Bất động sản mới nhất: Thủ tướng chốt lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm. (Nguồn: VNN) |
Thủ tướng chốt lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 486 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 100 là 4,8%/năm.
Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.
Trước đó, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Đã đăng ký sử dụng đất, hơn 560 dự án ở TP.HCM vẫn ‘bất động’
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất kỳ trước đến năm 2020 trên địa bàn TP.HCM như sau: 6 chỉ tiêu không thực hiện hết kế hoạch cho phép giảm; 2 chỉ tiêu thực hiện vượt; 12 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 100%; 2 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 70%; các chỉ tiêu còn lại đạt dưới 50%.
Về sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020, TP.HCM được duyệt chỉ tiêu 88.000ha nhưng kết quả vẫn còn gần 23.000ha chưa thực hiện. Đối vối sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ tiêu phê duyệt là 118.890ha nhưng TP.HCM chỉ thực hiện được 96.643ha, đạt 81,28%.
Ngoài ra, TP.HCM được giao đến năm 2020 phải kéo giảm diện tích đất chưa sử dụng xuống còn 309ha. Tuy vậy, đến hết kỳ, tại TP.HCM vẫn còn 1.031ha đất chưa sử dụng.
Sau 5 năm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, Sở TN&MT TP.HCM cho biết kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của Thành phố có những tồn tại.
Quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và địa phương đã đăng ký. Đến năm 2020, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn 562 công trình, dự án đã đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện.
Trong đó: 117 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 73 dự án phát triển đô thị; 31 dự án công nghiệp; 29 dự án giáo dục; 18 dự án thương mại, dịch vụ…
TP.HCM không đạt các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất còn có nguyên nhân từ việc thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành có sử dụng đất.
Về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, Sở TN&MT TP.HCM trình chỉ tiêu phân bổ 102.191ha đất nông nghiệp, 106.750ha đất phi nông nghiệp và 598ha đất chưa sử dụng.
Đối với kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, TP.HCM đặt chỉ tiêu chuyển 9.867ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng 4.480ha đất trong nội bộ đất nông nghiệp; chuyển 684ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở.
Gần 200 lô đất sắp đấu giá, khởi điểm cao nhất 16,5 triệu đồng/m2
Hàng trăm lô đất ở Bình Định, Nghệ An sẽ tổ chức đấu giá từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 tới đây. Giá khởi điểm thấp nhất từ 5 triệu đồng/m2 và cao nhất là 16,5 triệu đồng/m2.
Bình Định sắp tổ chức 4 phiên đấu giá 153 lô đất vào các ngày 16/6, 23/6, 30/6 và 7/7.
Cụ thể, Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Thắng thông báo tổ chức bán đấu giá 153 lô đất khu dân cư Đông Bắc Phước Hòa tại xã Phước Hòa và Phước Thắng của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Tin liên quan |
Mất nguồn cung khí đốt từ Nga, EU loay hoay tìm hàng khắp thế giới, cơ chế mua chung có còn bị ‘đắp chiếu’? |
153 lô đất tại Khu dân cư Đông Bắc Phước Hòa có tổng diện tích 18.068,1 m2; tổng giá khởi điểm là 133,759 tỷ đồng. Giá khởi điểm trên chưa bao gồm các loại thuế, phí. Người trúng đấu giá có nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ, các loại thuế, phí sau khi trúng đấu giá và các khoản tài chính khác có liên quan theo quy định hiện hành.
Theo đó, phiên đấu giá thứ nhất sẽ tổ chức vào ngày 16/6. Tổng cộng 35 lô đất ở gồm 27 lô tại khu DC 5 và 8 lô (từ lô số 25 đến lô số 32) tại khu DC 6, xã Phước Hòa. Các lô có diện tích từ 94,6 – 136,6 m2. Giá khởi điểm từ 5 – 10,8 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá thứ hai vào ngày 23/6. Tổng cộng 38 lô đất ở tại khu DC 6 (từ lô số 01 đến lô số 24 và từ lô số 33 đến lô số 46) cũng ở xã Phước Hòa. Diện tích các lô từ 94,6 – 148m2. Giá khởi điểm từ 6,5 – 8,4 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá thứ ba có tổng cộng 40 lô đất ở gồm 30 lô tại khu DC 1 và 10 lô (từ lô số 14 đến lô số 23) tại khu DC 8, xã Phước Hòa, tổ chức ngày 30/6. Các lô đất có giá khởi điểm từ 7 – 10,8 triệu đồng/m2. Diện tích các lô từ 94,6 – 150m2.
Phiên đấu giá thứ tư diễn ra ngày 7/7 sẽ đấu giá 40 lô đất ở gồm 13 lô tại khu DC 8 (từ lô số 1 đến lô số 13) và 27 lô tại khu DC 9, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Các lô có diện tích từ 150 – 243,4m2. Giá khởi điểm từ 7 – 9,6 triệu đồng/m2.
Tất cả 4 phiên đấu giá trên đều tổ chức tại hội trường Nhà văn hóa xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hình thức đấu giá kết hợp giữa đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.
Tại Nghệ An, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản Nghệ An cũng thông báo đấu giá 32 lô đất của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Cửa Lò vào ngày 30/5 tới.
Theo đó, 14 lô đất nằm ở vùng quy hoạch vị trí 5, khối Hiếu Hạp, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Các lô đất có diện tích hơn 163 – 183m2. Giá khởi điểm từ 13 – 16,5 triệu đồng/m2.
18 lô đất tại các vùng quy hoạch đường ngang số 21 - 22, khối Hải Bằng 2, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Các lô đất có giá khởi điểm 13,5 triệu đồng/m2. Diện tích các lô đều trên 200m2.
Phương thức, hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp theo phương thức trả giá lên. Địa điểm đấu giá tại hội trường Ngân hàng Agribank Cửa Lò, đường Hoàng Văn Tám, Khối Vĩnh Tân, phường Nghi Hương, thị xã Cửa lò.
Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình lên Quốc hội, Chính phủ đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm. Bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026. (Nguồn: AQC) |
Chính phủ bỏ khung giá đất, sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026
Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình lên Quốc hội, Chính phủ đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm. Bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 11/5.
Thẩm tra về nội dung định giá đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đã quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường.
Sau khi xin ý kiến nhân dân, dự thảo Luật mới nhất được chỉnh sửa, bổ sung thành "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường".
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc quy định phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo, làm rõ và đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định này, trong đó lưu ý đánh giá tác động kinh tế - xã hội đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất cũng được cơ quan thẩm tra yêu cầu làm rõ.
Để bảo đảm tính công khai, minh bạch khi định giá đất, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật về các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan bảng giá đất, tờ trình mới nhất của Chính phủ bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Theo phương án của Chính phủ, bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026.
Trong Thường trực Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến cho rằng ban hành bảng giá đất hàng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, thời gian và nhân lực khi không có biến động về giá đất. Bên cạnh đó, không phải tất cả các loại đất, khu vực nào cũng có biến động về giá, với những khu vực có giá đất tăng cao sẽ không được điều chỉnh kịp thời.
Các ý kiến này đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định 2-3 năm ban hành bảng giá đất và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị sau ngày 1/1/2026 xây dựng bảng giá đất ban đầu, hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi khi xây dựng Bảng giá đất hàng năm để áp dụng từ ngày 1/1/2026. Trường hợp đến ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hàng năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa - những nơi khó xây dựng trường dữ liệu đầu vào.
Dự án luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới.
| Giá tiêu hôm nay 12/5/2023, tiếp tục tăng mạnh, điểm danh 5 thị trường hàng đầu của hồ tiêu Việt tại Đông Nam Á Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 74.000 – ... |
| Bất động sản mới nhất: Nguồn cung, sức mua chung cư Hà Nội giảm, triển khai 400 dự án nhà ở xã hội, giấy tờ cần khi thừa kế nhà đất Cả nước đang triển khai 400 dự án nhà ở xã hội, nguồn cung và thanh khoản chung cư Hà Nội giảm, đấu giá hàng ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/5): ‘Soi’ tổng tiền trong Quỹ phúc lợi quốc gia Nga, EU có bước đi lịch sử với khí đốt, Trung Quốc ‘thoát’ công nghệ Mỹ EU mời đấu thầu cung cấp khí đốt, Moscow bán vàng và Nhân dân tệ dự trữ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng ... |
| Mất nguồn cung khí đốt từ Nga, EU loay hoay tìm hàng khắp thế giới, cơ chế mua chung có còn bị ‘đắp chiếu’? Việc mua chung có thể giúp những người mua có được vị trí thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu nhu cầu về khí đốt cao ... |
| ASEAN 42: Nhất trí thành lập Mạng lưới làng khu vực, thúc đẩy chuyển dịch nông thôn Hội nghị cấp cao ASEAN 42 diễn ra tại Labuan Bajo, Indonesia, từ 9-11/5, đã thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ... |