📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường Hà Nội yếu, nhà liền kề phía Tây tăng giá đột biến; địa ốc Vân Đồn ‘cất cánh’

Hoàng Nam 07:45 | 13/07/2021
Thị trường Hà Nội yếu, ít giao dịch, biệt thự, nhà liền kề phía Tây tăng giá đột biến; loạt hạ tầng khủng đưa địa ốc Vân Đồn ‘cất cánh’… là những tin bất động sản mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Địa ốc Vân Đồn ‘cất cánh’. Trong ảnh là phối cảnh phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City nằm giữa đường 334 đang được mở rộng lên 44m và đường bao biển 24m (Đại lộ Orchard). (Nguồn: BXD)

Loạt hạ tầng tỷ đô thúc đẩy bất động sản Vân Đồn cất cánh

Khi đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào sử dụng cuối năm 2021, tuyến đường xuyên tỉnh Quảng Ninh và dài nhất cả nước sẽ hoàn toàn thông tuyến, tạo thêm lực đẩy cho thị trường bất động sản Vân Đồn.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang dồn toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành trên 80km cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái, rút ngắn thời gian di chuyển từ 2 giờ xuống còn 50 phút.

Đoạn đường này cũng được coi là “mảnh ghép cuối cùng” của tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam, tương ứng 200km, kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tạo thành hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và là động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm Bắc Bộ.

Khi mảnh ghép hoàn thành, độ dài đường cao tốc trên địa bàn Quảng Ninh sẽ bằng gần 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc.

Với riêng Vân Đồn, sự xuất hiện của những tuyến đường huyết mạch hiện đại sẽ đóng vai trò tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tour du lịch hấp dẫn đến huyện đảo này.

Bên cạnh tuyến đường cao tốc nói trên, hệ thống giao thông nội huyện cũng có sự “thay da đổi thịt” ngoạn mục chỉ trong thời gian ngắn, nhằm đưa Vân Đồn sớm trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại.

Năm 2021, Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm. Trong đó, trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng giai đoạn 2 tuyến đường trung tâm rộng 58m với 8 làn, dài 20km kết nối toàn bộ các dự án trọng điểm tại Vân Đồn được dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2021. Giai đoạn 1 gồm đoạn kết nối về phía dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City đã được thông xe năm 2020.

Cuối tháng 5/2021, Ban Quản lý KKT Vân Đồn cũng khởi công thêm dự án mở rộng tỉnh lộ (TL) 334 đoạn từ sân Golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 và đường vào công viên phức hợp KKT Vân Đồn lên 44m. Đây là một trong những trục đường huyết mạch kết nối chuỗi tiện ích du lịch - giải trí quan trọng nhất tại Vân Đồn, liên kết trực tiếp với Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.

Tuyến đường bao biển rộng 24m, nằm song song với TL334 cũng đang được tích cực triển khai. Hai công trình này đều mang ý nghĩa kết nối rất cao khi trực tiếp đi qua các dự án trọng điểm như dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sân golf Ao Tiên, Bến cảng Ao Tiên, Vân Đồn Heritage Road...

Các chuyên gia nhận định, những năm gần đây, thị trường bất động sản Vân Đồn trở thành “miền đất hứa” của giới đầu tư sành sỏi khu vực miền Bắc. Bên cạnh yếu tố chính sách, quy hoạch, hạ tầng giao thông chính là nhân tố quan trọng gia tăng tính hấp dẫn của các dự án.

Thị trường bất động sản Hà Nội yếu, ít giao dịch, có hiện tượng cắt lỗ

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam quý II và 6 tháng. Báo cáo cho thấy tại Hà Nội quý II năm nay, thấp tầng là dòng sản phẩm có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất với 49,8%, trong khi căn hộ cao cấp có tỷ lệ hấp thụ thấp chỉ đạt 9,2%.

Nguồn cung thị trường trong quý II chủ yếu từ dự án bất động sản đã chào bán từ các quý trước. Trong khi đó, không có dự án nào mới được cấp đủ điều kiện bán hàng. Một số dự án cũ còn hàng tồn nhưng không thấy chào bán trong quý II.

Tại phân khúc căn hộ, sau biến động sốt đất mạnh và dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhìn chung, thị trường Hà Nội quý II yếu, ít giao dịch. Các chủ đầu tư vì vậy mà hạn chế chào bán để thăm dò thị trường, giá cũng không có hiện tượng điều chỉnh. Các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã có động thái giảm giá thông qua các chương trình khuyến mãi, tặng quà.

Ở thị trường thứ cấp, có hiện tượng giảm giá bán đến mức lỗ để thu hồi vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện tượng này phần lớn xuất hiện ở các dự án cao cấp. Các sản phẩm căn hộ chủ yếu nằm ở các quận như: Hoàng Mai, Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy...

Còn tại phân khúc đất nền, liền kề, Hội môi giới cho biết nguồn cung suy giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt. Lượng giao dịch ảnh hưởng do giá còn ở mức cao, một phần khác là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Hội môi giới cho biết: "Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường".

Về giá bán, Hội Môi giới cho biết, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp. Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường nhưng cũng không xuất hiện giao dịch thực.

Trước đó, công bố của một số tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy giá căn hộ hay phân khúc nhà ở thấp tầng đều tăng giá trên thị trường sơ cấp. Trong khi đó, nguồn cung và cả giao dịch căn hộ đều giảm.

Biệt thự, nhà liền kề Hà Nội bị làm giá?

Báo cáo thị trường BĐS quý II/2021 của Savills Việt Nam cho biết giá sơ cấp trung bình của tất cả các loại hình biệt thự, liền kề, shophouse Hà Nội đều tăng. Trong đó, khu vực phía Tây Hà Nội ghi nhận mức tăng cao đột biến với mức tăng 29% cho biệt thự, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại.

Đơn cử, dự án The Manor Central Park nằm trên đường Nguyễn Xiển thuộc địa phận huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, các căn biệt thự diện tích hơn 200m2 được chào bán lên tới 37-40 tỷ đồng/căn.

Tại quận Tây Hồ, dự án Grand Gardenville - khu K Ciputra có giá khoảng 26-41 tỷ đồng/căn, tùy diện tích. Biệt thự ở khu Q Ciputra có giá 160 triệu đồng/m2; biệt thự ở dự án Sunshine Wonder Villas có giá khoảng 200-260 triệu đồng/m2...

Tại quận Hà Đông, giá bán của các căn biệt thự ở dự án An Vượng Villa có diện tích khoảng 200m2 cũng lên tới 17-20 tỷ đồng/căn. Dự án Him Lam Vạn Phúc, các căn nhà phố có giá bán từ 140 triệu đồng/m2 trở lên.

ự án An Lạc Green Symphony được chào bán với khoảng giá 70 triệu đồng/m2 với biệt thự, 100 triệu đồng/m2 với liền kề, shophouse. (Nguồn: BXD)

Tại huyện Hoài Đức, dự án An Lạc Green Symphony được chào bán với khoảng giá 70 triệu đồng/m2 với biệt thự, 100 triệu đồng/m2 với liền kề, shophouse. Hado Charm Villas có khoảng giá 60 triệu đồng/m2.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý II/2021, thị trường ghi nhận lượng giao dịch đạt thấp, một phần do giá đã neo ở mức cao, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh đã làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Cụ thể, có 1.094 sản phẩm được giao dịch trong quý II/2021; tỷ lệ hấp thụ là 25,5%.

Trong đó, sản phẩm căn hộ có tỷ lệ hấp thụ thấp nhất với 650/3.726 sản phẩm được giao dịch, chiếm 18%; shophouse với 49/142 sản phẩm được giao dịch, chiếm 34,5% và nhà liền kề với 375/710 sản phẩm được giao dịch, chiếm 53%.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, số lượng giao dịch giảm nhưng tổng tiền đổ vào thị trường tăng. Vi vậy, bất động sản đang có hiện tượng bị đẩy giá.

Đánh giá về thị trường biệt thự, liền kề, shophouse khu vực phía Tây, ông Đính cho rằng, khu vực phía Tây luôn chiếm 40% nhu cầu của toàn thị trường. Ngay cả trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19 thì đây vẫn là khu vực sôi động nhất.

Đặc biệt, khi thị trường bất động sản thiếu vắng nguồn cung mới do điểm nghẽn về pháp lý thì nguồn cung phân khúc thấp tầng cũ dồi dào khu vực này tiếp tục thắng thế.

Loạt dự án căn hộ "nhảy" giá

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, dưới những tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 từ đầu quý II, lượng căn hộ mới mở bán tại TP.HCM bị hạn chế, cộng với số lượng hàng tồn kho thấp từ các quý trước, dẫn tới nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 3.700 căn, mức giảm thấp nhất theo năm là -18%.

Theo đó, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch chỉ gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm. Trong đó, các căn hộ hạng B dẫn đầu lượng giao dịch với 49% thị phần và đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 52%.

Báo cáo của Savills cho thấy, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp tăng, với gần 40% dự án tăng lên trong quý, lên đến 15%. Ví dụ như một dự án hạng B có giá bán trong quý II tăng 14% so với quý I, đạt 3.200 USD/m2 (tương đương 73,6 triệu đồng), hay một dự án khác thuộc phân khúc hạng C có giá bán trong quý II tăng 12% so với quý trước, đạt 1.800 USD/m2 (tương đương 41,4 triệu đồng).

Thống kê cho thấy, những căn hộ hạng C có giá dưới 2 tỷ đồng đang thu hút được sự quan tâm của đa số người mua trên thị trường, mặc dù vậy nguồn cung của phân khúc này chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung sơ cấp tại TP. HCM và có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Về triển vọng trong tương lai, các chuyên gia đánh giá thị trường nhà ở tại TP. HCM sẽ có nhiều tiềm năng trong trung và dài hạn. Trong nửa cuối năm nay, dự kiến 6.800 căn từ 22 dự án sẽ được chào bán ra thị trường, chủ yếu là căn hộ hạng C chiếm 47% thị phần.

Từ năm 2022 - 2024, nguồn cung tương lai của các căn hộ hạng B dự kiến sẽ tăng và chiếm 53% tổng nguồn cung tương lai, tiếp theo là căn hộ hạng C chiếm 37% và căn hộ hạng A chiếm 10%. Thành phố Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất với 44%.

(tổng hợp)