📞

Bất động sản mới nhất: Quả bóng ‘không có khả năng phình to và vỡ’, nghịch lý giá tăng dù ế ẩm, Hà Nội ra quyết định liên quan KĐT Thanh Hà

Hải An 08:30 | 12/11/2022
Thị trường “khó khăn toàn tập”, thiếu nguồn cung trầm trọng; không bán được hàng nhưng giá vẫn tăng tới 10%, Hà Nội dừng điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 10/2022 có tổng cộng 1.267 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới được cung cấp ra thị trường.

Không đủ nguồn cung để tạo bong bóng

Ông Đỗ Quý Duy - người sáng lập câu lạc bộ Nhà đầu tư BĐS NAC, thừa nhận, thị trường BĐS hiện nay được đánh giá là "khó khăn toàn tập" so với nhiều năm qua. Không chỉ khó khăn từ nguồn cung, thanh khoản, mà ở cả giá bán. Lực lượng lao động, nhà thầu tham gia vào thị trường cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trước những lo ngại thị trường đang có dấu hiệu lặp lại tình trạng "đóng băng" và phải giải quyết trong thời gian dài như chu kỳ 10 năm trước, ông Duy cho rằng, thị trường hiện tại có những điểm giống và cũng có những điểm khác so với giai đoạn 2010-2012.

Về điểm khác, theo ông Duy, thời điểm đó, nền kinh tế của Việt Nam đang bước đầu "làm quen" với thị trường chứng khoán cũng như là BĐS. Nguồn cung của thị trường cũng rất nhiều.

"Trong khi đó, nhu cầu thị trường lúc đó, ngoại trừ nhu cầu ở, thì phần lớn là nhu cầu đầu tư và đầu tư ngắn hạn. Điều này khiến giá BĐS tăng nhanh, quả bong bóng được bơm nhanh và bơm căng to hơn bây giờ rất nhiều", ông Duy chia sẻ.

Trở lại câu chuyện thị trường hiện tại, theo ông Duy, trong 3 năm qua, Chính phủ đã có sự rà soát chặt chẽ trong việc thanh tra pháp lý các dự án, dẫn tới nguồn cung khan hiếm. Ví dụ năm 2020, cả Hà Nội và TPHCM, mỗi thị trường không vượt quá 10 dự án được chào bán mới và số lượng hàng hóa được tung ra không vượt quá 10.000 căn.

Điểm cốt lõi giữa thị trường BĐS giai đoạn trước đây và hiện tại chính là nguồn cung hàng hóa không đủ để tạo ra hiện tượng bong bóng.

"Tại Hà Nội và TPHCM, mỗi năm dân số tăng trưởng khoảng 500.000-700.000 người, cá biệt có những năm lên đến triệu người. Vậy nhưng nguồn cung chỉ dưới 10.000 căn/năm thì cung cầu đang lệch pha rất nhiều, khiến “quả bóng” BĐS không lớn, không có khả năng phình to và vỡ", ông Duy nhấn mạnh thêm.

Ế ẩm nhưng giá BĐS nghỉ dưỡng vẫn cao

Theo Tienphong, báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 10 có tổng cộng 1.267 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng mới được cung cấp ra thị trường. Dù thanh khoản chững lại ở mức thấp, giá bán sơ cấp vẫn ghi nhận tăng so với giai đoạn mở bán trước.

Trong đó, với phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, trong tổng số 9 dự án mở bán sản phẩm mới trong tháng, có tới 3 dự án không phát sinh giao dịch. Sức cầu thị trường giảm đáng kể, tỷ lệ tiêu thụ chỉ ở mức 15%- thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, mức giá bán sơ cấp vẫn tăng so với tháng trước, dao động từ 9-10%. Nhiều dự án được các chủ đầu tư chiết khấu lên đến 30-40% cũng như ban hành các chính sách cam kết mua lại, thuê lại... nhằm kích cầu thị trường ở thời điểm hiện tại.

Do đó, DKRA dự đoán, giá bán sơ cấp sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trong các tháng cuối năm do chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất tăng cao.

Với phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, sức cầu thị trường ở mức rất thấp, hầu hết các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, lượng hàng tồn kho nhiều. Tuy nhiên, mặt bằng giá sơ cấp vẫn tăng 5-9% so với giai đoạn mở bán trước đó (cách 1-2 tháng).

Còn với condotel, tỷ lệ tiêu thụ tháng 10 chỉ đạt 16% trong tổng số 554 căn mới. Lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, lượng tin rao sụt giảm mạnh so với tháng trước.

Mặt bằng giá sơ cấp tăng 1-3% so với giai đoạn mở bán trước đó 1-2 tháng. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ kèm theo các chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết lợi nhuận... của chủ đầu tư nhằm hỗ trợ khách hàng giữa bối cảnh khó khăn của thị trường.

DAKA nhận định, BĐS nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc có dấu hiệu bị ảnh hưởng lớn nhất trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện tại. Bởi lẽ, khách hàng đang rất khó khăn trong việc huy động vốn ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu lún sâu vào lạm phát nên việc đầu tư lúc này đối với nhiều khách hàng là quá mạo hiểm và rủi ro...

Dừng điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội

Sau gần hai năm ra quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng của chủ đầu tư là Công ty Địa ốc Cienco5 sang một chủ đầu tư khác, thuộc các quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, ngày 7/11, UBND TP. Hà Nội bất ngờ ra quyết định tạm dừng quyết định này.

Theo Quyết định số 4301 của UBND TP. Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký ban hành, Hà Nội sẽ tạm dừng thực hiện Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/72008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Lý do được UBND thành phố đưa ra là do Sở Tài Nguyên và Môi Trường sau khi rà soát và báo cáo theo kiến nghị của Thanh tra thành phố về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.

Trước đó, ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, cựu phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Công văn số 5269 với nội dung điều chỉnh lại tên người sử dụng đất tại các Khu đô thị Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng, cho một chủ đầu tư khác.

Chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Cienco5 sau đó đã có đơn kêu cứu khẩn cấp và khiếu nại về Quyết định 5269 gửi các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương.

UBND TP. Hà Nội sau đó đã quyết định lập Đoàn thanh tra để kiểm tra và rà soát tổng thể Dự án. Tại Kết luận Thanh tra số 3271/BC-TTTP-P2 ngày 24/8/2022 của Thanh tra thành phố cũng nêu rõ nhiều tồn tại, hạn chế.

Qua đó, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố, các Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến các cơ quan Trung ương, Tổng cục An ninh, Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến Dự án BT đường trục phía Nam. Đồng thời, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND Thành phố tạm dừng Quyết định 5269/QĐ-UBND.

Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha). Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ được triển khai từ năm 2008, đến nay, mới thi công được 19,9km, đạt được khoảng gần 50% khối lượng dự án BT theo hợp đồng đã ký (Khối lượng này do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) trực tiếp bỏ vốn đầu tư.

Dự án Đường trục phía Nam đã chậm hơn 9 năm so với thời gian thực hiện dự án theo Hợp đồng.

Hà Nội: Thời hạn cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong 7 ngày làm việc. (Nguồn: ĐT)

Hà Nội cấp đổi “sổ đỏ” trong 7 ngày

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4135 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có thời hạn giải quyết là 7 ngày làm việc.

Theo quyết định, UBND Thành phố Hà Nội công bố danh mục 35 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh.

Trong đó, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quy định, thời hạn giải quyết đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất trong 30 ngày làm việc.

Thời hạn cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong 7 ngày làm việc.

UBND thành phố cũng công bố danh mục 15 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; áp dụng đối với cá nhân. Trong đó, quy định thời hạn giải quyết đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu trong 20 ngày làm việc.

Thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng lần đầu trong 20 ngày làm việc.

UBND thành phố công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân. Cụ thể, thời hạn giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai trong 45 ngày làm việc.

Quyết định 4135 của UBND TP. Hà Nội có hiệu lực từ ngày 31/10/2022 và thay thế cho Quyết định số 3632 ngày 18/8/2020 và Quyết định số 3542 ngày 12/6/2017.

(tổng hợp)