📞

Bất động sản mới nhất: Ồ ạt rao bán giảm giá, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý, quy định diện tích tối thiểu để tách thửa

Hải An 09:40 | 10/01/2023
Lượng nhà ở xã hội quá thấp so với nhu cầu, Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án hơn 3.300 tỷ đồng, Khánh Hòa quy định diện tích tối thiểu để tách thửa… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 28 về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Thiếu nhà ở xã hội

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) trong giai đoạn 2021-2030.

Theo quan điểm của HoREA, Dự thảo Luật Nhà ở đã đúng khi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng NƠXH trong dự án. Nguyên nhân là không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng NƠXH trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp.

Nếu xây dựng NƠXH trong các dự án trên thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất NƠXH cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán NƠXH sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2 ).

Con số này sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng NƠXH và sau này thì người mua NƠXH tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp.

Tại TP HCM, kể từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại TP Thủ Đức.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm BĐS của nước ta còn bất hợp lý. Trong đó, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa, trong khi phân khúc NƠXH, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại ngày càng vắng bóng và thậm chí biến mất trên thị trường nhà ở.

Bởi lẽ, chỉ số giá nhà ở của nước ta cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà ở. Trong khi đó, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.

Theo phân tích cụ thể của HoREA, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội còn dư lại khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng; còn với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng phải tích cóp trong 10-15 năm...

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 400 dự án NƠXH, nhà ở công nhân với tổng quy mô xây dựng hơn 450.000 căn đang triển khai đầu tư.

Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300.000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157.000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Quy định diện tích tối thiểu để tách thửa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 28 về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Quyết định 28 có hiệu lực từ ngày 10/1 và thay thế Quyết định số 32 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa trước đó.

Theo đó, quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất sau khi trừ diện tích đất quy hoạch phải thu hồi theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với đất ở tại đô thị, thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) từ 19m trở lên diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 45m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Đối với thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ từ 10m đến dưới 19m diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 4m trở lên.

Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ dưới 10m, diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 3m trở lên.

Trường hợp đất ở tại nông thôn, thửa đất tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Thửa đất tại khu vực các đảo diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên. Thửa đất tại khu vực còn lại diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 60m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Đối với trường hợp tách thửa đất ở trong khu vực dân cư hiện hữu (kể cả đất ở có vườn ao) phải bố trí lối đi chung vào các thửa đất sau khi tách thì theo thỏa thuận thống nhất giữa chủ sử dụng của các thửa đất được tách nhưng đảm bảo chiều rộng lối đi chung tối thiểu là 1,5m.

Trường hợp tách thửa không thuộc khu vực dân cư hiện hữu mà phải bố trí lối đi chung thì chiều rộng lối đi chung theo thỏa thuận thống nhất giữa các chủ sử dụng của các thửa đất được tách; nhưng đáp ứng bề rộng tối thiểu của lối đi chung là 4m. Việc bố trí lối đi chung phải đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống đường giao thông hiện hữu trong khu vực.

Trường hợp tách một phần thửa đất để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, phần diện tích tách thửa chuyển mục đích sang đất ở và diện tích đất nông nghiệp còn lại đảm bảo kích thước, diện tích tối thiểu tách thửa đất theo đúng một số quy định trên.

Đồng thời, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải đáp ứng được điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; quy hoạch phân khu đô thị hoặc quy hoạch chi tiết đô thị (nếu có), quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ồ ạt bán giảm giá

Thị trường BĐS trầm lắng, giá đất ở nhiều khu vực từng "sốt nóng" trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 đang có xu hướng "hạ nhiệt". Đặc biệt, tính thanh khoản không cao đã khiến không ít chủ đất bán giảm giá từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng một mảnh đất.

Ghi nhận tại Hưng Yên thời điểm này, thị trường BĐS trầm lắng, không còn cảnh giao dịch đất đai nhộn nhịp như 2 năm trước. Đất nền gần các khu đô thị lớn, tuyến đường quy hoạch đang ghi nhận có sự giảm giá.

Đơn cử, lô đất 50m2 tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang có vị trí tiếp giáp đô thị Ecopark, gần chợ làng hoa và các tiện ích, khu dân cư cao cấp đang được rao bán với giá 1,85 tỷ đồng (37 triệu đồng/m2), giá bán này thấp hơn đợt đầu năm khoảng 600 triệu đồng.

Tương tự, lô đất 83m2 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang có vị trí gần khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 đang rao bán cắt lỗ 800 triệu đồng. Theo người bán, lô đất này nằm cạnh đường 2 ô tô tránh nhau, thuận lợi kinh doanh. Hồi đầu năm lô đất được rao với mức giá 4,3 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện tại do muốn bán nhanh, nên chủ lô đất đã giảm xuống còn 3,5 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ trên, giá đất tại một số khu vực từng được "thổi sóng" theo đường vành đai 4 vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Văn Giang cũng đang được rao bán giảm giá. Đơn cử, tại xã Liên Nghĩa, giá bán đất nền thời điểm "sốt nóng" là khoảng 31 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại rất ít lô đất có vị trí đẹp giữ được giá khoảng 24 triệu đồng/m2.

Thậm chí, nhiều lô đất có diện tích quá lớn, vị trí trong làng chỉ có giá bán 18-20 triệu đồng/m2.

Một lãnh đạo UBND xã Tân Tiến, huyện Văn Giang cho biết, giao dịch chuyển nhượng đất đai thời gian này trên địa bàn xã không nhiều do khó khăn chung của thị trường cộng với nguồn vốn ít mà nhà đầu tư e ngại giá quá cao nên không chốt mua thời điểm này.

Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án hơn 3.300 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long (Vĩnh Phúc) sẽ là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bàu Giang. Dự án tọa lạc tại thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, có quy mô gần 50ha, tổng vốn đầu tư 3.318 tỷ đồng .

Dự án Khu đô thị Bàu Giang có quy mô lớn, sở hữu nhiều lợi thế và nằm ở phía Nam thành phố Quảng Ngãi. (Nguồn: Báo XD)

Theo đó, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 18/QĐ-UBND chấp thuận Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long là nhà đầu tư thực hiện dự án nói trên.

Doanh nghiệp thực hiện dự án Khu đô thị Bàu Giang có mã số doanh nghiệp: 2500583924 do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đăng ký lần đầu ngày 24/5/2017, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 23/3/2022. Có địa chỉ tại tỉnh lộ 304, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án Khu đô thị Bàu Giang được yêu cầu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong quý I/2023-quý II/2023, hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, thủ tục xây dựng và đầu tư xây dựng dự án, đưa công trình vào hoạt động từ quý II/2023 - quý IV/2028. Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn bám sát theo tiến độ thực hiện dự án.

Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long phải thành lập doanh nghiệp dự án tại Quảng Ngãi như cam kết tại hồ sơ chấp thuận nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đồng thời, khẩn trương thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, đất đai, tiêu thoát lũ, an toàn lao động và các quy định khác có liên quan theo quy định; thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án.

(tổng hợp)