Mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận. (Ảnh: NM) |
Chuyên gia cảnh báo "mua dễ khó bán" khi giá BĐS tăng vù vù
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam - nhận định, giá BĐS sẽ tiếp tục xu hướng tăng, tuy nhiên tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc yếu tố hấp thụ của thị trường.
Đối với phân khúc đất nền được nhiều nhà đầu tư chọn, ông Kiệt lưu ý, cần có sự lựa chọn phù hợp bởi tham gia các thị trường nóng sốt luôn hàm chứa rủi ro lớn. Những địa phương có quy hoạch tốt thì giá sẽ tăng nhưng nhiều nơi thông tin quy hoạch chỉ mang tính chất tham khảo hoặc không chính xác thì nhà đầu tư sẽ rủi ro lớn khi vướng vào.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cũng cho hay, mặc dù giá BĐS tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận, bởi thanh khoản còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Do đó, ông cho rằng các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt ai sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý 2 khía cạnh. Thứ nhất, là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá BĐS ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3-5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản.
Thanh tra tổng thể nhiều dự án BĐS "khủng" tại Thanh Hóa
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa mới đây đã tổ chức hội nghị công bố quyết định thanh tra đối với 12 dự án BĐS trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, 11 dự án thanh tra tập trung tại TP Thanh Hóa và dự án còn lại ở huyện Thọ Xuân.
Trước đó, trên cơ sở đề nghị thanh tra tổng thể, toàn diện một số dự án sử dụng đất của Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo thanh tra các dự án đầu tư sử dụng đất, giai đoạn 2010-2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra tổng thể, toàn diện về quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng đối với 12 dự án sử dụng đất; trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm (nếu có); trên cơ sở đó, có kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng nội dung sai phạm; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện và chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Đồng thời, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và các đơn vị, địa phương có liên quan được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ có liên quan đến các dự án nêu trên, gửi về Thanh tra tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine: Mỹ liên tiếp áp lệnh trừng phạt - 'phát súng cảnh cáo' nhằm vào công ty Trung Quốc? |
Các dự án thực hiện thanh tra theo chỉ đạo ban đầu gồm: Khu đô thị Đông Hải, TP Thanh Hóa; Dự án số 2, Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng; Khu dân cư Đông Nam làng Tân Thọ; Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại lô 2, lô 3, thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa; Khu dân cư Nhà hát nhân dân tại phường Ba Đình, TP Thanh Hóa;
Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã, TP Thanh Hóa; Khu đô thị Xanh - Khu Nam trung tâm TP Thanh Hóa; Các khu đất hỗn hợp thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa; Tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa; Trung tâm thương mại - Đại siêu thị Big C (giai đoạn 2); Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam, TP Thanh Hóa.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ngày 7/3, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn thay đổi dự án thanh tra, dừng thanh tra Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower do Công ty Cổ phần Sông Mã làm chủ đầu; thay vào đó là thanh tra dự án Khu công trình hỗn hợp và nhà ở tại Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hóa, tại lô C4, C5 Khu đô thị mới Nam TP Thanh Hóa.
Giá đất tiếp tục lập đỉnh mới
Trong quý I/2022, khi dịch bệnh Covid-19 đã dần ổn định, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu nhộn nhịp trở lại với phân khúc BĐS đất nền. Tình trạng môi giới đất đai tại các địa phương bày trò, dàn dựng kịch bản làm nóng thị trường, tạo ra sốt đất ảo không đúng với giá trị thực tế.
Thế nhưng, tình trạng “bình mới rượu cũ” vẫn thu hút khá nhiều nhà đầu tư mơ hồ, hám lợi đặt niềm tin vào những môi giới chưa chuẩn mực một cách mù quáng. Một số nơi đã và đang trong tình trạng đó như: Bình Phước, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Buôn Mê Thuật…
Bùng nổ giao dịch đất nền mạnh nhất trong những tháng cuối năm 2021 đầu 2022 là các tỉnh phía Bắc với tâm điểm là: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang và Hưng Yên.
Theo số liệu từ batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm đất nền và đất nền dự án tại các địa phương này đều tăng hơn 2 con số. Cụ thể, nhu cầu tìm mua đất nền ở Hà Nội tăng 19% so với cùng kỳ 2020 trong khi Hà Nam tăng đến hơn 36% so với tháng 11/2021.
Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang cũng ghi nhận lượt quan tâm tìm mua đất nền tăng 18-22% trong khi các điểm nóng từ giai đoạn trước là Bắc Ninh, Hải Dương cũng tiếp tục tăng thêm 8-13% so với 1 tháng trước đó.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây giá cả BĐS liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường. Đất đai một số nơi “nhảy múa”, tăng vọt.
Trong đó, phải kể đến một lực lượng môi giới nhất định đã tham gia góp tay tạo nên những cơn sốt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương. Vì thế, cần có giải pháp bình ổn thị trường, điều tiết bằng chính sách.
Theo ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện có khoảng 300.000 người tham gia thực hiện các nghiệp vụ môi giới BĐS trên toàn Việt Nam. Thế nhưng, số lượng thực tế còn nhiều hơn vì “ai cũng có thể làm môi giới BĐS”.
Thống kê cho thấy, hằng năm trung bình cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có trên 100.000 giao dịch. Một số địa phương, 1 tháng có tới vài ngàn giao dịch và lực lượng môi giới đóng vai trò quan trọng giúp các giao dịch BĐS diễn ra.
“Các môi giới, không phải ai cũng có đủ bằng cấp, nắm chắc nghiệp vụ hay hiểu rõ pháp luật. Hiện tại, quy mô, số lượng môi giới tăng lên nhưng chất lượng thực tế chưa thực sự tốt.
Việc học nghề chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lý. Đã đến lúc cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới về cá nhân hay tổ chức”, ông Lâm cho hay.
Khu tái định cư dự án sân bay Long Thành. (Nguồn: Báo Xây dựng) |
Hơn 1.600 hộ được bàn giao đất tái định cư Dự án Sân bay Long Thành
Ngày 4/4, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cho biết, đến nay, huyện đã tổ chức bốc thăm, bàn giao đất tái định cư tại Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn cho hơn 1.600 hộ vùng Dự án sân bay Long Thành.
Sau khi được bàn giao đất, hàng trăm hộ đã tiến hành xây dựng nhà ở và chuyển đến Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn sinh sống.
Theo ông Lê Văn Tiếp, để thực hiện Dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai phải thu hồi 5.000 ha đất của nhiều tổ chức và hơn 5.000 hộ. Trong số này, trên 4.300 hộ bị giải tỏa trắng và thuộc diện bố trí tái định cư.
Hiện ngành chức năng huyện Long Thành đang tập trung nhân lực, ưu tiên xét duyệt tái định cư đối với các hộ nằm trong phạm vi 2.500 ha thuộc giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành.
Tại khu vực này, 45 hộ dân chưa được Hội đồng xét tái định cư cấp xã xét duyệt hồ sơ. Ngoài ra, vùng dự án có nhiều trường hợp dù đã được nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhưng vẫn chưa được cấp đất tái định cư dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
“Huyện Long Thành đã yêu cầu xã Bình Sơn nhanh chóng hoàn tất việc xét tái định cư cho các hộ vùng Dự án sân bay Long Thành, đặc biệt là các hộ nằm trong giai đoạn 1 dự án và những hộ ngoài khu vực ưu tiên nhưng đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ”, ông Lê Văn Tiếp cho biết thêm.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng khu vực hơn 2.500 ha Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 2.400 ha. Với diện tích còn lại, ngành chức năng sẽ bàn giao cho chủ đầu tư trong thời gian tới.
Sân bay Long Thành được xây dựng tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Sau hơn 1 năm khởi công, chủ đầu tư đã cơ bản xây dựng xong tường rào, rà phá bom mìn và đang tiến hành san nền, đóng cọc móng nhà ga hành khách. Theo cam kết của ACV, tháng 9/2025 sẽ đưa sân bay Long Thành vào khai thác.
| Họp báo Chính phủ: Một số nơi chưa thực hiện nghiêm việc đấu giá đất, thông đồng, để lộ thông tin Chiều 4/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, đại diên Bộ Tài nguyên và ... |
| Bất động sản mới nhất: Sốt đất hầm hập khắp nơi, nỗi lo lạm phát, thanh khoản kém; cách chia thừa kế đất không sổ đỏ Giá đất tăng mạnh, nhiều địa phương miền Bắc tăng 5 lần, lo ngại lạm phát và thanh khoản kém, cách chia thừa kế đất ... |