Bất động sản mới nhất: "Sóng ngầm’ bất động sản công nghiệp. (Nguồn: BĐT) |
"Sóng ngầm" BĐS công nghiệp
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó về nguồn lực phải lựa chọn hình thức bán - tái thuê các BĐS công nghiệp đang sở hữu để tồn tại.
Các thương vụ bán tài sản và tiếp tục thương lượng thuê lại được giới tài chính BĐS gọi là "bán - tái thuê". Hình thức M&A này là công cụ tài chính, trong đó bên bán tài sản trở thành khách thuê tương lai còn bên mua là chủ sở hữu mới sẽ cho chủ cũ thuê lại dài hạn.
Mặc dù ngày càng phổ biến nhưng theo các chuyên gia, hình thức bán - tái thuê vẫn chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, hoạt động của thị trường BĐS công nghiệp giai đoạn 2020 - nửa đầu năm 2021 xoay quanh việc các công ty ở Việt Nam mở rộng hoặc chuyển địa điểm sản xuất.
Tin liên quan |
Với ‘lợi thế đi sau’ và ‘chuyển làn, vượt xe’, kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng đến mức nào? |
"Năm 2020 đã có một số thương vụ quan trọng và sự xuất hiện của các tài sản khó bán mong muốn thực hiện bán - tái thuê, trong đó có một giao dịch được công bố rộng rãi" - ông John Campbell tiết lộ.
Năm 2020, một thương vụ bán - tái thuê 36.000 m2 mặt bằng nhà kho tại Dĩ An, Bình Dương được công bố với giá trị giao dịch hơn 20 triệu USD. Bên bán sang nhượng xong tiếp tục thuê lại với thời hạn 5 năm trở lên.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, thương vụ này mang lại lợi nhuận hơn 9% cho nhà đầu tư bên mua.
6 tháng đầu năm nay, thị trường BĐS công nghiệp đang là điểm sáng giữa đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, với giá thuê đất, nhà xưởng, kho bãi liên tục leo thang, tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao.
Các khu công nghiệp ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương lấp đầy 89-99%, đất trống còn rất ít, giá thuê tăng 5-10% mỗi năm. Thị trường đất công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi hậu cần cũng ghi nhận nhiều thương vụ M&A giá trị cao được công bố trong 6-7 tháng qua.
Theo ông John Campbell, thị trường BĐS công nghiệp hiện có nhu cầu thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất cao. Đối với các công trình xây sẵn do các nhà cung cấp thận trọng hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.
Dự báo, tại thị trường Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu bán - tái thuê ở nhóm các công ty tìm kiếm cơ hội tái cấp vốn, thu hồi vốn hoặc cải thiện dòng tiền nhưng không muốn bị gián đoạn hoạt động.
Địa ốc cho thuê: Chỗ miễn phí, nơi mãi không tìm nổi khách thuê
Một trong những phân khúc được đánh giá chịu ảnh hưởng "vật vã" nhất do tác động của đại dịch phải kể tới là BĐS cho thuê.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II năm nay, số lượng dự án trung tâm thương mại và siêu thị mới được khai trương đi vào hoạt động không nhiều. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh doanh mặt bằng thương mại tiếp tục gặp khó khăn, tổng lượng thuê và giá thuê bình quân vẫn có xu hướng giảm so với quý trước.
Tại khu vực trung tâm của Hà Nội và TPHCM, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm; mức giá trung bình khoảng 102 USD/m2/tháng tương đương 2.357.000 đồng/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm.
Theo Bộ Xây dựng, khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này đã tăng 10%.
Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng tại các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.
Tại thị trường TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết dưới sức ép từ làn sóng dịch nghiêm trọng, giá thuê trung bình trong quý ghi nhận đạt 34 USD/m2/tháng tương đương 786.000 đồng/m2/tháng, giảm 5,2% theo năm do nhiều trung tâm thương mại đóng cửa, các dự án đồng loạt giảm giá thuê, cũng như có các chính sách hỗ trợ khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội thời gian qua. Điều này đã phần nào cải thiện được tỷ lệ trống, giảm 1,6% theo năm xuống còn 14,6%.
Nhận định về khó khăn chưa từng có của phân khúc nhà phố, mặt bằng bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết: Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.
BĐS nhà ở cho thuê cũng gặp khó khăn rất lớn trong việc duy trì tỷ lệ lấp đầy. Để giảm bớt khó khăn cho người thuê và cũng là bài toán chia sẻ cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhiều chủ nhà miễn giảm tiền thuê hoặc thậm chí miễn toàn bộ cho khách thuê thời điểm giãn cách.
Biệt thự lâu đài hơn 100 tỷ
Thời gian qua, thị trường BĐS Hà Nội xôn xao với thông tin rao bán biệt thự tại quận Tây Hồ với giá hơn 100 tỷ đồng.
Một môi giới cho biết, dự án The Lotus Center thuộc giai đoạn 3 của khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra) có tổng có 81 căn biệt thự - liền kề lâu đài tại phân khu BT05 được thiết kế xây 3 tầng - 1 tum, theo lối kiến trúc lâu đài châu Âu do Công ty CP Đầu tư BĐS Thanh Trì làm chủ đầu tư. Đơn vị phát triển dự án là Vimefulland thương hiệu BĐS của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.
Theo giới thiệu, trong 81 căn biệt thự - liền kề tại dự án này thì có 6 căn biệt thự lâu đài “siêu VIP” thuộc khu BT5C. Trong đó có căn biệt thự diện tích trên khoảng 400m2, giá bán giao động từ 280 triệu đồng mỗi m2 trở lên.
Như vậy, để sở hữu một siêu biệt thự trên 400m2 ở đây, khách hàng cần bỏ ra ít nhất hơn 100 tỷ đồng cho một căn biệt thự mới hoàn thiện xây dựng mặt ngoài.
| Xuất khẩu ngày 3-6/8: Trung Quốc siết kiểm dịch nhập nông sản Việt; nhãn Hải Dương tự tin đến EU, Mỹ |
Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam?
Số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam được quy định rõ tại Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 30/2021/NĐ-CP).
Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì không được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư; trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.
Đặc biệt, trong trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định sau:
Nếu chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó.
Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn.
Nếu có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.
| Xuất khẩu ngày 3-6/8: Trung Quốc siết kiểm dịch nhập nông sản Việt; nhãn Hải Dương tự tin đến EU, Mỹ Trung Quốc siết kiểm dịch nhập nông sản Việt; một số mặt hàng thông thương trở lại tại cửa khẩu Móng Cái, nhãn Hải Dương ... |
| Bất động sản mới nhất: Sau sốt đất Hà Nội, cắt lỗ ở đâu; chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi khủng Sau sốt đất, nhiều nhà đầu tư đã đẩy hàng cắt lỗ; xuất hiện chủ khách sạn bán tháo; doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi ... |