Bất động sản mới nhất: Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025. (Nguồn: Báo XD) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan. Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì soạn thảo: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển.
4 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giá đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định; Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp và cho ý kiến đối với nội dung dự thảo các Nghị định; gửi lấy ý kiến bằng văn bản các Bộ, ngành, địa phương; đăng tải nội dung dự thảo các nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến các UBND, các sở, ban, ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua tổ chức 4 Hội nghị tại các vùng (miền Bắc, miền Trung, miền Nam Trung bộ và miền Nam); phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và dự thảo Nghị định quy định về giá đất.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng để thẩm định 4 hồ sơ dự thảo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ được giao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai cũng đã được các cơ quan tập trung tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian qua. Các cơ quan truyền thông đã dành nhiều thời lượng để phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai.
Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã) ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai cho gần 400 báo cáo viên các cấp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phổ biến cho các đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan; phổ biến cho cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước…
Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị phổ biến cho các kiều bào trong và ngoài nước. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, Hội nghị đã thu hút số lượng lớn đại biểu tham dự (khoảng 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến), bao gồm: đại diện các ban, bộ, ngành và các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hiệp hội doanh nhân và doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong và ngoài nước; đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đông đảo kiều bào tham dự trực tiếp tại Hà Nội và 50 điểm cầu tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 4 châu lục (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Campuchia, Australia, New Zealand, Tanzania, Morocco...).
Nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai từ cấp tỉnh đến cấp xã: Long An, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Bình… Qua các Hội nghị triển khai, phổ biến Luật Đất đai, nhiều địa phương, người dân và doanh nghiệp mong muốn Luật Đất đai sớm được thi hành.
Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm, nhằm góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.
38 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện mở bán trong quý I/2024
Quý I/2024, toàn quốc có 38 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện mở bán với quy mô khoảng 5.527 căn, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bằng 80,85% với quý IV/2023 và bằng 73,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án BĐS được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành và đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong quý I/2024 của Bộ Xây dựng cho biết, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, hoàn thành 10 dự án với quy mô khoảng 4.706 căn, số lượng dự án bằng 34,48 % so với quý IV/2023 và bằng 71,43% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tại miền Bắc có 3 dự án; tại miền Trung có 4 dự án; tại miền Nam có 3 dự án.
Được cấp phép mới có 19 dự án với quy mô khoảng 9.774 căn, số lượng dự án được cấp phép mới bằng 95% so với quý IV/2023 và bằng 111,76% so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể, tại miền Bắc có 12 dự án, tại miền Trung có 7 dự án.
Đối với dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, có 38 dự án với quy mô khoảng 5.527 căn, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai bằng 80,85% với quý IV/2023 và bằng 73,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Đang triển khai xây dựng 984 dự án với quy mô khoảng 421.353 căn, số lượng dự án đang triển khai xây dựng bằng 115,22% so với quý IV/2023 và bằng 140,97 % so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, tại miền Bắc có 406 dự án với quy mô khoảng 236.873 căn; tại miền Trung có 360 dự án với quy mô khoảng 91.022 căn; tại miền Nam có 218 dự án với quy mô khoảng 93.458 căn.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong quý cũng đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại các địa phương đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường.
Nhà trong ngõ Hà Nội tăng giá liên tục nhiều năm
Báo cáo thị trường thổ cư quý I của một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong khi nhiều phân khúc BĐS tiếp đà giảm tốc, nhà đất thổ cư tại Hà Nội những tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng.
Một trung tâm nghiên cứu thị trường ra báo cáo cho biết giao dịch thổ cư trong quý này tại Hà Nội đạt 9.800 căn. Trong đó, các giao dịch dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 44%. Riêng lượng giao dịch trong tháng 3 vừa qua đạt xấp xỉ 5.000 căn, tăng 153% so với tháng 2 trước đó và tăng 38% so với tháng 12/2023.
Các giao dịch trong tháng 3 vừa qua chủ yếu đến từ nhà trong ngõ tại các quận ngoài trung tâm như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên... Số lượng giao dịch tại nhóm quận này tăng 176% so với tháng 2 năm nay. Giao dịch tại các quận trung tâm cũng tăng gấp đôi so với tháng 2, tập trung tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.
Đơn giá đất nhà mặt phố và nhà trong ngõ ở Hà Nội đều ghi nhận xu hướng tăng từ 2020 đến nay. Trong quý I năm nay, nhà đất mặt phố khu vực trung tâm đạt mức xấp xỉ 400 triệu đồng/m2, gấp khoảng 2 lần so với khu vực ngoài trung tâm. Giá nhà trong ngõ đã đạt mức 170 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực trung tâm, và xấp xỉ 100 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực ngoài trung tâm.
Trước đó, báo cáo thị trường của một chuyên trang BĐS cũng chỉ ra, trong khi nhiều phân khúc BĐS tiếp đà giảm tốc, nhà đất thổ cư tại Hà Nội những tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng.
Đáng chú ý, giá bán và mức độ quan tâm phân khúc này trong đầu năm nay tăng 2-9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhà riêng tại quận Tây Hồ tăng giá mạnh nhất với 9%. Các quận khác như Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai cũng tăng giá 4-8%.
Còn ghi nhận trên các trang rao bán BĐS, ngay từ thời điểm đầu năm nay, cùng với cơn "sốt" giá căn hộ chung cư, phân khúc nhà trong ngõ tại Hà Nội cũng ghi nhận trên các trang mua bán diễn biến tăng giá nhanh.
Đơn cử, một căn nhà trong ngõ ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có diện tích 35m2, đã xây dựng 4 tầng được rao bán 4,2 tỷ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2. Đáng nói, sản phẩm BĐS này là nhà đã qua sử dụng, nằm trong ngõ rộng chưa tới 3m.
Tương tự, một căn nhà 4 tầng, có diện tích đất là 30m2 tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức được rao bán với giá 3,1 tỷ đồng, tương đương 103 triệu đồng/m2. Theo giới thiệu của môi giới, căn nhà này nằm trong ngõ, mới xây dựng và có sổ đỏ rõ ràng.
Chia sẻ về việc giao dịch nhà thổ cư trong ngõ tăng thời gian qua, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết, đây là phân khúc phù hợp cho những chân dung khách hàng thích "ăn chắc mặc bền" và thói quen sinh hoạt ở nhà mặt đất.
Xét về yếu tố rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư với sản phẩm nhà thổ cư là không có. Nếu có chỉ là vấn đề nhà đầu tư nên quan tâm tới việc lựa chọn mua ở quận nào, khu vực nào và an ninh ở đó ra sao…
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Đức Toản - CEO EZ Property - nhận định, trước đây, nhà đất trong ngõ hẻm thường là phân khúc được người mua ở thực đem lên bàn cân với chung cư mới. Tuy nhiên, thời gian qua, giá chung cư tăng đột biến ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã thúc đẩy một nhóm khách hàng chuyển hướng tìm mua nhà đất.
Theo ông Toản, cùng tầm tiền như nhau, nhiều người mua sẽ chấp nhận những bất tiện, hạn chế của phân khúc nhà trong ngõ hẻm như chỗ để xe, chất lượng công trình, thay vì quyết định mua căn hộ chung cư.
Thành phố Hồ Chí Minh: Gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chiều 9/5, ông Đinh Thiên Tân, Trưởng phòng Quản lý vận hành (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố hiện có 8.948 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu của Nhà nước chưa bố trí cho người dân. Số căn hộ này nằm tại 85 chung cư, cụm chung cư.
Hiện, Trung tâm đã tiếp nhận và quản lý 8.461 căn hộ, đang chuẩn bị tiếp nhận 487 căn hộ còn lại từ UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những căn hộ được dự kiến dùng làm nơi bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.
Ông Tân cho biết, Quyết định số 2880/QĐ-UBND nêu rõ "chỉ ủy quyền cho người sử dụng căn hộ đối với các trường hợp đã được bố trí tái định cư, tạm cư hoặc ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua trả góp căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước được thay mặt đại diện chủ sở hữu để tham dự và thực hiện quyền biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư nhằm thực hiện các nội dung được quy định tại Điều 102 Luật Nhà ở năm 2014".
Tuy nhiên, hiện Trung tâm vẫn chưa được UBND Thành phố ủy quyền tham dự Hội nghị nhà chung cư và tham gia Ban quản trị, nên Trung tâm không thể tham dự với vai trò đại diện chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu Ban quản trị nhà chung cư và thống nhất đơn giá quản lý vận hành nhà chung cư đối với các căn hộ trống tại chung cư do đơn vị quản lý.
Theo ông Tân, vừa qua, Ban quản trị, Ban quản lý, Công ty Dịch vụ Công ích của 39 dự án chung cư đã có các văn bản, thông báo đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ trống do Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh quản lý với số tiền hơn 81 tỷ đồng.
Trung tâm đã tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng tham mưu UBND Thành phố, đề xuất UBND ủy quyền cho Trung tâm tham dự Hội nghị nhà chung cư, tham gia Ban quản trị, thanh toán các chi phí quản lý vận hành căn hộ trống do Trung tâm quản lý.
Sau khi UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị để thống nhất mức phí quản lý vận hành phải thanh toán, hình thức thanh toán.