Chuyên gia nhận định, giá bất động sản năm 2021 đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch lớn. (Nguồn: DT) |
“Sóng” giá đất năm 2022 cao tới đâu?
Chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn song tình trạng sốt đất ở thời điểm hiện tại phần lớn vẫn là do nhóm đầu cơ tác động.
Tại Hộ nghị BĐS - VRES 2021 vừa diễn ra, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, lượng người quan tâm tìm kiếm thị trường đất nền cuối năm phục hồi tốt, tỷ lệ gần bằng với giai đoạn tháng 5 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.
Một câu hỏi đặt ra, liệu số lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch tăng lên có khiến xảy ra sóng sốt đất cuối năm nay, đầu năm sau không? Để trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ một số thông tin qua tập hợp dữ liệu từ chính trang tìm kiếm thông tin này.
Cụ thể, so với năm 2020, sự quan tâm đối với phân khúc đất nền năm nay tăng 19%; Đà Nẵng tăng 9%, trong khi TPHCM giảm 8%. Mức độ quan tâm tại các thị trường quanh khu vực Hà Nội tăng mạnh. Dòng tiền đang dịch chuyển tập trung ở miền Bắc.
So với năm trước, mức độ quan tâm đất nền tại thị trường Bắc Ninh tăng 41%, Hưng Yên tăng 45%, Hòa Bình tăng 53%, Thái Nguyên tăng 123%...
Đi kèm mức độ quan tâm, mặt bằng giá cũng có sự ảnh hưởng mạnh. Theo ông Quốc Anh, tốc độ tăng giá rao bán đất năm 2021 tăng đáng kể. Có những khu vực giá bán rao tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%...
Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.
Theo đánh giá của ông Quốc Anh, giá BĐS năm 2021 đã có sự thiết lập mặt bằng mới cao hơn, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch lớn.
Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua, khả năng năm 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.
Chuyên gia nhấn mạnh, "sóng" BĐS khó đứng yên, sẽ nhấp nhô nhưng biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau. Năm 2021 được đánh giá là biên độ tương đối lớn do quy hoạch, xuất hiện thông tin đồn thổi, thổi giá.
Tuy nhiên sang năm 2022, những vấn đề này kỳ vọng được kiểm soát tốt hơn. Trong khi đó các nhà đầu tư cũng ngày càng thông thái hơn…
Nhìn lại thị trường vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng các cơn sốt đất chủ yếu là do đầu cơ, thổi giá, gây tăng giá ảo. Mặc dù, không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn song tình trạng sốt đất ở thời điểm hiện tại phần lớn vẫn là do nhóm đầu cơ tác động.
BĐS công nghiệp Thanh Hóa trên đường trở thành “điểm nóng” mới ở phía Bắc
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, không chỉ ở phía Nam, xu hướng “ly tâm” của phân khúc BĐS công nghiệp cũng diễn ra ở miền Bắc. Với các lợi thế về quỹ đất, giá thuê, cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển, Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ trở thành địa điểm sôi động tiếp theo của BĐS công nghiệp tại khu vực.
Ngoài các thuận lợi về chính sách cùng với đà tăng trưởng kinh tế, lý do quan trọng khiến Thanh Hóa có lợi thế lớn về BĐS công nghiệp bao gồm quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt và liên tục được đầu tư phát triển.
Về cơ sở hạ tầng, địa phương này có quốc lộ 1A đi qua, cảng nước sâu Nghi Sơn hay sân bay Thọ Xuân (đã được quy hoạch là sân bay quốc tế). Đoạn cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ dự kiến được hoàn thiện trong năm 2022.
Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư 43 dự án giao thông với vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, đảm bảo việc di chuyển thuận lợi nhiều hơn nữa giữa các khu vực của địa phương có diện tích rộng và nhiều kiểu địa hình này.
Xét về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 11/2021, Thanh Hóa dẫn đầu khu vực miền Trung với 165 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD.
Thông tin Foxconn muốn chọn Thanh Hóa làm địa điểm đầu tư nhà máy có quy mô từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm, cũng là tín hiệu quan trọng cho thấy nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn đã bắt đầu có những động thái muốn đầu tư vào tỉnh Bắc Trung Bộ này.
Trong số này, còn phải kể đến Aeon Mall của Nhật Bản và dự kiến Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa sẽ được khởi công trong quý đầu tiên của năm 2022.
Ưu thế về giá cũng phải kể đến khi giá thuê trung bình BĐS KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê – mức rất hấp dẫn so với các địa phương sôi động về BĐS công nghiệp ở phía Bắc.
Theo đà phát triển, khi mà đất dành cho BĐS công nghiệp ở các tỉnh thành khu vực xung quanh Hà Nội ngày càng chật chội và giá có xu hướng tăng cao, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những tỉnh thành xa hơn và Thanh Hóa là lựa chọn phù hợp.
Bắc Giang công bố 32 dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở đủ điều kiện chuyển nhượng
Nhằm minh bạch hóa các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở trên địa bàn, hạn chế việc tăng giá đất ảo, Sở Xây dựng Bắc Giang vừa tiếp tục công bố 32 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở.
Cụ thể, 32 dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở gồm:
Ở thành phố Bắc Giang có: Khu đô thị Bách Việt Lake Garden, phường Dĩnh Kế; Khu đô thị mới Kosy, phường Xương Giang; Khu đô thị Đồng Cửa 2, phường Lê Lợi; Khu dân cư số 4 trên ĐT 295B xã Tân Mỹ; Khu số 6, 7 thuộc Khu đô thị phía Nam; Khu dân cư và chợ Cốc xã Dĩnh Trì; Khu dân cư mới cạnh ĐT 299, xã Dĩnh Trì; Khu đô thị mới phường Thọ Xương; Khu số 1 thuộc Khu đô thị mới cạnh Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn xã Dĩnh Trì; Dự án xây dựng khu nhà ở thương mại tại khu đất có vị trí A-LK36, A-LK38 thuộc Khu số 2, khu đô thị phía Nam; Tòa nhà chung cư hỗn hợp OCT8A Lô OCT5, OCT8A, đường Nguyễn Văn Cừ.
Tại huyện Việt Yên có: Khu B thuộc Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ thuộc xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh) và xã Hồng Thái; Khu dân cư thương mại Chợ Mới thị trấn Bích Động; Khu dân cư số 6 trên ĐT 295B xã Hồng Thái; Khu 4, Khu dân cư mới thị trấn Bích Động; Khu đô thị mới Đông Bắc, thị trấn Bích Động huyện Hiệp Hòa: Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Thắng; Khu dân cư mới số 3 thị trấn Thắng; Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Thắng.
Huyện Yên Thế: Khu 1 thuộc khu dân cư mới thị trấn Bố Hạ; Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ; Điểm dân cư nông thôn xã Tân Sỏi; Khu số 1 thuộc khu dân cư trung tâm xã Phồn Xương (nay là thị trấn Phồn Xương).
Huyện Tân Yên: Khu đô thị An Huy, thị trấn Cao Thượng; Khu dân cư mới Chợ Vồng, xã Song Vân. Huyện Yên Dũng: Khu đô thị mới tiểu khu 2,3 thị trấn Neo; Khu 1 khu dân cư Lạc Phú, xã Nham Sơn; Khu dân cư Lạc Phú 3, xã Cảnh Thụy. Huyện Lạng Giang: Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi; Khu dân cư thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa.
Huyện Lục Nam: Khu đô thị mới Đồng Cửa thị trấn Đồi Ngô; Khu dân cư số 2, làn 2 Quốc lộ 31, thị trấn Đồi Ngô.
Cũng theo Sở Xây dựng Bắc Giang, hiện có 5 dự án BĐS hình thành trong tương lai và 40 dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở. Người dân cần cẩn trọng khi giao dịch đối với các dự án này.
Tài sản gắn liền với đất được chứng nhận quyền sở hữu và được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. (Nguồn: BHD) |
4 tài sản gắn liền với đất được cấp sổ đỏ năm 2022
Theo Laodong, Khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 và Điều 31, 32, 33, 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, tài sản gắn liền với đất được chứng nhận quyền sở hữu và được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm: Nhà ở; Công trình xây dựng khác (công trình xây dựng không phải là nhà ở); Rừng sản xuất là rừng trồng; Cây lâu năm.
Điều kiện tài sản được chứng nhận quyền sở hữu
Đối với tài sản là nhà ở, theo Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu.
Đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở, thì theo Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, để được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở thì phải có các loại giấy tờ như: Giấy phép xây dựng, giấy tờ mua bán hoặc thừa kế hoặc tặng cho công trình xây dựng theo quy định pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực…
Đối với rừng sản xuất là rừng trồng, Điều 33 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mà vốn để trồng rừng, tiền đã trả để nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp cho Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách và có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 33 Nghị định này thì được chứng nhận quyền sở hữu.
Còn đối với cây lâu năm, điều kiện tài sản được chứng nhận quyền sở hữu phải có các giấy tờ theo quy định tại Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.