📞

Bất động sản mới nhất: Kiểm tra hoạt động kinh doanh nhiều địa phương, đấu giá 80 thửa đất ở Hà Nội, có được xây nhà trên đất xen kẹt?

H.A 08:26 | 19/12/2023
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy cho vay với doanh nghiệp địa ốc, người mua nhà, Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động kinh doanh ở nhiều địa phương, quy định xây nhà trên đất xen kẹt… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất
Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: H.A)

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy cho vay với doanh nghiệp địa ốc, người mua nhà

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Công điện nêu rõ, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất nên thị trường BĐS còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, tín dụng BĐS để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.

Cơ quan này tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở thương mại có giá hợp lý, trong đó lưu ý quy hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, cần công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công bố công khai danh mục các dự án BĐS phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia, đề xuất đầu tư một cách công khai, minh bạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật, tránh khoảng trống pháp lý.

Bộ này tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ công tác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BĐS, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.

Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án BĐS, kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến dự án BĐS, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu.

Bộ Xây dựng cũng cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Bộ này đề xuất thêm giải pháp mới hiệu quả hơn thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân cho nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31/12.

Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động quản lý nhà ở, kinh doanh BĐS ở nhiều địa phương

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Phú Yên, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc cử Đoàn kiểm tra xuống các địa phương để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý nhà ở, kinh doanh BĐS giai đoạn 2016-2022. Mỗi địa phương, đoàn sẽ kiểm tra thực tế tại 10 dự án nhà ở, khu đô thị hoặc dự án BĐS lớn.

Thành phần Đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng gồm: Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS.

Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đất, bố trí nguồn vốn để phát triển đối với từng loại hình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.

Công văn nêu rõ, với nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng kiểm tra các địa phương này trong việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng (chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư dự án, phê duyệt dự án…).

Đối với phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đánh giá thực hiện theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Đối với công tác cải tạo chung cư cũ, các địa phương phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2016-2022 và kế hoạch cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng xem xét, kiểm tra kết quả thực hiện các dự án đầu tư phát triển nhà ở tái định cư; kết quả thực hiện nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Bộ Xây dựng yêu cầu 3 tỉnh trong kế hoạch thanh tra trên cần báo cáo tình hình triển khai các dự án BĐS khác như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng và tình hình thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS và các pháp luật có liên quan. Số lượng dự án đã có văn bản bán nhà ở hình thành trong tương lai và việc bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai; tình hình tồn kho BĐS. UBND các tỉnh cũng cần đánh giá thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Công tác ban hành Quy chế phối hợp và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS. Kiểm tra, đánh giá việc thu thập, tổng hợp, công bố công khai thông tin nhà ở, thị trường BĐS trên hệ thống thông tin, cổng thông tin điện tử. Đoàn sẽ kiểm tra thực tế khoảng 10 dự án nhà ở, khu đô thị, dự án BĐS lớn tại địa phương.

Hà Nội mở phiên "chợ đất" ở huyện Mê Linh

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh vừa ra thông báo phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất 80 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh.

Các thửa đất được đưa ra đấu giá có diện tích từ 83,7m2 đến 297,1m2, với giá khởi điểm từ 23,2 triệu đồng/m2 đến 31,9 triệu đồng/m2. Số tiền đặt trước tham gia đấu giá từ 417,6 triệu đồng đến 945,5 triệu đồng.

Buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào 14h30 ngày 30/12 tại hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh. Hình thức đấu giá từng thửa đất bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng (một lần) đấu. Phương thức đấu giá là trả giá lên.

Gần đây, huyện Mê Linh tổ chức đấu giá đồng loạt nhiều khu đất đẹp với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.

Hồi đầu tháng, 2 phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 33 thửa đất tại điểm X2, xã Kim Hoa được đấu giá thành công, thu về ngân sách gần 100 tỷ đồng.

Được biết, trong các năm 2021 và 2022, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá được 20 dự án với diện tích hơn 36.000m2, thu về ngân sách gần 1.200 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện Mê Linh dự kiến tổ chức 7 dự án với diện tích đất đấu giá 4,8ha (tương ứng 462 thửa đất). Năm 2025 sẽ triển khai 14 dự án có tổng diện tích 11 ha, quy hoạch khoảng 1.000 thửa đất.

Có được xây nhà trên đất xen kẹt không?

Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 3 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mỗi nhóm đất có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt.

Mặc dù pháp luật không quy định nhưng trên thực tế thuật ngữ “đất xen kẹt” được sử dụng khá phổ biến tại khu vực đô thị, nhất là những thành phố lớn. Thông qua thực tiễn thì đất xen kẹt chủ yếu được hiểu là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư (xen lẫn với đất ở) hoặc diện tích đất còn dư sau quy hoạch.

Đặc điểm của loại đất này là nằm giữa khu dân cư nên thửa đất thường có diện tích không lớn. Đất xen kẹt trên thực tế chủ yếu là đất vườn, đất trồng cây hàng năm khác, đất ao hoặc các loại đất nông nghiệp khác mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Tóm lại, đất xen kẹt là cách gọi phổ biến của người dân, có vị trí xen lẫn giữa các thửa đất ở trong khu dân cư tại khu vực đô thị và thông thường thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Như vậy, nếu đất xen kẹt không phải là đất ở thì không được phép xây dựng nhà ở. Khi không phải là đất ở nhưng muốn xây dựng nhà ở thì trước tiên phải xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì hộ gia đình, cá nhân phải xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (nếu đất xen kẹt thuộc khu vực đô thị).

Tóm lại, đất xen kẹt vẫn được cấp sổ đỏ nếu đủ điều kiện cấp theo quy định; chỉ được phép xây dựng nhà ở nếu là đất ở và phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công (đối với thửa đất thuộc khu vực đô thị).

Đất xen kẹt có giá tương đối thấp so với các thửa đất ở bên cạnh nhưng người dân nếu có ý định nhận chuyển nhượng loại đất này cần hết sức lưu ý vì hiện nay pháp luật chỉ cho phép chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận. Trường hợp thửa đất xen kẹt là đất nông nghiệp để được xây dựng nhà ở phải mất 2 lần tiền: Một là, khi cấp giấy chứng nhận (làm sổ đỏ, sổ hồng); Hai là, khi xin chuyển mục đích sử dụng đất.

(tổng hợp)