Bất động sản mới nhất: Không chỉ các dòng sản phẩm biệt thự, nhà liền kề mà ngay cả các sản phẩm đất ở trong dân cũng có sự hấp dẫn hơn đối với căn hộ. (Ảnh: NM) |
Phân khúc BĐS nào hấp dẫn năm 2022?
Tại hội thảo “Thị trường BĐS 2022 - Góc nhìn mới” tổ chức ngày 17/2, Savills Việt Nam nhận định, thị trường BĐS 2022 phát triển theo chiều hướng bền vững, trong đó phân khúc nhà ở đô thị và BĐS công nghiệp tiếp tục chiếm ưu thế.
Chuyên gia Savills cho biết, trong năm 2021, số lượng căn hộ bán trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội là khoảng 16.000 căn, song con số này vẫn thấp hơn so với năm 2020. Trong khi đó, đối với thị trường nhà ở thấp tầng như biệt thự, nhà liền kề, Savills ghi nhận số lượng căn bán được trong năm 2021 gia tăng hơn so với năm 2020.
Theo chuyên gia Savill, dòng nhà ở thấp tầng đang có sự hấp dẫn hơn. Do đó, các dòng sản phẩm bị tác động ít hơn bởi Covid-19 trong năm 2021 như BĐS nhà ở đô thị và công nghiệp dự kiến vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển trong năm 2022.
Không chỉ các dòng sản phẩm biệt thự, nhà liền kề mà ngay cả các sản phẩm đất ở trong dân cũng có sự hấp dẫn hơn đối với căn hộ để bán.
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho biết thêm, ngoài phân khúc nhà ở đô thị, thị trường BĐS công nghiệp cũng có những tín hiệu sáng dựa trên triển vọng phát triển kinh tế khả quan và việc Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư đến thị trường, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ.
Ngoài ra, trong năm 2022 khi du lịch mở cửa trở lại cả nội địa và quốc tế, phân khúc BĐS du lịch sẽ dần hồi phục so với 2 năm qua.
Trong bối cảnh sản phẩm mới tung ra hạn chế và tỷ lệ hấp thụ cao, giá trung bình trên toàn thị trường sẽ có sự biến động lớn. Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm Thành phố Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này.
Bà Đỗ Thu Hằng cũng cho rằng phân khúc BĐS vùng ven sẽ là phân khúc "chọn mặt gửi vàng" của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn khi các thị trường xung quanh nóng lên.
Cùng đó, thị trường BĐS cũng tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng có điều chỉnh, các nhóm tài khóa kích thích kinh tế được giải ngân.
Do đó, năm 2022 tiếp tục là năm củng cố về thể chế; tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường, giúp BĐS khu công nghiệp bứt tốc từ năm 2022.
BĐS công nghiệp có mức độ cạnh tranh cao
Theo báo cáo vừa được Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố, thị trường BĐS công nghiệp ngày càng nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư và sẽ tiếp tục có mức độ cạnh tranh cao trong năm 2022.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/2): Nga 8 lần tăng lãi suất, lo sợ lạm phát; Moscow sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, tin vui ở Trung Quốc |
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, khu vực miền Bắc đang có khoảng 63,5 nghìn ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng.
Năm 2021 là năm đánh dấu sự bùng nổ của thị trường BĐS công nghiệp miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn. Điều này được coi là sự tăng trưởng tất yếu, bởi đây là khu vực đang tập trung những tỉnh thành thu hút lượng vốn FDI hàng đầu cả nước như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh...
Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông Bắc bộ, trong đó nổi bật là tỉnh Quảng Ninh với quy mô diện tích đạt 11,3 nghìn ha, tương đương với 18% quy mô tại khu vực.
Ngoài ra, 5 tỉnh thành có mức độ tập trung cao nhất (gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và Hà Nội) chiếm hơn 50% tổng thị phần trên thị trường.
Điều này cho thấy, thị trường BĐS công nghiệp tại các tỉnh gần và ven biển, cũng như khu vực trung tâm sẽ được chú trọng phát triển, có nhu cầu cao hơn và thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn trong năm 2022.
Khu vực miền Nam cũng có sự cạnh tranh cao mặc dù năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, KCN Năm Căn, Cà Mau hiện đang là KCN có diện tích quy hoạch lớn nhất với quy mô diện tích đạt 11.000ha tương đương với mức thị phần 9,88% trên thị trường.
Do vậy, KCN Năm Căn sẽ là một trong những bước khởi đầu trên thị trường của tỉnh Cà Mau với quy mô diện tích cực lớn đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, BĐSCN tại các tỉnh thành thuộc khu vực miền Nam, có thể thấy Bình Dương đang là khu vực tập trung nhiều diện tích BĐS công nghiệp nhất trong khu vực với quy mô thị phần lên đến 13%, tương đương với quy mô 14,5 nghìn ha. Trên thực tế, đây cũng là tỉnh đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là khu vực có mật độ khu công nghiệp lớn và có tỉ lệ lấp đầy cao nhất cả nước đạt mức 99%.
Các tỉnh thành có mức độ tập trung cao nhất (gồm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai và Long An) chiếm hơn 50% tổng thị phần trên thị trường. Như vậy, ngoại trừ Cà Mau thì 4 tỉnh còn lại đều là những khu vực có vị trí địa lý gần với Thành phố Hồ Chí Minh, các vị trí này đều phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất do sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa từ và tới TP. Hồ Chí Minh.
Hải Phòng đấu giá gần 136ha đất làm sân golf trong 'siêu' dự án Đồi Rồng
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP Hải Phòng) vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng đất thuê theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm đối với khu đất thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh sân golf thuộc quy hoạch Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.
Theo đó, khu đất có tổng diện tích gần 136ha tại vị trí 4 đường Lý Thái Tổ đoạn từ ngã 3 khu I (phố Vạn Sơn – Lý Thái Tổ – Lý Thánh Tông), quận Đồ Sơn.
Giá khởi điểm của lô đất là 30,627 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 6,125 tỷ đồng. Lô đất hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng quản lý.
Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định tại phương án đấu giá (ban hành kèm theo Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 20/1/2022 của UBND TP. Hải Phòng) đăng ký tham gia đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng.
Theo dự kiến, phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 28/2 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng.
Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 11/2 đến 15h ngày 25/2 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng.
Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có tên thương mại là Dragon Ocean Hai Phong do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương làm chủ đầu tư được Tập đoàn Geleximco xúc tiến đầu tư và bắt đầu thi công từ tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành trong 5 năm vào năm 2023.
Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có tên thương mại là Dragon Ocean Hai Phong do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương làm chủ đầu tư. (Nguồn: BXD) |
Quy mô dự án 480 ha với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục trọng điểm như sân golf 27 hố; trung tâm hội nghị, hội thảo; nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch; khu phố thương mại; biển nhân tạo; khu vui chơi giải trí…
Sắp khởi động dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp tại Vân Đồn
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 208/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 24.883 tỷ đồng và được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Địa điểm thực hiện dự án là khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới đồng bộ tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.
Dự án có quy mô khách lưu trú khoảng 3.000 người/ngày và quy mô dân số là 9.800 người. Diện tích thuộc phạm vi dự án là 299,64ha, trong đó, diện tích đất liền là 279,54ha và diện tích khu vực biển là 20,1ha.
Thời hạn hoạt động của dự án tối đa là 70 năm. Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 9 năm, tính từ quý II/2022 đến hết quý IV/2030.
| Khủng hoảng Ukraine: Mỹ, Anh, NATO đồng loạt tố Nga, Kiev đổ lỗi Moscow, Điện Kremlin ‘bóc phốt’ tin giả Ngày 17/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, nước này đã thấy Nga tích trữ máu, tiến quân gần hơn tới biên ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/2): Nga 8 lần tăng lãi suất, lo sợ lạm phát; Moscow sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, tin vui ở Trung Quốc Căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh tới giá xăng dầu, Moscow sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu, Trung Quốc giảm đà tăng lạm ... |