Bất động sản mới nhất. Đất nền không còn là 'gà đẻ trứng vàng'. (Ảnh: Đ.V) |
‘Sống dở chết dở’, khách sạn, nhà nghỉ 'bẻ lái' sang cho thuê phòng trọ
Theo Tiền phong, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến cho các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”, giảm doanh thu vì ít khách hàng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để tồn tại.
Chị Đỗ Trà Giang (chủ một khách sạn tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là một thách thức, vì đây là một hướng phát triển hoàn toàn mới, lợi nhuận có thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch nhưng nó mang lại sự ổn định để vượt qua được đại dịch. Gia đình chúng tôi vẫn đang đợi ổn định để mở lại khách sạn như trước đây”.
Để thu hút khách trong mùa dịch, nhiều chủ khách sạn đã có một số hướng đi riêng nhằm cải thiện tình trạng “ế ẩm” trong giai đoạn khó khăn này. Anh Vũ Hoàng Hoàng (chủ một khách sạn tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Khách sạn chuyển sang cho thuê trọ và để thu hút khách hàng, tôi đã sang sửa lại phòng, giảm giá sâu cho người thuê với mức giá bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng đi làm và đặc biệt tôi miễn phí phòng ở một tháng đầu tiên cho người thuê trong tình hình dịch bệnh này”.
Không chỉ khách sạn, nhà nghỉ của anh Nguyễn Văn Đông (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải cho thuê phòng trọ theo tháng như nhà trọ bình dân để tránh tình trạng ế ẩm như hiện nay.
“Qua đợt dịch thứ 4 này thì khách sạn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua tôi phải đi vay lãi để duy trì công việc kinh doanh của gia đình, vì hầu như không có doanh thu.
Nhưng dịch bệnh cứ kéo dài thế này thì vay mãi cũng không phải là cách hay, nên gia đình tôi đã chuyển đổi sang cho thuê trọ, cái tiện nhất chính là không phải đầu tư gì nhiều, vì đã đủ mọi vật dụng như giường, tủ, ti vi” - anh Đông chia sẻ thêm.
Ngoài chuyển đổi sang mô hình cho thuê trọ, có một số khách sạn còn chuyển sang kinh doanh thời trang. Quần áo được treo ngay trước cửa hàng để thu hút khách.
Lo tiền chảy ào ào vào BĐS
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.
Theo VAFI, mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (18-24/6): Nga 'ngó lơ' đồng USD; nhà tài trợ Trung Quốc áp đảo ở EURO 2021; EU thua kiện AstraZeneca |
Đề xuất này ngay sau đó nhận được sự quan tâm từ giới chuyên gia, dư luận. Không ít ý kiến cho rằng đây là đề xuất gây "sốc", rủi ro và không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất cũng đặt ra giả thiết nếu lãi suất hạ dần về 0% như VAFI đề xuất thì thị trường BĐS sẽ ra sao?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Đại học Tài chính, nhận định, Việt Nam vừa qua mới chỉ đưa lãi suất huy động về mức thấp thì mức tăng tiền gửi đã giảm. Tiền đã chảy ào ào sang BĐS, chứng khoán...
Theo ông, nếu đưa về lãi suất 0% hay âm, việc rút tiền gửi ồ ạt có thể xảy ra, nhiều ngân hàng sẽ "căng thẳng" trong việc huy động. "Một loạt hệ lụy khó lường về mất cân đối vĩ mô có thể xảy ra", ông Thịnh lo ngại.
Cũng theo chuyên gia này, một đặc tính người Việt là tích trữ để đáp ứng các khoản mua sắm lớn hoặc phòng lúc khó khăn. Do vậy, việc hạ lãi suất về 0% rất có thể chuyển sang tích trữ vàng hay USD.
TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) - cũng cho rằng khi lãi suất tiền gửi giảm về 0%, tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh như vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, "đốt nóng" thị trường tài chính và BĐS.
Đà Nẵng trình Thủ tướng phê duyệt 3 khu công nghiệp mới hơn 15.000 tỷ đồng
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn. Sau khi được phê duyệt, Ban Quản lý sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Cụ thể, 3 dự án KCN mới gồm: KCN Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có diện tích hơn 400 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 6.800 tỷ đồng; KCN Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với quy mô hơn 360 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 6.800 tỷ đồng; KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với quy mô hơn 120 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo đó, mục tiêu của các dự án này nhằm hình thành một khu công nghiệp mới có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hợp lý trong sản xuất, bố trí bến bãi, kho tàng, sử dụng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tham gia bảo vệ môi trường.
Đà Nẵng hiện có 6 KCN gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm và Khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160 ha.
Bất động sản mới nhất. Khu công nghiệp Hòa Cẩm, Đà Nẵng. (Nguồn: danang.gov.vn) |
Đất nền không còn là "con gà đẻ trứng vàng"
Ông David Jackson, chuyên gia BĐS của Colliers Việt Nam, chia sẻ, những năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đất nền cũng như nhiều phân khúc BĐS khác đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng tới, giao dịch đất nền sẽ khó có thể trở lại nhộn nhịp như trước đây.
Theo ông David Jackson, động lực quan trọng khiến phân khúc đất nền trở nên sôi động chính là cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, hiện nay, nhiều nguồn lực đang được tập trung để chống dịch. Một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã tạm ngừng thi công hoặc thi công không đạt như tiến độ đề ra.
"Trong tháng 5, chúng tôi ghi nhận lượng thông tin truy vấn về đất nền giảm từ 15 - 20% so với tháng trước đó. Mới chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện của TP. Hồ Chí Minh lên quận còn khiến đất nền tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ và Nhà Bè được tìm kiếm mạnh, nay lượng truy vấn đã giảm mạnh", ông David Jackson nói.
Vị chuyên gia cho biết, các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng ghi nhận thông tin tìm kiếm về đất nền giảm từ 10-12% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5. Trong số các tỉnh thành này, Long An đang ghi nhận có hiện tượng dư thừa nguồn cung đất nền.
Ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19, việc các môi giới BĐS lợi dụng thông tin quy hoạch sân bay, cầu cảng… để tạo "sóng ảo", thổi giá lên cao tại một số địa phương cũng khiến nhà đầu tư cảnh giác hơn. Chuyên gia này nhận định ngay cả khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, nhà đầu tư cũng không quá "vồ vập" và thận trọng hơn trước khi xuống tiền.
Thông tin tích cực từ chiến dịch tiêm ngừa vaccine trên diện rộng ở TP. Hồ Chí Minh sẽ là chất xúc tác quan trọng đối với sự hồi phục của thị trường. Dịch Covid-19 được khống chế sớm chừng nào, các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được tái khởi động lại sớm chừng ấy để tiếp tục là động lực chính yếu cho thị trường đất nền trở nên sôi động trong thời gian tới - chuyên gia nhận định.
Vinhomes thận trọng tìm quỹ đất
Do giá đất không phản ánh đúng thị trường, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Nguyễn Diệu Linh cho biết, doanh nghiệp sẽ thận trọng khi tìm kiếm quỹ đất.
Bất động sản mới nhất: Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Vinhomes. (Nguồn: VNE) |
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vinhomes sáng 25/6, ban lãnh đạo Vinhomes được cổ đông hỏi về rủi ro khi giá BĐS tăng.
Về vấn đề này, bà Diệu Linh cho biết, đây cũng là mối quan tâm của tất cả các nhà phát triển BĐS, không riêng Vinhomes. Từ đầu năm, giá đất tại một số vùng ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai... đã tăng nóng. Dù thị trường đến nay cơ bản được kiểm soát, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhà đầu tư vẫn có nhiều lo ngại giá đất có thể sốt trở lại.
"Chúng tôi cho rằng giá đất sốt ảo, do thị trường tự đẩy lên, còn thực tế không phải như vậy", bà Linh nói.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng Giám đốc Vinhomes nhấn mạnh: "Giá đất tăng ảo đã xảy ra nhưng sẽ không tồn tại lâu được". Theo ông, sau khi được Chính phủ, bộ ngành vào cuộc, tình trạng này đã được khắc phục.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vinhomes nhấn mạnh, doanh nghiệp đang "rất cẩn trọng trong việc tiếp cận đất".
Cách tiếp cận của doanh nghiệp trong mở rộng quỹ đất là không vì giá cao mà dừng lại nhưng cũng không "lao vào" những nơi đất đang sốt nóng.
"Vinhomes không ngừng tìm kiếm bổ sung vào quỹ đất công ty với giá hợp lý", bà Linh nói và nhấn mạnh chỗ nào đúng giá thị trường thì tham gia.