📞

Bất động sản mới nhất: Quay ngược 180 độ-đất đấu giá ế ẩm, thận trọng ‘bắt đáy’ khi thị trường hạ nhiệt, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay

Hải An 09:32 | 18/10/2022
Đất đấu giá giảm sức hấp dẫn, tiếp tục chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, thị trường có dấu hiệu ‘hạ sốt’, lưu ý gì khi muốn ‘bắt đáy’?… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III vừa công bố của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy thị trường vẫn mất cân đối nguồn cung. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Đất đấu giá ở nhiều địa phương bị ế

Trong năm 2020-2021 và giữa năm nay, nhiều phiên đấu giá đất ở không ít địa phương đều đạt mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Nhưng đến nay, khi thị trường BĐS chững lại, các phiên đấu giá cũng trở nên kém hấp dẫn hơn, thậm chí nhiều tỉnh có hiện tượng ế khách.

Mới đây, tại Bắc Giang, kết thúc phiên đấu giá quyền sử dụng 118 thửa đất ở thuộc khu dân cư tại các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động, chỉ 85 thửa đất có khách hàng trả giá với mức trúng hơn 200 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm gần 59,5 tỷ đồng.

Còn lại 32 thửa đất không có khách hàng trả giá và 1 thửa đất có người trả giá nhưng không đủ điều kiện. Do đó, các thửa đất này sẽ lại được đưa vào đấu giá thời gian tới.

Trước đó, phiên đấu giá 90 thửa đất ở tại Khu đô thị Đồng Chủ - Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng cũng có một thửa không có khách trả giá, còn lại 89 thửa đất có khách hàng trả giá với tổng giá trúng 152 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm 32 tỷ đồng.

Thửa đất có giá trúng cao nhất là gần 2,94 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với giá khởi điểm. Trong đó, thửa có mức chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm là hơn 880 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại Hà Nội - địa phương có nhiều phiên đấu giá đất được nhà đầu tư trả cao gấp 5 lần so với giá khởi điểm, từ tháng 8 vừa qua, các phiên đấu giá ở các huyện Mê Linh, Đông Anh không còn ghi nhận mức trả giá cao, có phiên đấu giá ế không có khách trả giá.

Bên cạnh đó, tình trạng người đấu giá không đóng tiền dẫn tới phải hủy kết quả đấu giá cũng diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây tại nhiều địa phương.

Tại Hải Dương, tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 9, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền hủy gần 135 tỷ đồng.

Nguyên nhân là khách hàng đã trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Do đó, huyện Kim Thành đã hoàn tất các thủ tục theo quy định, lựa chọn đơn vị để tổ chức thực hiện đấu giá lại.

Tương tự, cuối tháng 8, UBND TP Pleiku đã hủy kết quả trúng đấu giá đối với 11 người đấu trúng 29 lô trong đợt đấu giá 104 thửa đất tại khu quy hoạch chi tiết khu dân cư phường Chi Lăng hồi tháng 3 vì không nộp tổng số tiền 30 tỷ đồng theo quy định.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho rằng, chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn mới.

"Việc giá đất đấu giá tăng nhưng chưa nộp hết tiền sang tên thì chưa thể cho là giao dịch thành công để thiết lập mặt bằng giá mới trong khu vực. Thời gian qua, câu chuyện đấu giá đất trả cao nhằm kích giá khu vực đã diễn ra nhiều, cuối cùng thì lại bỏ cọc. Tôi cho rằng, ở đây có dấu hiệu tăng giá ảo khi giao dịch không có nhưng giá vẫn tăng", ông Điệp nói.

Thận trọng "bắt đáy"

Trong bối cảnh thị trường kém thanh khoản, giá BĐS có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở nhiều phân khúc từng "sốt nóng" như đất nền, nhà liền kề, biệt thự có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính.

Báo cáo thị trường BĐS quý III vừa công bố của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy thị trường BĐS vẫn mất cân đối nguồn cung. Bên cạnh đó, thanh khoản toàn thị trường kém, có nhiều phân khúc BĐS đã giảm giá.

Thị trường hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đã có động thái chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để "bắt đáy" khi thị trường hạ nhiệt, rơi vào trầm lắng. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo rằng việc này cần nghiên cứu kĩ lưỡng và hết sức thận trọng.

Theo ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá bán BĐS trên thị trường thứ cấp ghi nhận sự sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư dự án hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm BĐS có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ.

Ông Lâm cho rằng, căn cơ xảy ra tình trạng sụt giảm cục bộ là do lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đồng thời, khi "sốt đất", BĐS ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng bị đẩy lên quá cao. Nên khi các quy hoạch này không được thực hiện sẽ làm giá nhà, đất ở các khu vực này sụt giảm mạnh, khiến thị trường gần như mất thanh khoản sau khi cơn "sốt đất" đi qua.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, việc giảm giá này sẽ không đại diện cho toàn thị trường mà chỉ ở một số khu vực cục bộ, ở những điểm "sốt nóng" trước đây.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng khẳng định thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng "sốt đất", "bong bóng" gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.

"Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực", ông Đính nhấn mạnh.

Bộ Xây dựng cân nhắc thận trọng quy định áp thời hạn sở hữu chung cư

Đề xuất của Bộ Xây dựng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ theo thời hạn sử dụng công trình được dư luận rất quan tâm và đã nhận được nhiều ý kiến.

Bộ Xây dựng khẳng định sẽ cân nhắc thận trọng, đảm bảo hợp hiến, tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch của Nghị quyết số 50/2022/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.

Lào Cai chấn chỉnh hành vi mua bán BĐS trao tay

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị liên quan, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường BĐS.

Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản về việc thúc đẩy thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Một lô đất ở huyện Sa Pa (Lào Cai) không có sổ đỏ đang được rao bán (Ảnh: D.N)

Theo UBND tỉnh, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông... có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi, bán lại BĐS.

Những hoạt động này đã gây "sốt ảo", có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường BĐS của tỉnh cũng như mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Để thúc đẩy thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; công khai minh bạch thông tin quy hoạch các dự án; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, trong đó xác định rõ danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn tỉnh; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai, kịp thời xử lý; bổ sung quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" BĐS trên địa bàn.

Đồng thời, các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về kinh doanh BĐS, xây dựng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường BĐS.

Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai phải có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Thực hiện giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BĐS, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.