Với động thái mới nhất từ ngân hàng về hạn mức tín dụng, thị trường bất động sản sẽ có những tác động tích cực nhất định. (Nguồn: Vietnam+) |
Vốn tín dụng địa ốc được khai thông
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông tin việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Như vậy, sau vài tháng chờ đợi, một số tổ chức tín dụng được tăng room tín dụng.
NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Một báo cáo của SSI Research nhận định, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, việc nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện này là rất cần thiết. Thời gian qua, theo ông Bình, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room.
Với động thái mới nhất từ ngân hàng về hạn mức tín dụng, ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigonratings đánh giá, thị trường sẽ có những tác động tích cực nhất định. Dù cho rằng cơ quan điều hành tiền tệ vẫn nên nâng tín dụng lên mức 15-16% thay vì 14%, song theo ông Minh, phần nguồn vốn được "cởi" sẽ giải tỏa được lượng hồ sơ đăng ký vay đang tồn đọng.
Ông Phùng Xuân Minh cũng đánh giá, động thái mới từ NHNN về room tín dụng là thông tin đáng chú ý với thị trường BĐS, trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như "nắng hạn chờ mưa".
Trong thời gian thị trường vẫn phấp phỏng chờ "room", TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu dòng vốn vào BĐS bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng không hợp lý, theo ông Lực, còn làm tăng sự mất cân đối cung - cầu BĐS (cung không thể tăng, cầu không giảm…), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường BĐS giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế... Việc kiểm soát và ứng xử hợp lý là vô cùng quan trọng, ông Lực nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp xin rút lui dự án
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ). Dự án do Công ty cổ phần Flamingo Holding Group đề xuất thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Tại quyết định thu hồi trên, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật...
Đặc biệt, UBND huyện Đại Từ được giao việc thực hiện công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch của dự án theo quy định; tham mưu, đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Tin liên quan |
Phương Tây ra đòn với năng lượng Nga, Moscow vẫn thu lợi nhuận cao ngất ngưởng, khách hàng lớn châu Á ‘vô tình hay hữu ý’? |
Phản hồi thông tin trên, phía Flamingo Holding Group cho biết doanh nghiệp này đã gửi văn bản xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án này và được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận ngày 30/8.
Ngoài trường hợp "ông lớn" Flamingo Holding Group xin rút lui khỏi dự án 2.500 tỷ đồng kể trên, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi gần 240ha gồm đất và đất mặt nước đã cho thuê từ năm 2019 đối với dự án Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp (dự án Monbay Vân Đồn) tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn, do Công ty TNHH HDMon Vân Đồn làm chủ đầu tư.
Lý do thu hồi là HDMon Vân Đồn đã có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư vào tháng 2 năm nay. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định để thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh.
Quyết định thu hồi trên còn để triển khai lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch tại khu vực Ao Tiên.
Tương tự, tháng 7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 3439 ngày 24/12/2020 về việc thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh đối với trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Lý do có quyết định thu hồi trên là do liên doanh nhà đầu tư đã có văn bản xin rút hồ sơ thẩm định quyết định chủ trương đầu tư và đề nghị hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý đề xuất thực hiện thủ tục đầu tư dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 1.250 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 26.680 tỷ đồng.
Nguồn cung sơ cấp và lượng giao dịch trên đà giảm
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch tương đối ít hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Đồng thời, nguồn cung sơ cấp ở cả hai phân khúc căn hộ và nhà liền thổ đều ở mức hạn chế.
Từ năm 2020, thị trường căn hộ đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chậm lại. Lượng giao dịch và nguồn cung sơ cấp đều có xu hướng giảm. Trong khi nguồn cung giảm 12% theo quý thì lượng giao dịch tụt sâu hơn ở mức -44%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch tương đối ít hơn so với thời điểm cuối năm 2021. (Nguồn: Vietnam+) |
Theo báo cáo mới nhất của Savills, số lượng căn hộ sơ cấp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tiếp tục đà giảm sâu hơn của thị trường sau khi nguồn cung sơ cấp đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại tại thời điểm kết thúc năm 2021.
Theo chia sẻ của bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội, một trong những yếu tố dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung như vậy là thủ tục pháp lý kéo dài, khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở.
Việc kiểm soát tín dụng bị thắt chặt và chi phí xây dựng ngày càng gia tăng cũng là những thách thức mà các chủ đầu tư đang đối mặt.
Ngược với sự chậm lại của nguồn cung và lượng giao dịch, giá nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục đà tăng từ những năm trước. Nghiên cứu của Savills đã chỉ ra, kể từ năm 2018, giá bán ở phân khúc căn hộ không ngừng leo thang.
Giá bán sơ cấp trung bình tăng 10% và giá bán thứ cấp tăng 3% theo năm. Trong đó, sự chênh lệch giữa giá bán sơ cấp và thứ cấp đã tăng từ mức 14% năm 2018 lên 44% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Phân khúc nhà thấp tầng cũng có những bước tiến mới. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, trong khi đó, giá liền kề cũng ghi nhận tăng hơn một nửa.
Sáu tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp, với giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse và liền kề đều tăng quanh mức 20%. Nguồn cung mới hạn chế cùng với giá bán sơ cấp tăng có thể là nguyên nhân khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Savills quan sát rằng giá của biệt thự, liền kề, nhà phố sau thời gian liên tục tăng và đã đạt đỉnh, có chiều hướng chững lại. Hiện tượng này liên quan đến mức độ hấp dẫn của sản phẩm, khả năng chi trả của người dân, tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh vơi các sản phẩm ở những địa phương lân cận.
Chấp thuận chủ trương thêm khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long.
Dự án khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long do Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long là nhà đầu tư, được triển khai xây dựng tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Về quy mô dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư phân kỳ đầu tư dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, xác định việc Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; đảm bảo điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai.
Giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động vốn theo cam kết của nhà đầu tư, đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; hướng dẫn Nhà đầu tư tuân thủ các điều kiện kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật kinh doanh BĐS…
| Kiên Giang đẩy mạnh hợp tác du lịch với các tỉnh Campuchia Nhằm phát triển hơn nữa ngành du lịch, Kiên Giang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường hợp tác liên vùng, gắn với ... |
| Phương Tây ra đòn với năng lượng Nga, Moscow vẫn thu lợi nhuận cao ngất ngưởng, khách hàng lớn châu Á ‘vô tình hay hữu ý’? Trong khi châu Âu gặp khó khăn trong việc xoay trục khỏi khí đốt Nga do hạn chế của cơ sở hạ tầng đường ống ... |
| Giá tiêu hôm nay 9/9, nối dài chuỗi đi ngang, thị trường phản ứng trái chiều, tiêu Brazil sang Việt Nam bất ngờ tăng gấp đôi Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đ/kg. |
| Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/9): Kinh tế Nga ‘đã tốt lên’, ông Putin dọa cúp hoàn toàn dầu và khí đốt cho châu Âu, chưa nới được ‘nút thắt’ Mỹ-Trung Mỹ giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Nga lạc quan, Tổng thống Nga Putin dọa cắt hoàn toàn nguồn cung dầu ... |
| Bất động sản mới nhất: Yêu cầu minh bạch thông tin quy hoạch, thị trường đối mặt nhiều sóng gió, sổ đỏ ép plastic có nguy cơ mất tính pháp lý Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; ... |