📞

Bất động sản mới nhất: Ngoại thành Hà Nội hút khách, Bắc Giang sẽ thêm 10 sân golf, TP. Thủ Đức bứt phá với ‘siêu hạ tầng’ kết nối

Hải An 08:05 | 26/02/2022
Đầu tư chuyển dịch ra ngoại thành, giảm áp lực cho trung tâm Hà Nội, duyệt quy hoạch Bắc Giang tầm nhìn đến năm 2050, TP. Thủ Đức có nhiều điều kiện bứt phá... là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Bản đồ TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho thấy vị thế siêu liên kết vùng với các đô thị vệ tinh. (Nguồn: BXD)

Xuất hiện xu hướng chuyển dịch đầu tư ra vùng ven và tỉnh lân cận Hà Nội

Theo đánh giá của chuyên gia Savills, thị trường BĐS Hà Nội năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan của sự hồi phục và triển vọng tăng trưởng. Trong đó, nổi bật là đà phát triển của thị trường tại các quận, huyện ngoài trung tâm và ngoại thành. Đây được cho là xu hướng dẫn dắt phân khúc BĐS văn phòng và nhà ở trong năm 2022.

Cụ thể, đối với thị trường nhà ở, nguồn cung tương lai dự kiến chủ yếu đến từ các dự án đặt tại những quận, huyện lân cận và ngoại thành. Xét riêng về thị trường chung cư, dự kiến trong tương lai, các dự án tại 5 huyện sắp lên quận gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ chiếm 27% nguồn cung.

Bên cạnh đó, xét về thị trường biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung tương lai sẽ chủ yếu đến từ huyện xa trung tâm, dẫn đầu là huyện Đan Phượng, theo sau là huyện Hoài Đức và Đông Anh.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho biết, ở một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, có một xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do giá BĐS khu vực nội thành đã được thiết lập ở mức cao, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn.

"Nhà đầu tư thường tìm cơ hội ở những quận, huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ vậy, áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao", bà Hằng nói.

Cũng theo chuyên gia này, tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc thu hút nhà đầu tư và người mua. Theo kế hoạch, TP Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong những năm sắp tới, các dự án được ưu tiên bao gồm đường vành đai 2.5, 3, 3.5, 4, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Thượng Cát. Kèm theo đó là việc ưu tiên cải thiện và nâng cao tuyến đường quốc lộ, hoàn thiện các dự án tàu điện.

Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ kết nối giữa các dự án ven đô và trong trung tâm.

Duyệt quy hoạch Bắc Giang thêm 10 sân golf mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu chung nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về phương án phát triển mạng lưới đô thị, đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (TP Bắc Giang), 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V.

Quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.

Bắc Giang sẽ quy hoạch ba khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.

Bên cạnh đó, quy hoạch 4 khu phát triển trở thành khu du lịch cấp tỉnh gồm: Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao, huyện Sơn Động; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà, huyện Yên Thế; Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà, huyện Việt Yên; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.

Đáng chú ý, Bắc Giang sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có ba khu đang thực hiện, 9 khu quy hoạch mới. Trong 12 khu chức năng có 13 sân golf, gồm 3 sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới.

Theo đó, các khu quy hoạch mới có sân golf gồm: Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao Nham Biền (2 sân golf, TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng); Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao (huyện Lạng Giang); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối Nứa (huyện Lục Nam).

Khu sân golf Yên Thế tại hồ Cầu Rễ (huyện Yên Thế); Khu sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Núi Dành (huyện Tân Yên); Khu sân golf Yên Hà (huyện Yên Dũng, Việt Yên); Khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam (huyện Lục Nam); Khu sân golf Tây Yên Tử (huyện Sơn Động).

Cơ hội đầu tư mới tại ‘vùng đô thị’ phía Đông TP.HCM

Sau khi có quyết định thành lập thành phố, Thủ Đức trở thành “địa điểm nóng” với giới đầu tư nhờ những tiềm năng kinh tế đặc biệt, trong đó nổi bật là quy hoạch vùng trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng phía Đông TP.HCM.

Những năm gần đây giao thông tại TP.Thủ Đức đã và đang được đầu tư hoàn thiện với “siêu hạ tầng” kết nối.

Trong tương lai, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được ví như xương sống nối liền TP.HCM và TP.Thủ Đức sẽ đi vào hoạt động. Tuyến đường sắt trên cao này sẽ rút ngắn tối đa khoảng cách di chuyển để đến được trung tâm TP.HCM.

Hệ thống giao thông đường bộ cũng đang được tập trung nâng cấp, điển hình là mở rộng các tuyến đường Nguyễn Thị Định lên 70-77m, đường Nguyễn Duy Trinh mở rộng lên 30m cho 4 làn ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông, nối dài đường Lò Nu và Trương Lưu.

Trong năm 2022, TP.HCM sẽ khởi động lại đoạn 2,7 km đường vành đai 2 sau 2 năm tạm dừng thi công và cân đối ngân sách. Tuyến đường sau khi hoàn thiện không chỉ nối liền TP.Thủ Đức với trung tâm TP.HCM mà còn giúp kết nối cảng biển, tuyến đường trọng yếu lẫn giảm tải lưu lượng giao thông nội thành, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng vào TP.Thủ Đức trong tương lai.

Song song đó, vành đai 3 cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị pháp lý và khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đặc biệt, gần đây cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - tuyến đường huyết mạch liên kết với các cụm công nghiệp, các cảng biển, là một phần của vành đai 3 - vừa được thông toàn tuyến vào tháng 5/2021.

Từ năm 2017, Thủ Đức cũng đã có tuyến xe buýt đường thuỷ từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông. Đây là những yếu tố quan trọng bổ sung vào sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông và đưa Thủ Đức trở thành thành trì về công nghệ - kinh tế của TP.HCM và cả nước.

Hưởng lợi từ hạ tầng hiện đại, đồng bộ sớm đi vào hoạt động một mặt góp phần nâng cao chất lượng đời sống của dân cư, mặt khác cũng gia tăng thêm giá trị cho thị trường BĐS tại TP.Thủ Đức.

Theo thống kê thị trường, giá cả ở các khu vực tỉnh thành lân cận như TP. Thủ Dầu Một đã giao động 35 - 40 triệu/ m2. Riêng TP.Thủ Đức mức trung bình dao động từ 70 - hơn 200 triệu/m2, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong vài năm tới.

Quy định về sổ đỏ nhà đất là tài sản chung của vợ chồng

Sổ đỏ nhà đất của vợ chồng là một trong những tài sản chung phổ biến và có giá trị nhất.

Nhà đất là tài sản chung phải ghi cả tên vợ và chồng vào sổ đỏ

Theo Khoản 4, Điều 98, Luật Đất đai 2013, trong trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận (sổ đỏ), trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Theo quy định trên, nếu vợ chồng không thỏa thuận chỉ ghi tên một người thì Giấy chứng nhận sẽ phải ghi đầy đủ cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Sổ đỏ chỉ ghi tên 1 người nhưng có thể là tài sản chung

Tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nhà đất là tài sản chung của vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Nhà đất là tài sản riêng của vợ chồng nhưng được vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Nhà ở được mua bằng tiền của vợ chồng (hay nói cách khác, tiền mua nhà là tài sản chung).

Nhà ở được tặng cho chung, thừa kế chung.

Nhà ở là tài sản riêng nhưng vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Nhà ở có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng…

Như vậy, chỉ cần nhà đất thuộc một trong những trường hợp nêu trên sẽ là tài sản chung của vợ chồng dù Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên một người.

Được bổ sung tên vợ hoặc chồng vào sổ đỏ

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 76, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng thì có quyền yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

(tổng hợp)