Bất động sản mới nhất: Dự án Vinhomes The Harmony quận Long Biên, Hà Nội. (Nguồn: Vinhomes) |
Nới room tín dụng, thị trường BĐS có "sốt nóng" vào cuối năm?
Thị trường BĐS thời gian qua rơi vào tình trạng trầm lắng và xuất hiện tình trạng bán dưới giá vốn trên thị trường thứ cấp ở một số dự án, nhà đầu tư áp lực tài chính. Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường chỉ xuất hiện tình trạng bán tháo cục bộ ở một số nơi từng "sốt đất".
Hiện tại, các thông tin về nới room tín dụng đang tạo hiệu ứng tích cực với thị trường BĐS. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, cùng với chính sách tín dụng thay đổi, các yếu tố như nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư BĐS còn cao, lợi nhuận ổn định rất có thể sẽ tái xuất hiện "cơn sốt" cục bộ vào thời điểm cuối năm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dòng tiền trục trặc làm ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng quan trọng của thị trường BĐS. Cụ thể như nhà phát triển BĐS, hơn 30 ngành nghề liên quan và khách hàng có nhu cầu mua BĐS.
Ông Đính cho rằng, cùng với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường BĐS đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch... 2 lực đẩy này sẽ quan trọng cho thị trường BĐS hồi phục và sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm nay.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, ông Đính cho rằng, cần có những quy định pháp luật để khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Qua đó, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân.
NHNN vừa tiến hành phân bổ nốt room tín dụng cho một số ngân hàng. Theo NHNN, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc phân bổ room tín dụng còn lại của năm nay sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng.
3 đề xuất mới dự báo tác động lớn đến thị trường BĐS
Phát biểu tại phiên chuyên đề về hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, sáng 18/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề cập 3 nhóm vấn đề quan trọng về quỹ đất; giao đất, lựa chọn chủ đầu tư; giao dịch qua sàn BĐS.
Hiện Bộ Xây dựng được giao sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Thứ trưởng Sinh cho biết, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, có 3 nhóm vấn đề nổi bật được quan tâm, đề xuất thời gian tới.
Thứ nhất, đó là việc dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, đô thị trong thời gian tới. Ông Sinh cho hay, ở dự thảo lần này, Bộ Xây dựng có đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.
Với việc dành việc quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất mới. Theo quy định hiện hành, việc dành quỹ đất được giao cho các chủ đầu tư, các dự án thương mại phải dành 20 % quỹ đất, được thực hiện từ các đô thị từ loại III trở lên.
Ông Sinh nêu bất cập việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp là trên diện rộng, song nếu chỉ dành 20% quỹ đất mà áp dụng từ đô thị loại III trở lên rất hạn chế, đặc biệt là ở khu vực có các khu công nghiệp, có nhiều lực lượng lao động.
Do vậy, dự thảo lần này đề xuất việc dành quỹ đất sẽ giao UBND các tỉnh. Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng cũng như quy hoạch xây dựng sẽ phải dành quỹ đất phù hợp để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn tới.
Vấn đề thứ hai được Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới là việc giao đất, lựa chọn chủ đầu tư. Hiện nay, việc giao đất, lựa chọn chủ đầu tư được dựa trên mấy hình thức như qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp là đất ở hợp pháp.
"Bộ đang nghiên cứu thận trọng để giải quyết vấn đề đang được đặt ra hiện nay liên quan đến loại "đất khác" mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, đã phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Với loại đất này có được chỉ định không, đây là vấn đề lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, thận trọng", ông Sinh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, giá giao đất sẽ phải đáp ứng được yêu cầu phù hợp giá thị trường, theo chính sách pháp luật đất đai. Hiện Luật đất đai đang trong quá trình sửa đổi, lấy ý kiến. Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định thời gian tới sẽ có đề xuất chính thức, góp ý tại dự thảo.
Ông Sinh nói thêm, nếu các nút thắt nêu trên được giải quyết, sẽ tạo ra nguồn lực lớn để phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị, nhà ở nói chung, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới đề xuất giao dịch qua sàn giao dịch BĐS. Theo ông Sinh, hiện nay các sàn đang thực hiện giao dịch các dự án nhà ở có sẵn và trong tương lai.
Với dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra quy định mọi giao dịch BĐS phải thông qua sàn môi giới giao dịch BĐS. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.
Thanh khoản BĐS thấp, giá vẫn chót vót
Theo Tienphong, dù thị trường BĐS đang "tắc" với thanh khoản ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm nhưng giá nhiều phân khúc vẫn tăng rất mạnh.
Trong 2 năm gần đây, thị trường BĐS liên tục có những biến động mạnh về giá. Mặc dù vào giai đoạn chững của thị trường như hiện nay thì giá bán vẫn tiếp tục ghi nhận tăng mạnh.
Báo cáo thị trường BĐS quý II/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021.
Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp. Tại Hà Nội, dự án Melody Residences (quận Hoàng Mai) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2, Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) có giá khoảng 36 triệu đồng/m2.
Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Sunrise City (quận 7) có giá khoảng 40 triệu đồng/m2, CityLand Park Hills (quận Gò Vấp) có giá khoảng 49 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, dự án The Sang Residence (quận Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 46 triệu đồng/m2…
Phân khúc căn hộ cao cấp cũng có xu hướng tăng như: Heritage West Lake (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2, Dự án T-Place (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khoảng 325 triệu đồng/m2, Dự án Grand Marina Saigon (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) khoảng 300 triệu đồng/m2, Dự án Vinhomes Golden River Ba Son (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) khoảng 170 triệu đồng/m2, Dự án M Landmark Residence (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) khoảng 120 triệu đồng/m2,…
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền cũng có giá cao "ngất ngưởng".
Tại Hà Nội, khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông) có giá khoảng 137 triệu đồng/m2; Vinhomes The Harmony (quận Long Biên) có giá khoảng 142 triệu đồng/m2; khu đô thị Trung Yên (quận Cầu Giấy) có giá khoảng 227 triệu đồng/m2; Liền kề 96 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) có giá khoảng 273 triệu đồng/m2.
Tại TP. Hồ Chí Minh, biệt thự Chateau (quận 7) có giá khoảng 227,3 triệu/m2; Vạn Phúc City (TP. Thủ Đức) có giá khoảng 183 triệu đồng/m2; Villa Riviera (quận 2) có giá khoảng 249 triệu đồng/m2; The EverRich III (quận 7) có giá khoảng 123 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, cũng cho rằng, giá BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở sẽ không có nhiều thay đổi và tiếp tục tăng cao do nguồn cung hạn chế, ngân hàng thắt chặt tín dụng.
Kon Tum: Thu hồi 14ha đất tại huyện Kon Plông do vi phạm Luật Đất đai. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo XD) |
Thu hồi 14ha đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum do vi phạm Luật Đất đai
Ngày 15/9, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất 140.618,5m2 tại xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã giao cho Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương Việt Nam (nay là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư VIETIN).
UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định thu hồi đất do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư VIETIN đã vi phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 theo Kết luận Thanh tra số 1723/KL-BTNMT ngày 09/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum và đã được UBND tỉnh Kon Tum cho phép gia hạn tiến độ sử dụng 24 tháng tại Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 01/6/2018. Tuy nhiên, hết thời hạn được gia hạn (ngày 1/6/2020) nhưng công ty này vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư VIETIN mất quyền lợi vì khi Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) và giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất theo quy định tại khoản 4 Điều 18a Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và được bổ sung tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ.
UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum tiếp nhận, quản lý diện tích đất theo đúng quy định.