Theo các nhà nghiên cứu, Thông tư 16/2021/TT-NHNN vừa công bố có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. (Ảnh: Phan Cúc) |
Loạt yếu tố có thể tác động mạnh đến BĐS năm 2022
Thông tư 16/2021/TT-NHNN, xu hướng lãi suất, việc sửa đổi luật trong thời gian sắp tới... là những yếu tố có thể tác động lớn tới thị trường BĐS trong năm nay.
SSI Research vừa công bố báo cáo về triển vọng ngành xây dựng năm 2022.
Theo báo cáo, mặc dù thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới và các căn hộ bán được trong năm 2021, song giá trị hợp đồng ký mới của một số công ty xây dựng trong năm 2021 lại tăng trưởng khá bất ngờ.
Dựa trên nguồn tổng hợp dữ liệu của CBRE và Savills, nguồn cung mới và căn hộ bán được trong năm 2021 có thể giảm từ 7 -13% so với cùng kỳ chủ yếu do giãn cách xã hội trong quý III/2021.
Trong khi đó, trong năm 2021 hai doanh nghiệp lớn ngành xây dựng lại ghi nhận lần lượt khoảng 25.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng giá trị ký mới, cao gấp 3,6 lần và 2 lần so với năm 2020.
Chuyên gia nhận định giá trị hợp đồng mới tăng trong năm 2021 một phần có thể là do bị trì hoãn từ năm 2020 do dịch Covid-19.
Đưa ra dự báo về triển vọng năm 2022 đối với ngành xây dựng, chuyên gia SSI nhấn mạnh đến những yếu tố hỗ trợ từ thị trường BĐS. Bởi nguồn cung của thị trường BĐS là cơ sở cho những giá trị hợp đồng mới của ngành xây dựng.
Theo đó, chuyên gia SSI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi việc sửa đổi luật để hỗ trợ thị trường BĐS nhà ở trong thời gian sắp tới.
Cụ thể như Luật Đất đai sẽ sửa đổi trong năm nay, trước khi hoàn thành vào tháng 5/2023. Các điểm sửa đổi kỳ vọng sẽ có quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, theo Luật Đầu tư 2020, các dự án sau đây phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ Tướng Chính phủ: Dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị.
Thị trường đang kỳ vọng những thay đổi về một số quy định về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Theo chuyên gia SSI, điều này có thể hạn chế các dự án BĐS nhà ở tiềm năng trong tương lai.
Đánh giá về rủi ro giảm giá, SSI Research cho biết lạm phát cao có thể dẫn đến lãi suất cho vay tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư BĐS và thu nhập của người mua nhà.
Qua đó có thể ảnh hưởng tiến độ mở bán của các chủ đầu tư dự án và đồng thời ảnh hưởng tình hình ký mới của các công ty xây dựng.
Thêm nữa, lãi suất cho vay tăng cao cũng tác động đến gánh nặng lãi vay đối với các công ty xây dựng có dùng vốn vay.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, Thông tư 16/2021/TT-NHNN vừa công bố có thể ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ, góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác cũng như tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành. Điều này có thể có tác động ngắn hạn đến các chủ đầu tư BĐS có dòng tiền kém.
BĐS tăng giá do lạm phát và nguồn cung hạn chế trong năm 2022
Tại Talkshow Thị trường BĐS Việt Nam 2021 và xu hướng 2022 mới đây, dự báo thị trường BĐS năm 2022, ông Phạm Anh Khôi - Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services và các diễn giả Steven Derek Brown – Giám đốc Khách hàng Tổ chức, Thị trường châu Âu của Mirae Asset Securities Vietnam; ông Stephen Higgins – Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Thị trường vốn Cushman & Wakefield; bà Phạm Minh Anh – Giám đốc Dịch vụ cho vay Tài chính Cá nhân Ngân hàng United Overseas Bank đều cho rằng, áp lực tăng giá BĐS năm 2022 sẽ rất lớn bởi các yếu tố lạm phát, nguồn cung hạn chế, chi phí vật liệu xây dựng tăng…
Tin liên quan |
Chiến lược ‘Zero Covid-19’ của Trung Quốc có thực sự hà khắc và tốn kém? |
Đặc biệt, năm 2022, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự dịch chuyển dòng tiền từ chứng khoán và các kênh đầu tư rủi ro cao sang BĐS, đặc biệt phân khúc đất nền.
Nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phục hồi chậm và đạt mức tương tự như năm 2018-2019 với khoảng 22.000-30.000 căn vào năm 2022-2023. Tại Hà Nội, nguồn cung mới dự kiến tăng lên 28.000-34.000 căn hộ vào giai đoạn 2022-2023.
Về giá căn hộ sơ cấp, giá bán trung bình tại TP.HCM giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng từ 12-18%. Thị trường Hà Nội dự kiến sẽ tăng 5-10% mỗi năm.
Dự báo khi các vấn đề liên quan pháp lý dự án được tháo gỡ và dịch Covid được kiểm soát tốt, nguồn cung BĐS mới sẽ được cải thiện nhiều. Nguồn cung tăng nhưng giá BĐS được kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng do lượng cầu vẫn rất lớn từ khách hàng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, việc hoàn thiện và nâng cấp thêm nhiều tiện ích, hệ sinh thái đi theo các dự án mới, cùng với các chi phí đầu vào ngày càng tăng cao cũng là lý do làm cho giá bán BĐS khó giảm nhiệt so với thời điểm hiện tại.
Lâm Đồng tạm dừng thủ tục phân lô, tách thửa
Tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Văn bản số 473/UBND-ĐC của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn có một số trường hợp hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
Tuy nhiên, thực chất tại đây hình thành các khu, điểm dân cư mới và giới thiệu, quảng cáo, giao dịch tương tự các dự án BĐS. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 6/1, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS.
Để việc quản lý về đất đai và việc tách thửa, xây dựng đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất, có dấu hiệu là đầu tư dự án BĐS trái quy định trên địa bàn tỉnh.
Việc tạm dừng này kéo dài đến khi Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, tức là 1/3/2022.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với việc tách thửa để xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh, phù hợp quy định hiện hành, từ đó, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 12/2/2022.
Cũng theo nội dung văn bản, đối với các trường hợp tách thửa đất trên địa bàn tỉnh, ngoài các trường hợp nêu trên, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự đoán giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng từ 12-18%. (Nguồn: DT) |
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đã ký quyết định số 35 về việc phê duyệt Nhiệm vụ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị thị xã Sông Cầu đến năm 2045.
Về phạm vi ranh giới lập quy hoạch, phía Đông dự án giáp Biển Đông; phía Tây giáp huyện Đồng Xuân; phía Nam giáp huyện Tuy An; phía Bắc giáp tỉnh Bình Định.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới thị xã Sông Cầu, với tổng diện tích tự nhiên gần 50ha.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế để xây dựng phát triển đô thị theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng tỉnh Phú Yên, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, xây dựng và phát triển thị xã Sông Cầu đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tổ chức không gian và tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc khu vực, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch đồ án sẽ làm cơ sở để triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng; đồng thời, làm cơ sở xây dựng phát triển đô thị thị xã Sông Cầu phù hợp với định hướng phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
Tổng nguồn vốn và dự toán kinh phí lập quy hoạch ước tính 3,5 tỷ đồng.
Thị xã Sông Cầu rộng gần 50.000 ha, nằm giữa TP. Quy Nhơn (Bình Định) và TP. Tuy Hoà (Phú Yên).
Những năm trở lại đây, thị xã Sông Cầu thu hút được nhiều doanh nghiệp tới triển khai dự án du lịch điển hình như Khu du lịch Long Hải Bắc, thị trấn Sông Cầu (8,7 ha); Bãi Tràm - Xuân Cảnh (98,4 ha); Bãi Ôm Xuân Phương (18 ha)…
| Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/1): Nga mạnh tay nhằm hạ lạm phát, Belarus là ‘con nợ’ lớn nhất của Moscow, Gazprom dọa Moldova về khí đốt Nga đang làm mọi cách để hạ lạm phát, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm, Gazprom cảnh báo cắt nguồn ... |
| Mang 'trọng thương' sau Covid-19, động lực nào cho tăng trường kinh tế thế giới năm 2022? Sau gần hai năm phục hồi chậm chạp, kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thoát đáy. Mặc dù có thể sẽ xuất hiện những ... |