📞

Bất động sản mới nhất: Ngành địa ốc 'nhộn nhịp', Condotel dừng ‘cơn ác mộng’ cắt lỗ, điều cần biết nếu bán chung cư đang trả góp

Hải An 08:43 | 22/02/2022
Giá nhà tăng cao, thị trường nhộn nhịp từ đầu năm; mở cửa du lịch, condotel ngừng bán cắt lỗ, chung cư đang trả góp có được bán không?...là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Với thị trường chung cư, mặc dù người dân không mấy mặn mà với các thông tin rao bán đăng tải, mức giá vẫn tăng 1,8%. (Ảnh: Hà Phong)

Ngành địa ốc tăng trưởng tốt

Tháng 1, giá bán biệt thự và nhà phố trên các sàn online tại một số khu vực ở TP.HCM và Hà Nội tăng 22-38% so với tháng cuối năm 2021.

Theo dữ liệu từ trang Batdongsan.com.vn, mặc dù tháng 1 là tháng cận Tết, nhiều người dân nghỉ Tết sớm, thị trường BĐS lại ghi nhận nhiều xu hướng tích cực.

Giá chào bán biệt thự liền kề ở quận Long Biên và Gia Lâm (Hà Nội) lần lượt tăng 38% và 27%, đạt gần 140 triệu đồng/m2 và 85 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư cũng tăng 4,6%, theo sau sự gia tăng về mức độ quan tâm đến phân khúc căn hộ cao cấp.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra ở khu vực phía Nam, dù không mạnh bằng. Giá rao bán biệt thự liền kề ở TP.HCM đều tăng, trong đó quận 7 tăng 24%, huyện Nhà Bè tăng 22%. Mức độ quan tâm loại hình BĐS này cũng tăng mạnh đến 30% chỉ sau 1 tháng.

Đáng chú ý, với thị trường chung cư, mặc dù người dân không mấy mặn mà với các thông tin rao bán đăng tải, mức giá vẫn tăng 1,8%.

Nhìn chung cả nước, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Lâm Đồng là những thị trường nhộn nhịp nhất trong tháng đầu năm nay.

Những thống kê này cùng các số liệu từ cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy ngành địa ốc đang tăng trưởng tốt. Tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 472 triệu USD, chiếm gần 22,5%.

Song song đó, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới trong tháng này cũng tăng 61,2% so với cùng kỳ. Thậm chí, số doanh nghiệp quay lại hoạt động đạt 610, tăng 304%.

Còn theo dự báo của VinaCapital, các hoạt động xây dựng sẽ tăng khoảng 8% trong năm 2022, khi Nhà nước đẩy mạnh các khoản chi tiêu "bù đắp" cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng quy định về phát triển BĐS.

Thị trường nói chung cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành du lịch trong năm nay.

Chủ condotel ngừng cắt lỗ

Theo Dân trí, dịch Covid-19 bùng phát 2 năm qua đã tác động lớn đến thị trường BĐS đặc biệt là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Có thời điểm nhiều nhà đầu tư condotel ở Khánh Hòa, Đà Nẵng… không còn khả năng "gồng lỗ" đã phải chấp nhận rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi căn.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng rao bán cắt lỗ condotel cũng giảm, do tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và hoạt động mở cửa du lịch an toàn đang mở ra những kỳ vọng mới cho nhà đầu tư condotel.

Chị Nguyễn Phương Thảo - một chủ căn condotel trên đường Trần Phú, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - cho biết, tháng 6 năm ngoái, chị có rao bán cắt lỗ căn condotel này với giá thấp hơn 200 triệu đồng so với thời điểm mua năm 2018 nhưng vẫn không có người mua. Đến tháng 1 vừa qua, khi nhận thấy du lịch đang dần được mở cửa trở lại, chị đã quyết định không bán căn condotel này nữa.

Anh Nguyễn Văn Dương - một môi giới BĐS ở Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2021, nhóm môi giới của anh đã nhận bán nhiều căn condotel ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà cho những nhà đầu tư ở Hà Nội. Trong đó, có nhà đầu tư muốn bán gấp đã chấp nhận bán cắt lỗ khoảng 100-300 triệu đồng/căn, nhưng do dịch Covid-19 số lượng căn bán được cũng không nhiều.

Về diễn biến thị trường hiện nay, anh Dương chia sẻ, giao dịch condotel nhìn chung vẫn còn ảm đạm. Thế nhưng có nhiều nhà đầu tư gửi bán cắt lỗ, giờ lại yêu cầu dừng để do diễn biến mở cửa du lịch trở lại.

Ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa - cho rằng, condotel được rao bán cắt lỗ có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Nhưng xét ở tổng thể, dịch Covid-19 chỉ là tác động phụ khiến cho tình hình condotel ảm đạm do chưa giải quyết vấn đề pháp lý của condotel và tình trạng việc cam kết lợi nhuận không đảm bảo khiến người mua thất vọng.

Cũng theo ông Quý, du lịch địa phương đang dần khởi động trở lại, chắc chắn nhu cầu, tiềm năng của BĐS nghỉ dưỡng nó sẽ biến thiên theo chiều hướng tốt. Tình trạng cắt lỗ cũng khó xảy ra trong giai đoạn thị trường đang phục hồi.

Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị hơn 770ha tại TP. Biên Hòa

UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu A2 tại phường Bình Đa và một phần phường An Bình, TP. Biên Hòa.

Theo đó, phân khu A2 có diện tích khoảng 774 ha, ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp phân khu A3 tại phường Tam Hiệp, Tam Hòa qua suối Linh và đường Phạm Văn Thuận; phía Nam giáp phân khu C2 tại phường Long Bình Tân qua Xa lộ Hà Nội; phía Đông giáp phân khu A1 tại phường Long Bình Tân, An Bình qua Xa lộ Hà Nội; phía Tây giáp sông Cái và sông Đồng Nai.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 đạt hơn 58.000 người và đến năm 2050 đạt gần 69.000 người.

Về quy hoạch sử dụng đất, đất ở là gần 214 ha, đất hỗn hợp gần 168 ha, đất công trình dịch vụ công cộng hơn 69 ha, đất cây xanh mặt nước hơn 57 ha,...

Phân khu A2 thuộc khu đô thị trung tâm lịch sử nằm ven sông Cái và sông Đồng Nai ở phía Đông Nam cù lao Hiệp Hòa. Từ tính chất địa hình có quỹ đất bằng phẳng, phân khu A2 được quy hoạch phân tách thành hai khu vực đặc thù.

Cụ thể, gồm: Phía Bắc là khu dân cư hiện hữu lâu đời thuộc phường Bình Đa và một phần phường An Bình; phía Nam phần lớn là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và một phần nhỏ dân cư hiện hữu ven sông Đồng Nai.

Phân khu A2 tập trung một số công trình công cộng, hành chính, giáo dục, bến xe trọng điểm của TP. Biên Hòa.

Việc mua bán chung cư trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở.. (Ảnh: Phan Anh)

Căn hộ chung cư đang trả góp có bán được không?

Điều 125, Luật Nhà ở 2014 quy định về mua bán nhà ở trả chậm, trả dần như sau:

Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở; trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp các quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.

Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì hai bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.

Điều 14, Luật Kinh doanh BĐS quy định về mua bán, chuyển nhượng BĐS theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần như sau:

Việc ứng tiền trước được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho BĐS theo nội dung, tiến độ của dự án đã được phê duyệt, các lần huy động tiếp theo phù hợp với tiến độ thực hiện đầu tư tạo lập BĐS.

Chủ đầu tư phải sử dụng đúng mục đích tiền ứng trước của khách hàng để đầu tư tạo lập BĐS.

Khách hàng ứng tiền trước được hưởng giá mua, giá chuyển nhượng BĐS tại thời điểm ký hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp chủ đầu tư giao BĐS chậm tiến độ ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng theo hợp đồng và phải trả cho khách hàng một khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm giao BĐS tương ứng với thời gian chậm tiến độ.

Trường hợp khách hàng không thực hiện đúng cam kết về việc ứng tiền trước trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư theo hợp đồng và phải trả cho chủ đầu tư một khoản tiền lãi của số tiền chậm trả tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả.

Việc chọn lãi suất vay ngân hàng thương mại quy định tại Điểm d và Điểm đ của khoản này phải được thỏa thuận trong hợp đồng. Việc mua bán, chuyển nhượng BĐS theo hình thức trả chậm, trả dần và phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

Số tiền trả chậm, trả dần; thời gian trả chậm, trả dần phải được thỏa thuận trong hợp đồng. Bên bán, bên chuyển nhượng được bảo lưu quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS cho đến khi bên mua, bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bên mua, bên nhận chuyển nhượng BĐS được sử dụng BĐS, có quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS sau khi đã trả hết tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đối với hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần thì các chủ đầu tư dự án cần phải tiến hành thoả thuận về từng nội dung cụ thể về mua bán nhà, công trình hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước.

Các bên được thỏa thuận trong hợp đồng về việc mua bán, chuyển nhượng BĐS theo hình thức trả chậm, trả dần và phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Số tiền trả chậm, trả dần; thời gian trả chậm, trả dần phải được thỏa thuận trong hợp đồng.

Bên bán, bên chuyển nhượng được bảo lưu quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS cho đến khi bên mua, bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bên mua, bên nhận chuyển nhượng BĐS được sử dụng BĐS, có quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS sau khi đã trả hết tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

(tổng hợp)