📞

Bất động sản mới nhất: Người vay ngân hàng mua nhà ‘ngồi trên đống lửa’, bỏ quy định 80% đồng ý là thu hồi đất, lý do hủy kết quả 5 gói thầu

Hải An 09:11 | 01/10/2022
Lãi suất tăng, người vay mua nhà lo ngay ngáy gánh nặng trả nợ, không thu hồi khi 80% người có đất đồng ý, công khai thông tin pháp lý các dự án ở Đồng Nai… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Chuyên gia cho rằng, những người quyết định mua nhà trả góp cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình.

Người mua nhà lo gánh nặng trả nợ

Cuối năm 2021, lãi suất cho vay bình quân chỉ ở khoảng 5%/năm, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mức lãi suất hấp dẫn này thúc đẩy nhiều người tranh thủ vay vốn để mua nhà.

Tuy nhiên, với việc các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, những người đã vay mua nhà như "ngồi trên đống lửa".

Không chỉ những người đã mua nhà, nhiều người chưa mua nhà cũng lo lắng vì sợ lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng cao. Chẳng hạn, với khoản vay ngân hàng 1 tỷ đồng trong 10 năm để mua căn hộ chung cư, lãi suất trong năm đầu tiên là 8,5%/năm, sau đó thả nổi theo thị trường.

Theo phân tích giới chuyên gia, khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Đặc biệt khi room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn, nên việc tăng lãi vay là khó tránh.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia về tài chính, ngân hàng - cho rằng, lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng nếu lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi USD tăng áp lực lên tỷ giá.

Còn theo TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian qua, thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1, nhất là lãi suất kỳ dài hạn. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế.

Do đó, ông Thịnh khuyến cáo, những người quyết định mua nhà trả góp cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng một số lãi suất chính sách chủ chốt. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu đều tăng 1 điểm phần trăm lên lần lượt 5,0% và 3,5%/năm.

Ngoài ra, trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng. 4 ngân hàng gốc quốc doanh lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.

Bỏ quy định 80% người dân đồng ý là thu hồi đất

Tại Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Chính phủ gửi tới Quốc hội mới đây, nhiều nội dung trong Dự thảo đã chỉnh lý sau tiếp thu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước.

Báo cáo vấn đề này tại phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), của Ủy ban Kinh tế sáng 29/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo đã quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ dự kiến định nghĩa đây là "các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

Cũng theo lãnh đạo Bộ TN&MT, Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, vẫn bao gồm các dự án khu đô thị và nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, trong tờ trình mới, Chính phủ dự kiến quy định điều kiện thu hồi đất với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở. Theo đó, chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Trong khi, các quy định về thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại không nhận được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại dự thảo mới cũng không quy định trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý như trước đó. Đây cũng là nội dung tiếp thu "triệt để" ý kiến của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hồi tuần trước khi hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với đề xuất này.

Trước đó, tại phiên họp pháp luật tháng 9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có ý kiến và lưu ý, những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh về quy định Nhà nước thu hồi đất đối với "các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý" (tại khoản 5 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

“Còn 20% chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, như vậy là không được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để thu hồi đất. Quy định như vậy là chung chung, không đúng chủ trương của Trung ương", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Vì sao Thanh Hóa hủy kết quả 5 gói thầu sơ tuyển?

5 dự án vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo sẽ hủy kết quả sơ tuyển, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư để bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) bao gồm: Khu dân cư xã Đông Lĩnh, Khu dân cư phường Nam Ngạn, Công viên thể thao Đình Hương, Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, Khu nhà ở thương mại xã Đông Tân.

Dự án Công viên thể thao Đình Hương, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa - 1 trong 5 dự án vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo sẽ hủy kết quả sơ tuyển. (Nguồn: BXD)

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, thuộc trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch để bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH, ngày 22/8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản 5769/SKHĐT-ĐTTĐGS tổng hợp ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan, cùng đó là việc đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hủy kết quả sơ tuyển, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư đối với 5 dự án nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư do thiếu quỹ đất xây dựng NƠXH.

Theo đó, đề xuất của Sở Xây dựng Thanh Hóa về phương án dự kiến điều chỉnh quy hoạch bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH với 5 dự án, bao gồm: Khu dân cư xã Đông Lĩnh; Khu dân cư phường Nam Ngạ; Công viên thể thao Đình Hương, phường Đông Thọ; Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng; Khu nhà ở thương mại xã Đông Tân.

Sau khi nhận được Công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Văn bản số 12786/UBND-CN chỉ đạo giao các bên mời thầu làm việc, thông báo cho các nhà đầu tư trúng thầu sơ tuyển tại 5 dự án nêu trên về việc UBND tỉnh sẽ hủy kết quả sơ tuyển, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư để bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH, đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/9/2022.

Công khai thông tin pháp lý các dự án BĐS ở Đồng Nai

Ngày 30/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn về việc công khai thông tin dự án đầu tư BĐS trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh quy hoạch gần 300 dự án BĐS. Các địa phương có nhiều dự án là các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa.

Trong thời gian qua, các dự án BĐS, nhà ở tại Đồng Nai chưa được công khai thông tin pháp lý, điều kiện mua bán chuyển nhượng để người dân biết rõ. Do đó, đã gây ra hệ lụy là một số người dân trong và ngoài tỉnh chuyển nhượng BĐS, nhà ở tại những dự án chưa đủ điều kiện giao dịch trên thị trường, làm phát sinh tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, TN-MT, TT-TT nghiên cứu thực hiện đăng thông tin và cập nhật thông tin dự án thông qua báo chí và website của các sở chuyên ngành.

Định kỳ hằng tháng, cơ quan truyền thông của tỉnh và các website sẽ đăng thông tin về tính pháp lý, tiến độ đầu tư, điều kiện mua bán chuyển nhượng BĐS, nhà ở của dự án trên toàn tỉnh để người dân kịp thời nắm bắt thông tin.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các thông tin về dự án BĐS được công khai chi tiết sẽ hạn chế được tình trạng các chủ đầu tư dự án lén lút bán đất nền, nhà ở cho người dân khi chưa đủ điều kiện.

(tổng hợp)