Báo cáo thị trường BĐS của Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự từ quý IV năm ngoái tới quý I năm nay thấp nhất trong nhiều năm qua. (Nguồn: Dân trí) |
Chủ đầu tư chờ thị trường tốt hơn
Theo báo cáo mới phát hành của công ty dịch vụ BĐS Cushman & Wakefield, thị trường nhà liền thổ (gồm nhà liền kề và biệt thự trong dự án), trong quý I không có nguồn cung mới nào gia nhập, ngay cả nguồn cung mới từ các dự án mở bán hiện có.
Trong khi đó, quý I năm nay tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về lượng tiêu thụ tại Hà Nội với 35 căn bán được, giảm 51% và 91% so với cùng kỳ quý trước và cùng kỳ năm trước.
Thực trạng trầm lắng của thị trường cho thấy cả chủ đầu tư và người mua đều e ngại trong việc giao dịch. Nguyên nhân là tác động tiêu cực của thắt chặt tín dụng, các vấn đề pháp lý và trái phiếu của các tập đoàn BĐS và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2023.
Giá trung bình nhà liền thổ của Hà Nội quý này giảm nhẹ xuống còn 7.471 USD/m2 (khoảng 175 triệu đồng/m2), giảm 2,7% theo quý và gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án hiện hữu quý này vẫn giữ nguyên giá bán và nguyên nhân của sự sụt giảm trong giá trung bình nhà liền thổ là các dự án cao cấp khóa bảng hàng.
Công ty dịch vụ BĐS này cho biết, hầu hết dự án liền thổ Hà Nội đều khóa bảng hàng để các chủ đầu tư chờ đợi một thị trường BĐS tốt hơn. Còn người mua ở thực và nhà đầu tư dài hạn giờ đây sẽ là trọng tâm chính của thị trường.
Trước đó, báo cáo thị trường BĐS của Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự từ quý IV năm ngoái tới quý I năm nay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Giá nhà ở và một số loại BĐS trong quý I năm nay có nhiều biến động. Đáng chú ý, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ gồm biệt thự, nhà liền kề và đất nền trong quý I này có xu hướng giảm so với quý trước.
Bộ Xây dựng cho biết, mức độ biến động giảm giá bình quân của một số dự án tại Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, biến động giá nhà ở riêng lẻ ở tại Hà Nội gồm khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) giảm khoảng 7,1% (xuống mức 159,5 triệu đồng/m2); Khai Sơn City (quận Long Biên) giảm khoảng 8,1% (xuống mức 167,2 triệu đồng/m2); An Khang Villa (quận Hà Đông) giảm khoảng 8,9% (xuống mức 122,9 triệu đồng/m2); Lan Viên Villa (huyện Gia Lâm) giảm khoảng 7,3% (xuống mức 80,4 triệu đồng/m2); khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) giảm khoảng 6,9% (xuống mức 90,1 triệu đồng/m2).
Còn theo JLL Việt Nam, nguồn cung thị trường nhà liền thổ gồm nhà liền kề, biệt thự tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn ngừng mở bán trong quý I năm nay. Bên cạnh nguồn cung mới giảm sâu, do tâm lý thị trường yếu kém cùng với các khó khăn trong vấn đề giải ngân khiến hoạt động giao dịch trong quý I của thị trường nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) gần như đóng băng.
Trong khi đó, một vài dự án lớn tạm thời ngừng giao dịch. Đáng chú ý, một vài dự án nhỏ và vừa chứng kiến nhiều giao dịch hoàn cọc hay trả hàng do ngân hàng siết chặt room tín dụng cho vay BĐS, khiến người mua không đủ khả năng chi trả. Điều này khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm.
Giá sơ cấp biệt thự giảm 14% theo quý xuống còn 111 triệu đồng/m2 đất, liền kề giảm 3% theo quý xuống 167 triệu đồng/m2 đất. Theo đơn vị nghiên cứu, sự sụt giảm này là do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế cũng như giá sơ cấp cao sẽ dẫn đến dịch chuyển nguồn cầu cho thị trường thứ cấp. Trong quý I năm nay, giá thứ cấp trung bình đạt mức 22 tỷ đồng/căn, thấp hơn 17% so với giá sơ cấp.
Theo ghi nhận, mặt bằng giá chung của nhà liền thổ tại thị trường Hà Nội vẫn neo ở mức cao. Cá biệt, tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, người mua gần như không có sự lựa chọn mới. Các dự án nhà ở, liền kề tại quận Thanh Xuân và Tây Hồ có giá lên tới 400 triệu đồng/m2 gần như không có giao dịch.
Tuy nhiên, dù có giá trị lớn, nhưng không ít nhà liền kề, biệt thự có giá trị lớn nhưng lại vắng người ở diễn ra khá nhiều ở các khu đô thị.
Quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai có thủ tục khá phức tạp và kéo dài, nhiều trường hợp người dân không thể tự mình viết đơn, thu thập chứng cứ, chứng minh và tranh tụng tại tòa để có cơ sở thắng kiện.
Đây cũng là một trong những vấn đề mới được đề cập tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, luật sư và nhà khoa học góp ý thời gian gần đây.
Tin liên quan |
Ảnh ấn tượng tuần (24-30/4): Ukraine tập trận sát biên giới Belarus, Nga ‘khoe’ bệ phóng tên lửa đạn đạo Yars, Tổng thống Hàn Quốc hát ở Nhà Trắng |
Theo Báo Xây dựng, góp ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Điều 225 của dự thảo luật quy định: “1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu…”.
Ông Đặng Đình Luyến cho rằng, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo luật đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho Ủy ban nhân dân giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.
Nguyên nhân là số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho Tòa án nhân dân giải quyết, thì sẽ không bảo đảm tính khả thi, vì đội ngũ thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động. Việc xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy phải qua các cấp xét xử, mất rất nhiều thời gian, có những vụ án dân sự phải giải quyết trong nhiều năm.
Vì vậy, ông Đặng Đình Luyến đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn, chiếm...
Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai. Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong đề xuất tại Điều 236 “giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai”, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định vai trò của Tòa án trong việc xác định lại giá đất tính bồi thường. Khi yêu cầu xem xét lại giá đất, Tòa án được phép hủy bỏ giá đất trong quyết định hành chính cụ thể nếu có căn cứ cho rằng giá đất đó chưa phù hợp thị trường, vi phạm quy định về thẩm định giá đất. Tòa án sẽ xem xét lại giá đất đã được quyết định, trường hợp cần thiết Tòa án được quyền tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá.
Đấu giá lô đất vùng ven Hà Nội với giá khởi điểm chục tỷ gây 'choáng'
Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia vừa ra thông báo đấu giá đất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ba Vì, đối với quyền sử dụng đối với 18 thửa đất tại khu đồng Đành, thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong và 22 thửa đất thuộc lô đất ký hiệu TT3, khu tái định cư tại thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh.
Theo đó, diện tích các thửa đất từ 114 - 252 m2/thửa, mức khởi điểm đấu giá đất của 40 thửa từ 10,1 - 35,1 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, lô đất có giá khởi điểm cao nhất là gần 9 tỷ đồng với diện tích 252m2 và lô thấp nhất là 1,7 tỷ đồng. Các thửa đất có mục đích sử dụng làm đất ở nông thôn với thời hạn sử dụng lâu dài.
Hình thức, phương thức đấu giá đất bằng bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Thời gian tổ chức buổi đấu giá đất vào ngày 8/5 tại hội trường UBND huyện Ba Vì.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt mới đây cũng có thông báo mời đấu giá tài sản 9 thửa đất xen kẹt nhỏ lẻ tại xã Ngọc Hồi, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Các thửa đất có diện tích từ 55 - 78,9 m2/thửa với giá khởi điểm từ 35 - 71,6 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá được tổ chức ngày 12/5, dự kiến tại hội trường UBND huyện Thanh Trì.
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh.
Cụ thể, quyền sử dụng 41 thửa đất để xây dựng nhà ở tại X8 thôn Hà Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (đợt 1,2). Các thửa đất có diện tích từ 90 - 133 m2/thửa đất với giá khởi điểm từ 20,8 - 25,3 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá đợt 1 được tổ chức lúc 8h30 ngày 13/5; đợt 2 ngày 20/5 tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh.
Một lô đất đã đấu giá trên địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. (Hình minh họa - Ảnh: Cao Nguyên) |
Có cần ghi mối quan hệ giữa người cho và người nhận trong hợp đồng?
Ông Lê V.L. (Ninh Thuận) nộp hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thì được bộ phận một cửa trả lời không tiếp nhận hồ sơ này và yêu cầu quay về văn phòng công chứng sửa hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, trong đó phải ghi nhận mối quan hệ giữa người tặng cho và người nhận.
Ông L. mang hồ sơ về văn phòng công chứng đề nghị sửa lại hợp đồng theo yêu cầu của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, tuy nhiên, văn phòng công chứng cho biết, không có quy định nào bắt buộc hợp đồng tặng cho phải ghi nhận việc này. Nếu ông L. yêu cầu ngay từ đầu và đưa Giấy khai sinh cho văn phòng công chứng thì có thể ghi nhận vào hợp đồng tặng cho, còn bây giờ hợp đồng đã có giá trị sử dụng, nếu muốn sửa hợp đồng thì phải có sự đồng ý của 2 bên.
Ông L. hỏi, việc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trả hồ sơ của ông và việc văn phòng công chứng không sửa hợp đồng cho ông có đúng không?
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận trả lời vấn đề này như sau:
Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện sự thỏa thuận của các bên. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó.
Vì vậy, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
Hiện nay Bộ luật Dân sự không có quy định riêng về hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, theo Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Do đó, hình thức của giao dịch dân sự cũng chính là hình thức của hợp đồng.
Theo nội dung phản ánh của ông, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu ông sửa lại hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và phải thể hiện mối quan hệ nhân thân giữa người tặng cho và người được tặng cho trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là không đúng với quy định.
Đề nghị ông liên hệ Bộ phận một cửa nộp lại hồ sơ để được giải quyết theo quy định pháp luật đất đai.
| Ảnh ấn tượng tuần (24-30/4): Ukraine tập trận sát biên giới Belarus, Nga ‘khoe’ bệ phóng tên lửa đạn đạo Yars, Tổng thống Hàn Quốc hát ở Nhà Trắng Xung đột ở Ukraine, Nga diễn tập chuẩn bị diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng, trình diễn bệ phóng tên lửa đạn đạo liên ... |
| Bất động sản mới nhất: Phân khúc chung cư vẫn hút khách đầu bảng, Hà Nội dừng đấu giá 44 lô đất, nhiều khách sạn Đà Nẵng bị rao bán Nhiều khách sạn tại Đà Nẵng bị rao bán ngay trước mùa du lịch, rất khó tìm được chung cư dưới 3 tỷ đồng tại ... |
| Bất động sản mới nhất: Giai đoạn ‘lửa thử vàng’, vẫn có nhà đầu tư dùng ‘thủ thuật’ làm giá, điểm danh dự án giảm giá tại Hà Nội và TP.HCM Thị trường trầm lắng, giao dịch giảm mạnh, thanh khoản thấp, nhà đầu tư chờ đợi “bắt đáy”, vì sao giá nhà ở xã hội ... |
| Giá tiêu hôm nay 1/5/2023, bước nhảy vọt ấn tượng, tiêu Việt có lợi thế lớn trên thị trường toàn cầu Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – 69.500 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 2/5/2023, doanh nghiệp tích cực mua bổ sung, thị trường hiếm hàng, xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nướcàngổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – 69.500 đồng/kg. |