Thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi vào cuối năm nay hoặc muộn nhất là đầu năm sau. Thế nhưng, sẽ tùy từng phân khúc. (Ảnh: Thanh Sơn) |
Bất động sản xuống đáy
Theo VietNamNet, ông Nguyễn Vũ Cao, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Vạn Khang Phát, với sự vào cuộc tháo gỡ của Chính phủ, cùng với 4 lần điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tác động tốt cho thị trường BĐS. Có điều cần thời gian để “ngấm”, để tác động.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (23-29/6): ‘Cuộc chiến’ trừng phạt Nga-EU lên cấp độ mới, Mỹ giảm dự trữ dầu, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu GDP |
Theo ông Cao, đây là thời điểm “đáy” của thị trường BĐS. Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã đi qua. Do đó, cần thêm thời gian để thị trường phục hồi.
“Khi giá BĐS rẻ hơn, lãi suất ngân hàng tốt hơn sẽ tạo “cú huých” làm thông thương dòng chảy cung – cầu của thị trường, sẽ tạo kích cầu và thị trường BĐS phục hồi trở lại. Từ quý III năm nay trở đi, thị trường BĐS sẽ phục hồi, có điều chưa thực sự mạnh mẽ và chưa phục hồi ở tất cả các thị trường mà chỉ ở một vài dự án, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng”, ông Cao nhận định.
Khác với ông Cao khi đưa ra nhận định về thời điểm thị trường BĐS phục hồi, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS sẽ dần phục hồi vào cuối năm nay hoặc muộn nhất là đầu năm sau. Thế nhưng, sẽ tùy từng phân khúc.
Lý do đưa ra nhận định đó, ông Lực nêu 4 lý do.
Thứ nhất, lạm phát, lãi suất trên thế giới đã chững lại và đang giảm dần lãi suất, Việt Nam cũng vậy. Lãi suất giảm dần là nhân tố cực quan trọng cho thị trường BĐS.
Thứ hai, đến cuối năm nay, dấu hiệu phục hồi kinh tế của thế giới và Việt Nam sẽ rõ nét hơn, các dự báo hiện nay đều cho rằng trong năm tới chúng ta và thế giới sẽ tăng trưởng tích cực hơn so với năm nay.
Thứ ba, hiện các vướng mắc pháp lý về cơ bản được tháo gỡ tích cực. Đồng thời các luật liên quan tới BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… sẽ được Quốc hội thông qua.
Thứ tư, kế hoạch giải ngân đầu tư công của Việt Nam năm nay khoảng 713.000 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái 25% và Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân được 95% trong số này. Nếu giải ngân hết 95% con số trên sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 2 điểm phần trăm.
Ông dẫn chứng thêm, thực tế, trong 5 tháng đầu năm nay, việc giải ngân đầu tư công đã tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Vũ Cao, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Vạn Khang Phát cho rằng, BĐS phục vụ nhu cầu ở thực, có giá tốt, hạ tầng tốt, uy tín tốt sẽ là phân khúc phục hồi đầu tiên.
“Thời điểm này là lúc tốt cho việc mua BĐS để ở, chưa phải thời điểm tốt cho đầu tư, đầu cơ. Phần lớn nhà đầu cơ trước đây đang đọng vốn, đang bị tổn thương bởi thị trường. Do đó, giai đoạn này để có dòng tiền đầu cơ thực sự không nhiều”, ông Cao đánh giá.
Trong khi đó, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định, thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai thị trường sẽ nhanh phục hồi nhất vì quy mô dân số lớn, nhu cầu cao. Còn các nơi khác sẽ phục hồi theo sau hai thành phố này.
“Phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực như nhà ở xã hội, căn hộ chung cư giá trung bình khá, mức giá 30-40 triệu đồng/m2 sẽ phục hồi đầu tiên”, ông Quyết đánh giá.
Cũng theo ông Quyết, BĐS nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc phục hồi chậm hơn bởi việc du lịch chưa có đột phá, chưa hồi mạnh như Thái.
Nguồn cung BĐS du lịch khá nhiều, hiện vẫn dư thừa so với nhu cầu thuê. Do đó, thị trường du lịch phải hút được 18-20 triệu khách/năm mới kéo theo thị trường BĐS nghỉ dưỡng tốt lên.
“Năm nay, thị trường du lịch dự kiến thu hút khoảng 11 triệu khách, vẫn chỉ ở mức 55-60% so với thời điểm trước Covid-19, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến BĐS nghỉ dưỡng. Phải 2-3 năm nữa, thị trường BĐS nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi”, ông Quyết nhận định thêm.
Giao dịch rục rịch trở lại
Sự trầm lắng của thị trường BĐS đã kéo dài hơn một năm khiến những nhà đầu tư vốn mỏng đầu tư với mục đích "lướt sóng", ngắn hạn rơi vào tình trạng lao đao vì không có thanh khoản. Khả năng thu hồi vốn của họ khá khó dù đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán.
Tuy nhiên, hiện tại, thị trường BĐS đón nhận một số thông tin tích cực từ việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý và ngân hàng liên tục giảm lãi vay. Những tín hiệu tích cực trên đang tạo ra "làn sóng" mua hàng cắt lỗ và "bắt đáy" BĐS của giới đầu tư.
Theo nhận định của một số môi giới BĐS chuyên nghiệp, làn sóng bắt đáy BĐS, săn hàng cắt lỗ của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Diễn biến này có khả năng dừng lại khi lãi suất vay ngân hàng thực sự giảm một cách rõ ràng và đáng kể hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - với việc lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm thời gian gần đây cùng hàng loạt thông tin tích cực hỗ trợ thị trường BĐS trong khu vực đã giúp thị trường có dấu hiệu ấm dần lên.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu đi tham khảo thị trường chờ cơ hội quyết định xuống tiền. Theo đó, một số nguồn hàng giá giảm sâu so với giá thị trường nhận được sự chú ý của những nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi.
Theo dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu BĐS, trong tháng 5 năm nay, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm một số loại hình BĐS đã có dấu hiệu khả quan hơn.
Thực tế thị trường địa ốc đã và đang ghi nhận những chuyển biến tốt, nhiều nhà đầu tư lên kế hoạch cho các đợt mua, tập trung vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý hoàn thiện, đảm bảo dòng tiền, có thể khai thác ngay. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đang dần hồi phục và sẵn sàng cho một chu kỳ mới.
Hải Phòng kêu gọi đầu tư nước ngoài
UBND TP Hải Phòng vừa công bố Quyết định phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Chi tiết danh mục đầu tư gồm 137 dự án bao gồm các lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, công nghiệp, phát triển khu, cụm công nghiệp, phát triển trung tâm logistics, phát triển mạng lưới viện nghiên cứu (R&D), phát triển đô thị, xây dựng khu xử lý chất thải.
Về phát triển đô thị, Hải Phòng lên kế hoạch kêu gọi đầu tư 52 dự án về xây dựng khu đô thị mới và xây dựng khu nhà ở. Một số khu đô thị dự kiến có diện tích quy hoạch lớn như Khu đô thị mới Bàng La (520ha), Khu đô thị mới Đông Nam Hải Phòng (2.000ha), Khu đô thị mới Dương Kinh - Kiến (200ha), Khu đô thị, dịch vụ du lịch Phù Long (170,1ha), Khu đô thị mới tại xã Thủy Đường và Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên (400ha).
Đối với lĩnh vực du lịch, địa phương này cho biết sẽ xây dựng Đồ Sơn thành trung tâm có thương hiệu về tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch lễ hội tín ngưỡng. Thành phố kêu gọi đầu tư nước ngoài tại 4 dự án du lịch.
Trong đó có dự án xây dựng cảng tầu khách quốc tế thuộc tổ hợp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD, đặt mục tiêu phát triển thị trường khách du lịch tàu biển. Dự kiến cầu cảng này sẽ tiếp nhận các tàu biển du lịch quốc tế 5 sao có sức chứa từ 5.00-6.000 khách.
Ngoài ra 3 dự án khác liên quan đến phát triển khu du lịch gồm khu du lịch sinh thái hồ Sông Giá với vốn đầu tư 30 triệu USD, phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại quận Đồ Sơn trên diện tích 900-910ha, khu du lịch sinh thái đô thị nghỉ dưỡng gắn với các điểm nước khoáng nóng tại huyện Tiên Lãng, quy mô 340ha.
Đối với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, Hải Phòng lên kế hoạch phát triển 16 khu công nghiệp tại huyện Thủy Nguyên, quận Hải An, huyện Cát hải, huyện An Dương, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy. Trong đó KCN Tràng Duệ 3, KCN Tiên Lãng 1, KCN Tiên Lãng 2, KCN sân bay Tiên Lãng được quy hoạch diện từ 400-550ha.
Địa phương cũng sẽ phát triển 22 cụm công nghiệp, lớn nhất là cụm công nghiệp Tiên Cường III với diện tích 220-230ha.
Trong tháng 5/2023, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm một số loại hình BĐS đã có dấu hiệu khả quan hơn. (Nguồn: Báo XD) |
Giá đất trung tâm TP.HCM tăng cao, người dân đổ về vùng ven
Những năm gần đây, các huyện ngoại thành TP.HCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh. Một trong những nguyên nhân là do giá đất khu vực trung tâm Thành phố tăng cao.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cung cấp dữ liệu dân số hiện trạng và đề xuất nhu cầu tăng dân số.
Đến nay, đã có 19 quận, huyện và TP.Thủ Đức có văn bản phản hồi. Hai địa phương chưa báo cáo là huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Ba quận, huyện chưa đề xuất nhu cầu gia tăng dân số đến năm 2040 là Q.8, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Theo Sở QH-KT TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2004 đến nay, dân số TP.HCM tăng nhanh tại khu vực vành đai nội thành phát triển mới và các huyện ngoại thành, trừ Cần Giờ.
Mức độ tăng dân số tại một số quận, huyện phía Tây và phía Bắc (như Q.Bình Tân, huyện Bình Chánh và Q.12) cao hơn nhóm quận, huyện phía Đông và phía Nam Thành phố.
Khu vực nội thành phát triển mới gồm Q.7, Q.12, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức. Những quận này có tốc độ tăng dân số nhanh nhất TP.HCM, chủ yếu đến từ dân nhập cư. Trong đó, Q.Bình Tân là nơi tiếp nhận nhiều người nhập cư nhất, xếp sau là Q.12.
Dân số khu vực nội thành hiện hữu (Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Phú Nhuận, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình) ít biến động. Các huyện ngoại thành lại có sự gia tăng quy mô dân số lớn, đặc biệt là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè.
Theo Sở QH-KT, dân số TP.HCM phân bổ cao ở các nơi như Q.7, Q.12, Q.Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè do nhiều yếu tố tác động, như: Giá đất khu vực trung tâm tăng cao; các dự án dự án đầu tư hạ tầng mới; nguồn nhân lực lao động tại các xí nghiệp, nhà máy tăng…
Tốc độ đô thị hoá nhanh, dân cư tập trung đông tại khu vực này tạo thành vành đai bao quanh khu nội thành hiện hữu, gây nhiều áp lực tới chính sách đầu tư phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
So với tổng quy mô dân số theo Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025, các quận – huyện và TP.Thủ Đức đề xuất tăng quy mô dân số thêm 5,9 triệu người.
Nếu đáp ứng toàn bộ đề xuất của các quận – huyện thì tổng quy mô dân số toàn Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là 16,8 triệu người.
Theo số liệu Sở QH-KT tổng hợp, tổng dân số theo các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP.HCM khoảng 11,2 triệu người. Trong khi đó, tổng dân số TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 là 14 triệu người.
Sau khi trừ phần tăng thêm 1,3 triệu người của Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040 và quỹ dự phòng 200.000 người dùng để phân bổ cho các dự án của TP.HCM khi có nhu cầu, quy mô dân số còn lại để phân bổ cho các quận - huyện là 1,32 triệu người.
| Giá tiêu hôm nay 30/6/2023, đơn hàng sang Trung Quốc giảm mạnh, đại lý hạ giá thu mua Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.500 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 1/7/2023, thị trường trên đà đi xuống, nhiều yếu tố bất lợi, doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – ... |
| Bất động sản mới nhất: Giá chung cư khó giảm, 6 dự án đủ tiêu chí vay gói 120.000 tỷ đồng, sau bao lâu được bán lại nhà ở xã hội? Giá chung cư Hà Nội tăng nóng và khó giảm, điểm danh 6 dự án đáp ứng tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ ... |
| Kinh tế Nga kiên cường đáng ngạc nhiên, bản đồ năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại, Moscow, Mỹ-phương Tây mạo hiểm ‘đánh cược’ Chính sự phân chia “phương Tây và phần còn lại của thế giới” đã mang lại cho Nga thị trường xuất khẩu năng lượng vô ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (23-29/6): ‘Cuộc chiến’ trừng phạt Nga-EU lên cấp độ mới, Mỹ giảm dự trữ dầu, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu GDP Các ngân hàng trung ương cần nhanh hơn trong nhiệm vụ chống lạm phát, EU tiếp tục trừng phạt Nga, niềm tin người tiêu dùng ... |