn hộ mới được chào bán ra thị trường trong giai đoạn quý IV/2022-2025.
Điều kiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước
Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định về đối tượng, điều kiện được mua và điều kiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.
Liên quan đến đề nghị cho ý kiến về việc bán các ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước có diện tích nhỏ hẹp, không đủ điều cấp phép xây dựng cho các hộ liền kề theo hình thức chỉ định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Xây dựng mới đây đã có ý kiến về việc này.
Bộ Xây dựng cho biết, tại Điều 63 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định về đối tượng, điều kiện được mua và điều kiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.
Trong đó không có phân biệt quy mô, diện tích của các nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và không có quy định về hình thức bán chỉ định cho hộ liền kề như nêu tại Văn bản số 4885/UBND-KTN của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở khi bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn.
Theo Bộ Xây dựng, đối với đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bán các căn hộ sở hữu Nhà nước có diện tích nhỏ hẹp, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho các hộ liền kề theo hình thức chỉ định, Bộ sẽ nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thừa Thiên Huế khởi công khu công nghiệp Gilimex hơn 2.600 tỷ đồng
Vừa qua, tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex tổ chức Lễ khởi công Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế.
Phối cảnh tổng thể Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4. (Nguồn: Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Gilimex do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex là nhà đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 10/3/2021.
Dự án có quy mô khoảng 461 ha thuộc KCN Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, dự kiến thu hút 20.000 - 30.000 lao động.
KCN Gilimex có vị trí thuận lợi, gần Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (cách 2km), nằm dọc trên tuyến đường Quốc lộ 1A và nối thẳng từ sân bay Phú Bài đến TP. Huế, là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông Tây; cách cảng Chân Mây 50 km; cách cảng Đà Nẵng và trung tâm TP. Đà Nẵng 80 km.
KCN Gilimex được chia làm 2 phân khu: A và B. Đến nay, phân khu A đã san lấp mặt bằng được 50% và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 10%, dự kiến hoàn tất và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp trong quý IV/2022. Sau khi hoàn tất phân khu A, Công ty cổ phần KCN Gilimex sẽ tiến hành ngay việc san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân khu B.
KCN Gilimex hướng đến thu hút các nhà đầu tư với những ngành nghề chính: sản xuất sản phẩm điện, điện tử; máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, phương tiện và thiết bị vận tải; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết khu công nghiệp Gilimex khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển vùng công nghiệp phía Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh trong giai đoạn tới và giải quyết nhu cầu việc làm tại địa phương.