📞

Bất động sản mới nhất: Số vốn rất lớn đang nằm trong đất, Hà Nội lại đấu giá đất nền, quy định mới về cán bộ cấp sổ đỏ

Hải An 08:39 | 07/02/2023
Nhiều huyện tại Hà Nôi tổ chức đấu giá đất ngay sau Tết Nguyên đán, đề xuất bổ sung quy định về giao dịch qua sàn, Ngân hàng Nhà nước họp khẩn về tín dụng địa ốc… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bộ Xây dựng đánh giá, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng thực hiện dự án. (Nguồn: ĐT)

Ngoại thành Hà Nội rầm rộ đấu giá đất sau Tết

Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã thông báo đấu giá quyền sử dụng đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai và Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Cụ thể, 18 thửa đất ở tại các khu LK1, LK2, LK5 và S2 - ĐG 06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai được đấu giá có diện tích mỗi thửa từ 75m2 đến 142,9m2, với giá khởi điểm từ 44,2 triệu đồng/m2 đến 49,7 triệu đồng/m2. Hình thức sử dụng các thửa đất là sử dụng riêng với thời hạn sử dụng ổn định lâu dài.

Buổi đấu giá được tổ chức vào 8h30 ngày 25/2, dự kiến tại hội trường Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Quốc Oai.

Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, 20 thửa đất trong khu Hương Nam, xã Xuân Phú và 17 thửa đất thuộc TT5 tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc với diện tích từ 99,2m2 đến 249,7m2 mỗi thửa cũng được dự kiến đưa ra đấu giá vào ngày 20/2 tới.

Theo đó, 37 thửa đất tại huyện Phúc Thọ được đấu giá đợt này có mức giá khởi điểm từ 17,5 triệu đồng/m2 đến 24,8 triệu đồng/m2. Mục đích sử dụng của các thửa đất là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài.

Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia mới đây cũng thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 63 thửa đất ở nông thôn tại khu trục đường N1, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Các thửa đất với diện tích từ 61,9m2 đến 80m2 mỗi thửa, có giá khởi điểm từ 44 triệu đồng/m2 đến 51 triệu đồng/m2.

Trước đó, vào những tháng cuối năm 2022, dù thị trường BĐS cuối năm rơi vào trầm lắng, nhưng nhiều huyện vùng ven trung tâm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên đấu giá.

Đơn cử, tại huyện Sóc Sơn, đấu giá đất đối với quyền sử dụng 37 thửa đất để xây dựng nhà ở tại khu đất đấu giá quyền sử dụng đất số 1 thôn Hương Đình, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Diện tích các thửa đất từ 95m2 đến 149m2 có mục đích sử dụng là đất ở được đấu giá với giá khởi điểm từ 26,8 triệu đồng/m2 đến 31,6 triệu đồng/m2.

Hay, tại huyện Đan Phượng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá đất đối với 88 thửa đất tại khu Cây Sung Trong 5, xã Song Phượng; khu Đệ Nhị 2, xã Phương Đình; khu Đồng Sậy - Trẫm Sau, xã Đan Phượng và khu trục đường N1, xã Hạ Mỗ. Giá khởi điểm các lô đất đấu giá từ 34 triệu đồng/m2 đến 54 triệu đồng/m2.

Ngân hàng Nhà nước họp khẩn về tín dụng BĐS

Chiều 6/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp với một số tổ chức tín dụng để nghe báo cáo về tình hình cho vay BĐS.

Cuộc họp nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải xác định khó khăn của thị trường BĐS là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác, như trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng "chốt" trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Bộ Xây dựng đánh giá, doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng thực hiện dự án. Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Theo Bộ Xây dựng, từ cuối năm 2022 và trong năm nay, một số doanh nghiệp địa ốc sẽ phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Thống kê chưa đầy đủ từ báo cáo tài chính năm của các công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho là quỹ đất và các dự án xây dựng dở dang lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, tăng rất mạnh so với trước đó. Điều này có nghĩa số vốn rất lớn đang nằm trong đất nhưng doanh nghiệp lại không xoay được tiền để triển khai tiếp.

Trong báo cáo nhà ở và thị trường BĐS quý IV/2022 và cả năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS gần 800.000 tỷ đồng.

HoREA đề xuất bổ sung quy định về BĐS giao dịch qua sàn

Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Theo đó, HoREA hoan nghênh Bộ Xây dựng đã cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý và đã sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

HoRE đề xuất bổ sung quy định về giao dịch BĐS phải thông qua sàn. (Nguồn: NHNN)

HoREA cho rằng, các quy định trên phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 yêu cầu “Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt” phù hợp với thực tiễn so với các Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trước đây.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất bổ sung quy định về giao dịch BĐS phải thông qua sàn. Cụ thể, Hiệp hội hoan nghênh khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định “1. Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS” đã hợp lý hơn.

Nhưng, HoREA nhận thấy rất cần thiết bổ sung trường hợp cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện hoặc liên kết, hợp tác với “đầu nậu”, doanh nghiệp BĐS để phân lô, bán nền phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS đối với trường hợp giao dịch với người không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo và các cơn “sốt đất” như đã xảy ra trong thời gian qua.

Đơn vị trên hoan nghênh Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại khoản 2 Điều 65 quy định “2. Các cá nhân hoạt động môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và phải hành nghề trong một sàn giao dịch BĐS hoặc tổ chức môi giới” và khoản 1 Điều 58 quy định “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ Sàn giao dịch BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp”.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 60 quy định “1. Sàn giao dịch BĐS sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 58 của Luật này phải gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Xây dựng nơi có trụ sở của Sàn giao dịch để được cấp Giấy phép đăng ký hoạt động”, có nghĩa là bên cạnh các “doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Sàn giao dịch BĐS” chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị cũng có thể đăng ký hoạt động Sàn giao dịch BĐS nếu hội đủ điều kiện.

Trên cơ sở đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), cụ thể: “1. Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS hoặc đất nền phân lô của cá nhân, hộ gia đình được tách thửa đất mà một bên giao dịch là người không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS”.

Từ 6/2, cán bộ cấp 'sổ đỏ' bắt buộc phải chuyển đổi công tác định kỳ

Theo Thông tư 21/2022/TT-BTNMT, từ ngày 6/2/2023, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc từ đủ 2-5 năm phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Các vị trí phải chuyển đổi công tác định kỳ gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; Cấp giấy phép thăm dò, khảo sát, khai thác khoáng sản;

Cấp, cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường về xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất thải rắn theo quy định; thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

Cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Xử lý hồ sơ giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Giao hạn mức đất; quản lý việc áp dụng bồi thường, xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng bồi thường, được hỗ trợ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng; Xử lý vi phạm về môi trường.

Đối với các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 59/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 59/2014.

Các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 59/2014 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

(tổng hợp)