📞

Bất động sản mới nhất: Quảng Ninh xử lý nghiêm chiêu trò ‘thổi giá’, siết tín dụng để lành mạnh hóa thị trường, quy định cấp đất tái định cư

Hải An 08:07 | 19/04/2022
Kiểm soát chặt tín dụng địa ốc nhằm hạn chế rủi ro, Quảng Ninh ngăn tình trạng mua bán và nâng giá đất, thông tin cần biết về cấp đất tái định cư khi thu hồi đất... là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Việc kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nưa nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. (Nguồn: Vietnam+)

Kiểm soát chặt tín dụng BĐS nhằm hạn chế rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt tín dụng BĐS là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng BĐS.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào BĐS nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn.

Theo ông Đào Minh Tú, năm nay sẽ không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng cả nền kinh tế; trong đó, có 65% dư nợ tín dụng BĐS là vay mua nhà, sửa nhà.

Theo ông Lực, hai năm vừa qua, tận dụng lãi suất rẻ, người dân tăng mua nhà, sửa nhà, đầu tư nhà đất, với tín dụng cho vay mua, sửa nhà tăng 15-16%, cho vay kinh doanh BĐS tăng 7-8%. Năm nay dự kiến tăng trưởng tín dụng BĐS từ 9-10%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết lại tín dụng BĐS là việc cần làm để lành mạnh hóa thị trường BĐS, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

Theo NHNN, trong 3 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực BĐS giảm về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, tín dụng đổ vào BĐS giảm từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS duy trì khoảng 12%.

Tại một văn bản mới đây, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN.

Theo đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo NHNN khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Mộ số ngân hàng thương mại cũng đã có văn bản tạm dừng giải ngân các khoản cho vay đối với lĩnh vực BĐS, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

Ngăn tình trạng mua bán và nâng giá đất

Theo Tienphong, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS, việc tổ chức đấu giá đất, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, quản lý thị trường BĐS, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS; kiềm chế ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất.

Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất, công tác kiểm tra, rà soát quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của UBND các địa phương và tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý toàn diện (về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhà ở, BĐS…) đối với các dự án BĐS triển khai trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên, tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS; xử lý nghiêm các cá nhân, chủ đầu tư dự án để xảy ra tình trạng quảng cáo sai sự thật, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, liên kết với các đối tượng “cò đất” thuộc các sàn, văn phòng giao dịch BĐS làm các chiêu trò “mua đi bán lại”, “thổi giá”, gây sốt ảo nhằm mục đích đẩy giá BĐS của dự án lên cao…

Quảng Nam rà soát công tác đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, các đơn vị địa phương chủ động rà soát công tác tổ chức đấu giá tại đơn vị nhất là đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật, nhất là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư có giá trị lớn, vị trí thuận lợi, “tiềm năng” đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, không để xảy ra hành vi trục lợi, lợi dụng việc đấu giá quyền sử dụng đất gây mất ổn định thị trường.

Đối với đấu giá quyền sử dụng đất, việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất để đưa ra đấu giá, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và sát với giá thị trường; rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.

Rà soát các khu đất đấu giá đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, BĐS, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, đề xuất giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực, làm loạn thị trường.

Quy định về cấp đất tái định cư khi thu hồi đất

Luật Đất đai có quy định rất cụ thể về việc cấp đất tái định cư khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất.

Quy định về cấp đất tái định cư khi thu hồi đất ở. (Nguồn: Reatimes)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai quy định bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở:

“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau:

Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền”.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã quy định:

“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:

Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư”.

(tổng hợp)