Bất động sản mới nhất: Quảng Ninh thành lập Cụm công nghiệp Vân Đồn. (Nguồn: Vietnamnet) |
Lạm phát nếu xảy ra, giá BĐS sẽ tăng nhưng "đóng băng" mua bán?
Theo chuyên gia, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá BĐS tăng lên nhưng thị trường thường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.
Ngay trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, 3 nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong năm nay bao gồm tổng cầu tăng đột biến trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguyên vật liệu nhập khẩu; và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm nay, Việt Nam đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, mục tiêu này được đánh giá hoàn toàn nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, sau những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ.
Trong bối cảnh mối lo lạm phát tăng cao, đầu tư vào kênh nào là bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư. Với kênh BĐS, giới chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát tăng cao trong năm nay, áp lực tăng giá BĐS cũng sẽ rất lớn.
Một phân tích của Savills World Research đã chỉ ra, nếu lạm phát xảy ra do tăng trưởng kinh tế (lạm phát cầu kéo), nhu cầu BĐS sẽ được đẩy lên và giúp làm tăng giá trị của BĐS.
Tuy nhiên, nếu lạm phát được hình thành bởi các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng (lạm phát chi phí đẩy) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung BĐS. Lạm phát do chi phí đẩy cũng khó dự đoán, thường do các biến cố không lường trước được như về môi trường, địa chính trị…
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - trước những biến động như xung đột, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và BĐS.
Đặc biệt, tại Việt Nam, trong thời gian qua, nguồn cung BĐS nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền còn các sản phẩm BĐS nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn.
Chính vì vậy, ông Khương nhận định, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường BĐS bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng tuần (14-20/3): Nga-Ukraine đổ lỗi nhau về vụ đánh bom Mariupol, 'nóng' điện đàm Mỹ-Trung Quốc, ‘nhím gai’ chống tăng ở Odessa |
Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cũng nhấn mạnh, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá BĐS tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có.
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Đồng quan điểm trên, nhiều nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp cũng nhìn nhận, những tính toán kế hoạch đầu tư BĐS vào thời điểm này là hết sức cần thiết vì trong năm nay, áp lực lạm phát lên nền kinh tế rất lớn.
Ở góc nhìn toàn cảnh thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch BĐS vẫn khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá BĐS tăng lên nên BĐS năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.
Đất sốt hầm hập khắp nơi, đại gia phố cổ ôm ‘đất vàng’ chôn tiền tỷ
Khu vực phố cổ luôn được coi là “đất vàng” Thủ đô với mặt tiền đắt đỏ, khách thuê rất đông.
Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19, khu vực này trở nên đìu hiu, thiếu vắng người thuê. Mặc dù Hà Nội trở về trạng thái “bình thường mới”, mở cửa đón khách du lịch trở lại từ ngày 15/3, mặt bằng phố cổ vẫn trong tình trạng ế ẩm.
Thông tin trên Vietnamnet, nhiều cửa hàng phố cổ đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều mặt bằng ở vị trí đẹp vẫn đang kiếm khách thuê, treo biển “cho thuê nhà” trên phố Hàng Ngang, Hàng Mã, Hàng Đào…
Một tiểu thương trên phố Hàng Ngang chia sẻ: “Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện khiến khách du lịch thưa thớt, khách quốc tế gần như không có, trong khi đó, mặt bằng đắt đỏ nên không thể duy trì được. Đến thời điểm hiện tại, khách du lịch cũng chưa nhiều nên nhiều người vẫn chưa dám đầu tư vào mặt bằng phố cổ mặc dù giá đã giảm 30-50%”.
Còn một chủ mặt bằng trên phố Hàng Mã cho biết: “Ngày trước, người này hết thuê là có người khác ‘nhảy’ vào thuê luôn, đến bây giờ nhận được nhiều điện thoại nhưng chỉ hỏi giá chứ không thuê”.
Biển cho thuê cửa hàng tại phố cổ Hà Nội. (Nguồn: Vietnamnet) |
Thanh Hóa ‘chốt’ giá khởi điểm đất vàng trăm tỷ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi vừa ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư đô thị và Trung tâm thương mại Sầm Sơn, ở phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn.
Theo đó, diện tích khu đất đấu giá là 8.092 m2, gồm diện tích đất ở xây dựng chung cư hỗn hợp 50 tầng nổi và 4 tầng hầm là hơn 4.883 m2 và diện tích đất xây dựng 17 căn nhà ở liền kề cao 5-9 tầng và một tầng hầm rộng hơn 3.208 m2.
Dự án có tổng vốn đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận ngày 23/7/2021 là hơn 3.000 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa không quá 50 năm, tính từ ngày UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng khu đất này là hơn 222 tỷ đồng. Giá đất cụ thể này được xác định trong điều kiện nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất được phê duyệt.
Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên có hiệu lực trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt và được xác định cho mục đích, chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư đô thị và Trung tâm thương mại Sầm Sơn.
Trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất xin chuyển mục đích sử dụng đất, thay đổi các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch thì tiền sử dụng đất chênh lệch nộp ngân sách Nhà nước được xác định tại thời điểm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.
UBND tỉnh giao các Sở, ngành, UBND TP Sầm Sơn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, giao Công an tỉnh được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Sầm Sơn trong đảm bảo an ninh, trật tự tại cuộc đấu giá.
Quảng Ninh thành lập Cụm công nghiệp Vân Đồn
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Vân Đồn tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn do Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất 53ha, vốn đầu tư trên 486 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp được chia làm 4 khu để phát triển các ngành nghề gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục, sản xuất giày, dép; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất khí công nghiệp, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại; các dịch vụ xử lý gia công kim loại theo hướng chuỗi liên kết ngành...
Cùng với đó, mục tiêu của Cụm công nghiệp Vân Đồn để phục vụ cho việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 30/7/2019.
Về tiến độ, từ quý IV/2021 - quý II/2022 sẽ tổ chức lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời các hộ dân, hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất. Quý III/2022 - quý IV/2023 sẽ tiến hành đầu tư san lấp mặt bằng cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng; còn từ quý I/2024 sẽ thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày Cụm công nghiệp được thành lập.
Tại quyết định này, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp phải lập bảng tiến độ thực hiện tổng thể của dự án sau khi được UBND tỉnh thành lập Cụm công nghiệp trình UBND huyện Vân Đồn phê duyệt trong tháng 3/2022 để làm cơ sở triển khai thực hiện và tổ chức quản lý, giám sát.
Hoàn thành hồ sơ về thủ tục đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, thực hiện ký quỹ đảm bảo dự án theo quy định… để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập Cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện; chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập Cụm công nghiệp thì UBND tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác…
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao UBND huyện Vân Đồn và các sở ngành giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời thực hiện việc bàn giao, chuyển đổi phần diện tích đất quốc phòng trong phạm vi dự án theo đúng quy định và ý kiến của Bộ Quốc phòng…
| Giá vàng hôm nay 22/3, Giá vàng tăng sốc, nhà đầu tư đang ‘giẫm chân lên nước’, rủi ro rình rập? SJC sẽ nối gót? Giá vàng hôm nay 22/3 quay đầu tăng khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine thúc đẩy nhu cầu về tài ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (14-20/3): Nga-Ukraine đổ lỗi nhau về vụ đánh bom Mariupol, 'nóng' điện đàm Mỹ-Trung Quốc, ‘nhím gai’ chống tăng ở Odessa Nga-Ukraine đổ lỗi cho nhau về vụ đánh bom ở Mariupol, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm, ... |