Thị trường bất động sản đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp. (Nguồn: AQC) |
Giá giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều giảm
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, tình hình thị trường BĐS 6 tháng đầu năm tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường BĐS vẫn chưa thể sôi động trở lại.
Tin liên quan |
Bất động sản mới nhất: Thị trường cần thời gian để ‘ngấm’, nhà đầu tư ‘săn’ hàng cắt lỗ, hé lộ phân khúc phục hồi đầu tiên |
Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Bên cạnh đó, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án BĐS, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.
Nguồn cung BĐS tiếp tục hạn chế tại tất cả phân khúc. Trong đó, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 659 dự án đang triển khai xây dựng, đạt khoảng 60,4% so với 6 tháng cuối năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm nay, 4 nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng với quy mô 934 căn hộ. Hiện có một dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn.
Đáng chú ý, dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn, bằng 133,33% so với quý IV/2022 gồm: 2.458 căn hộ du lịch, 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú. Có 56 dự án với 25.368 căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn văn phòng kết hợp lưu trú đang triển khai.
Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm giá giao dịch BĐS tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I năm nay. Giá chung cư tại các địa phương giảm 2-6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm 6-10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng 8-11%.
Về tổng lượng giao dịch, có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 40,69% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng cho biết, BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết đơn vị này đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp. Đơn cử, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TPHCM về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.
Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án BĐS. Đồng thời, tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo định kỳ; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS; tăng cường công tác thông tin dự báo; có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường; xử lý các vấn đề "nóng" phát sinh.
Căn hộ siêu sang và biệt thự hơn 20 tỷ đồng khó bán
Thông tin về thị trường BĐS quý II vừa qua, JLL Việt Nam - một đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS - đánh giá, tại TPHCM và Hà Nội, căn hộ siêu sang và nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) đều ghi nhận tỷ lệ bán hàng thấp.
Tại Hà Nội, tổng số căn hộ phân khúc cao cấp được bán ra trong quý II đạt khoảng 777 căn, nhỉnh hơn so với số liệu được ghi nhận trong quý trước.
Các dự án có nhiều ưu đãi và đang bán với mức giá dưới 3.000 USD/m2 (khoảng 71 triệu đồng/m2) là các sản phẩm thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Trong khi đó, các dự án có giá từ 3.100 USD/m2 (khoảng 735 triệu đồng) trở lên ghi nhận tỷ lệ bán hàng rất thấp.
Giá bán trung bình của thị trường căn hộ cao cấp tại Hà Nội đạt 3.046 USD/m2 (khoảng 711 triệu đồng) tăng 2,7% theo quý. Đa số dự án duy trì mức tăng trưởng giá bán theo quý dao động trong khoảng 1-2%, do các dự án này đều đã bước đến giai đoạn hoàn thiện hoặc bàn giao và các chương trình chiết khấu được gỡ bỏ.
Về thị trường nhà liền thổ (biệt thự và liền kề), cả quý II, thị trường Hà Nội ghi nhận bán được 105 căn. Tốc độ bán hàng ở các dự án nhà liền thổ có giá hơn 20 tỷ đồng ở các quận nội thành vẫn ở mức thấp, tầm 5-10 căn/quý do tâm lý thị trường yếu.
Không có nhiều thay đổi trong giá bán sơ cấp theo quý, đa số dự án nhà liền thổ ở Hà Nội do đa số các dự án đều đang khóa bảng hàng. Giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường rơi vào mức 7.227 USD/m2 đất (khoảng 170 triệu đồng), tăng 0,72% so với quý trước.
Tại thị trường TPHCM, trong quý II, thị trường căn hộ phân khúc cao cấp ghi nhận được 1.090 căn đã bán. Dù có nhiều tín hiệu tích cực về nguồn cung, nhưng tỷ lệ bán được ở căn hộ phân khúc cao cấp vẫn giảm xuống 39,8%, phản ánh xu hướng lượng giao dịch đang chậm lại.
Đối với thị trường căn hộ phân khúc cao cấp, giá bán sơ cấp tại TPHCM đạt 5.183 USD/m2 (khoảng 123 triệu đồng), giảm nhẹ 2% so với quý trước. Đối với thị trường thứ cấp, giá tăng nhẹ 1,5% so với quý trước đặc biệt ở các dự án đạt chất lượng cao và vị trí tốt.
Số lượng giao dịch tại thị trường nhà liền thổ ở TPHCM vẫn hạn chế. Các sản phẩm trên thị trường sơ cấp chủ yếu là hàng tồn kho có giá trị giao dịch lớn (trên 1 triệu USD/căn, tương đương khoảng 23,6 tỷ đồng/căn) nên giao dịch càng hạn chế trong bối cảnh tâm lý thị trường thận trọng.
Giá sơ cấp trung bình của các dự án nhà liền thổ tại TPHCM tăng nhẹ 1% theo quý chủ yếu do các dự án hiện hữu không còn áp dụng chính sách kích cầu mạnh như của quý trước. Sự biến động này chủ yếu diễn ra ở địa bàn khu Đông (TP Thủ Đức) do các dự án sơ cấp tập trung ở đây.
Tại thị trường TPHCM, trong quý II, thị trường căn hộ phân khúc cao cấp ghi nhận được 1.090 căn đã bán. (Nguồn: Zing) |
Phân khúc cao cấp dần “hạ nhiệt”
Thống kê của CBRE cho thấy trong quý II, giá trung bình căn hộ trên thị trường sơ cấp ở TP.HCM dưới 60 triệu đồng/m2, giảm 4,8% so với quý trước và lần đầu tiên ghi nhận mức giảm trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều dự án đã mở rộng biên độ giá bán ứng với các điều kiện thanh toán khác nhau nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt là với các căn hộ nằm trong phân khu đã được bàn giao.
Trước đây, một số dự án cao cấp ở khu Đông có giá bán dao động 50-75 triệu đồng/m2. Hiện nay, con số này đã được điều chỉnh xuống còn khoảng 35-65 triệu đồng/m2, ứng với các tiến độ thanh toán khác nhau.
Các động thái trên khiến giá bán trung bình của các dự án giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Cũng nhờ vậy, tỷ lệ hấp thụ của các dự án trong quý vừa qua đã đạt gần 80%.
Đối với thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn tiếp tục đi xuống khi giảm 4% so với quý I và giảm gần 5% so với cuối năm 2022. Đà giảm này chủ yếu tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp. Thậm chí, mức giảm còn có thể lên tới 20-30% so với cuối năm 2022 đối với một số dự án tại khu vực TP Thủ Đức.
Ở chiều ngược lại, giá bán thứ cấp ở phân khúc trung cấp và bình dân trong nửa đầu quý II vẫn tăng lần lượt 6% và 4% so với giai đoạn cuối năm 2022. Do mức giá trên thị trường sơ cấp khá cao, nhiều người mua nhà có xu hướng tìm tới các dự án đã bàn giao với giá cả phải chăng.
Hà Nội: Đấu giá quyền sử dụng đất vẫn gặp nhiều khó khăn
Theo tin từ UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp khó khăn, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, nhất là ở các huyện, thị xã.
Nguyên nhân chủ yếu do thị trường BĐS giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai.
Thành phố tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội.
Thời hạn ủy quyền từ ngày 4/7/2023 đến hết ngày 30/6/2025.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và ủy ban nhân dân thành phố trong phạm vi quyền, nhiệm vụ được ủy quyền; không được ủy quyền lại cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo đề xuất thành phố xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền.
| Bình Định - điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản Bình Định chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, tuân thủ theo quy định về các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ... |
| Giá tiêu hôm nay 7/7/2023, lấy lại mốc quan trọng, giá tiêu Việt xuất khẩu giảm gần 30%, đánh giá khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – 70.000 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 8/7/2023, doanh nghiệp Trung Quốc mua tương đối đủ hàng, dự báo xuất khẩu kém sôi động Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 67.000 – 70.000 đồng/kg. |
| Bất động sản mới nhất: Thị trường trong trận kéo co; khách có nhu cầu chỉ quan sát; người Việt vẫn ‘ấp ủ’ mong muốn sở hữu đất nền Giao dịch ảm đạm, thị trường giằng co; thanh khoản kém; nguồn cung và lực cầu đều đang đối diện nhiều thách thức… là những ... |
| Chính thức khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore tại Việt Nam Sáng 7/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham ... |