Thị trường bất động sản quý I năm nay đã có phản ứng tích cực, một số dự án được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng. (Ảnh minh họa - Nguồn: AQC) |
Doanh nghiệp BĐS giải thể, môi giới bỏ nghề tăng cao
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS quý I năm nay đã có phản ứng tích cực, một số dự án BĐS được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trong quý I/2023, dẫn chứng số liệu từ tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới quý I này là 940, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Tiếp đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh. Phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm 30-50% lực lượng lao động).
Về hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I này, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Tại buổi họp báo quý I/2023 chiều 24/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tổ công tác Chính phủ đang tiếp tục làm việc các địa phương nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp. Các địa phương cũng đang tích cực vào cuộc trong việc gỡ vướng cho thị trường, doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Sinh, bên cạnh tổ công tác của Chính phủ, nhiều địa phương cũng thành lập tổ công tác riêng để rà soát vướng mắc cụ thể của từng dự án.
Ông Sinh nói: "Vừa qua, khi tôi làm việc với TPHCM, trong 180 dự án nhà ở, có đến 80% dự án vướng mắc. Hà Nội có 170 dự án vướng mắc; Đà Nẵng có 75 dự án; Hải Phòng 65 dự án, Cần Thơ có 79 dự án. Các dự án này vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở. Nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết".
BĐS “tê liệt”, kinh tế vĩ mô "ngấm đòn"
Từ giữa năm 2022, thị trường BĐS gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển và lao vào vòng xoáy khủng hoảng. Kể từ đó, BĐS đã khiến một số chỉ tiêu vĩ mô quan trọng đã xấu đi rõ nét.
Chỉ tiêu nổi bật nhất chính là GDP quý I năm nay chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 12 năm. Đây cũng là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao, là con số báo động khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm lung lay…
Tin liên quan |
Căng thẳng với Trung Quốc, Australia dùng ‘vũ khí’ năng lượng, ‘uốn’ thành công dòng chảy thương mại, vẫn kiếm bộn tiền |
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm... Trong đó, một số ngành nghề "kéo lùi" tăng trưởng có thể kể đến như công nghiệp và xây dựng. Hai khu vực này giảm 0,4% làm giảm 4,76%. Mà xây dựng là ngành có quan hệ mật thiết tới BĐS.
GDP chững lại khi GRDP của một số tỉnh thành "đầu tàu", mà tiêu biểu nhất là TPHCM "hãm phanh". GRDP quý I/2023 của TPHCM ước đạt 360.622 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 và là thành phố tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ BĐS. BĐS giảm 16,2%, kéo theo xây dựng giảm 19,8%. Đây là 2 lĩnh vực có mức giảm lớn nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu.
Bên cạnh GDP, tăng trưởng tín dụng cũng gặp nhiều vấn đề khi BĐS tê liệt.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, dẫn tới tín dụng BĐS tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...
BĐS tê liệt không chỉ ảnh hưởng đến vĩ mô mà còn tác động tiêu cực tới vi mô. Điều này được thể hiện qua việc các doanh nghiệp hoặc phá sản, hoặc mạnh tay cắt giảm nhân sự, lương thưởng.
Số liệu từ báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước đạt gần 1.200 doanh nghiệp.
Kết quả là nhiều "anh cả" của ngành đồng loạt chứng kiến quy mô nhân sự giảm sâu (Tập đoàn Đất Xanh, KS Finance, Novaland…), có nơi giảm tới 50%. Nhưng BĐS không chịu "tổn thương" một mình vì liên quan đến BĐS, còn có hàng chục ngành nghề quan trọng khác.
Đi cùng với BĐS là xây dựng. Ngành xây dựng có nhiều ông lớn như Tập đoàn Hòa Bình rơi vào tình cảnh "cạn" dòng tiền, mạnh tay cắt giảm lương của người lao động.
Tổ công tác của Thủ tướng gỡ vướng 7 dự án ở Đồng Nai
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng vừa thông báo kết quả giải quyết vướng mắc cho 7 dự án BĐS ở Đồng Nai.
Trong đó, nhóm 4 dự án gồm: Khu dân cư Long Hưng (227ha); khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng (286ha) - chủ đầu tư Donacoop; khu đô thị Đồng Nai Waterfront (170ha) - chủ đầu tư Công ty CP đầu tư Nam Long; khu đô thị Aquacity (305ha) - chủ đầu tư Tập đoàn Novaland.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, 4 dự án trên có hai vướng mắc chính là chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung TP Biên Hòa. Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng có sai lệch, chưa phù hợp với quy hoạch 1/500 được duyệt.
Vướng mắc thứ hai là các đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án chưa bố trí nhà ở xã hội theo quy định.
Theo Tổ công tác, các dự án này thuộc phạm vi đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu C4, TP Biên Hòa, do UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét phê duyệt.
Để gỡ vướng, tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát quy hoạch chi tiết 4 dự án thuộc khu vực phân khu C4, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Đề xuất phương án, giải pháp điều chỉnh tại đồ án quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết các dự án liên quan.
Hiện quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 điều chỉnh. Do đó, tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, đánh giá nội dung quy hoạch chi tiết các dự án và nội dung điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 để báo cáo Thủ tướng xem xét việc điều chỉnh.
Về việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định của pháp luật về nhà ở xã hội trong từng thời kỳ, rà soát thời điểm phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương, lựa chọn chủ đầu tư để xác định quỹ đất nhà ở xã hội đúng quy định.
Đề xuất các phương án bố trí nhà ở xã hội phù hợp trong dự án hoặc trong phân khu C4, hoặc khu vực lân cận trong TP Biên Hòa, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trường hợp Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư, tại phường Hố Nai (TP Biên Hòa) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, nghĩa vụ về tài chính, đất đai, và được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Vì vậy, Tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan của địa phương khẩn trương rà soát các thủ tục pháp lý dự án, thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án.
Đối với dự án khu đô thị du lịch Nhơn Phước (204ha), đến nay chủ đầu tư Hưng Thịnh đã được giao khoảng 81,7ha theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trong đó, khoảng 36,6ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh; khoảng 45ha đất ở. Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận đối với khoảng 75ha nhưng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.
Tổ công tác cho rằng, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư khu đô thị du lịch Nhơn Phước thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan của địa phương, khẩn trương thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án.
Tại dự án khu đô thị sinh thái Long Tân (tại phường Hố Nai, TP Biên Hòa) của Tổng Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (DIC), thực hiện từ năm 2009, ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 122 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, xác định rõ các vướng mắc thực tế của dự án, trên cơ sở đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.
Bất động sản mới nhất. (Ảnh: Hà Phong) |
Cơ quan nào cho phép chuyển mục đích sử dụng đất?
Theo báo Xây dựng, gia đình ông Nguyễn Văn M. (Hà Nam) có 300m2 đất vườn, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thời hạn đến năm 2063, có trong kế hoạch sử dụng đất của huyện năm 2023.
Ông M. hỏi, hiện nay, toàn tỉnh Hà Nam đang tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất có đúng không? Nếu đúng thì khi nào tiếp tục cho chuyển đổi và khi chuyển đổi thì hồ sơ cần giấy tờ gì, cơ quan đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ, thời gian giải quyết trong bao lâu?
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam trả lời vấn đề này như sau:
Nội dung câu hỏi của ông M. liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất của gia đình. Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai năm 2013:
"2. UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định".
Các nội dung ông M. hỏi thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Vậy ông có thể liên hệ trực tiếp đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để biết thêm chi tiết hoặc được hướng dẫn cụ thể.
| Căng thẳng với Trung Quốc, Australia dùng ‘vũ khí’ năng lượng, ‘uốn’ thành công dòng chảy thương mại, vẫn kiếm bộn tiền Australia đã có sự chuyển hướng thương mại thực sự “phi thường” sang các thị trường châu Á trong bối cảnh căng thẳng với Trung ... |
| Giá tiêu hôm nay 28/4/2023, tiếp tục tăng mạnh, tiêu Việt chịu cạnh tranh gay gắt với tiêu Indonesia tại thị trường Trung Quốc Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 65.000 – ... |
| Bất động sản mới nhất: Giai đoạn ‘lửa thử vàng’, vẫn có nhà đầu tư dùng ‘thủ thuật’ làm giá, điểm danh dự án giảm giá tại Hà Nội và TP.HCM Thị trường trầm lắng, giao dịch giảm mạnh, thanh khoản thấp, nhà đầu tư chờ đợi “bắt đáy”, vì sao giá nhà ở xã hội ... |
| VCCI và niềm tin về đường hướng phát triển của các quốc gia trong khu vực trũng của kinh tế thế giới Với sự tham gia hội nhập hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà tổ chức đại diện là VCCI, thông qua các ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (21-27/4): Hàn Quốc kiểm soát hàng xuất sang Nga-Belarus, thêm một quốc gia ‘xa lánh’ USD, G7 sắp ‘ra tay’ với Moscow G7 xem xét cấm gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ sớm đạt thỏa ... |