Người mua BĐS hiện nay có yêu cầu cao hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn về sản phẩm. (Nguồn: Dân trí) |
Tăng sức hấp dẫn cho BĐS
Cùng với xu thế chung trên thế giới, tại Việt Nam, người mua BĐS hiện nay có yêu cầu cao hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn về sản phẩm. Do vậy, để duy trì cũng như nâng cao tính cạnh tranh, các chuyên gia khuyến cáo, chủ đầu tư cần chú trọng yếu tố xanh, hướng đến giá trị bền vững trong quá trình hoạch định và truyền tải đúng giá trị cam kết khi triển khai dự án.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels phân tích, thị trường vẫn đang dịch chuyển và các chủ đầu tư cần tiếp nhận những thay đổi, xu thế mới để duy trì được tính cạnh tranh. Thị trường ngày càng cạnh tranh về giá bán, vì vậy các chủ đầu tư luôn cần có những cách tiếp cận mới cũng như cải tiến sản phẩm và trong bối cảnh hiện nay.
Yếu tố công trình xanh, hướng đến giá trị bền vững đang dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc hoạch định, phát triển dự án. Trước đây, khi thị trường chưa hiểu rõ về giá trị của công trình xanh, người mua thường cảm thấy khó thuyết phục khi phải chi trả thêm cho các giá trị "vô hình" này.
Nhưng giờ đây, bối cảnh thị trường đã thay đổi, người mua ngày càng khắt khe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm được phát triển chỉn chu, đáp ứng các tiêu chí bền vững. Điều này giúp các chủ đầu tư có thể cải thiện biên lợi nhuận khi dự án có thể truyền tải tốt và đưa sản phẩm đúng đến với người mua.
Đặc biệt, nếu được triển khai tốt, các dự án công trình xanh có thể giúp cải thiện chi phí hoạt động sau khi đi vào vận hành. Chính vì vậy, lợi ích của công trình xanh là kết quả cộng hưởng của hai yếu tố, vừa giúp sản phẩm có thể đạt mức giá bán tốt hơn đồng thời cũng tối ưu chi phí hoạt động hơn những sản phẩm truyền thống thông thường.
Khi phát triển các công trình xanh, chủ đầu tư cần xem xét không chỉ từ góc độ lợi ích marketing, truyền thông dự án, mà còn ở hiệu quả tài chính từ việc vận hành dự án trong dài hạn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy yếu tố phát triển bền vững đòi hỏi một lộ trình vì điều này cần có sự thay đổi trong nhận thức của cả cộng đồng, chứ không chỉ đến từ một chiến dịch riêng lẻ.
Đơn cử như từ những công việc thường ngày, chẳng hạn xử lý rác thải. Tại các nước châu Âu, việc phân loại rác sẽ được mỗi hộ gia đình tiến hành tại nhà trước khi rác thải được tập kết và thu gom hoàn toàn, khác với tại Việt Nam - chuyên gia của Savills dẫn chứng. Những hành động nhỏ này là điều kiện cần thiết cho những thay đổi lớn hơn.
Do đó, ông Mauro Gasparotti cho rằng, Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực hơn để hình thành những thói quen hướng đến lộ trình phát triển bền vững. Trong số đó, có thể cân nhắc dành thêm nguồn lực để tăng cường truyền thông về tính cấp thiết của hành trình phát triển bền vững để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề này.
Nguồn cung và giao dịch căn hộ tại TPHCM phục hồi tích cực
Giới chuyên môn nhận định, thị trường căn hộ Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đang có sự phục hồi tích cực về nguồn cung và giao dịch. Hầu hết các dự án mở bán đều đi kèm chính sách bán hàng hấp dẫn.
Cụ thể, nhiều ưu đãi lãi suất vay kéo dài và thanh toán linh hoặc chia nhỏ dòng tài chính tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nhóm khách hàng có nhu cầu mua ở thực, thu nhập tầm trung đang được áp dụng, triển khai.
Nhất là trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn yếu, sức mua hạn chế, hầu hết các dự án mở bán ở TPHCM giai đoạn này đều có mức giá thuộc loại hình trung cấp, trên dưới 45 triệu đồng/m2 và khoảng 20-40 triệu đồng/m2 tại vùng lân cận. Với mức giá trên, các chuyên gia đánh giá là phù hợp với sức mua của thị trường thời điểm hiện tại.
Có thể kể đến một số dự án như: Dự án Akari City giai đoạn 2 của Nam Long có mức giá cạnh tranh từ 45 triệu đồng/m2; dự án The Privia Khang Điền có giá từ 48 triệu đồng/m2...
Theo số liệu của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), thị trường BĐS cuối năm nay đã đi qua vùng đáy. Mức độ vượt khó của thị trường trong quý III/2023 đã đạt 43,2% so với đầu năm. HoREA đánh giá, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường dự kiến sẽ sáng hơn trong thời gian tới trước khi đi vào tiến trình phục hồi, dự kiến sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2024.
Theo báo cáo về thị trường BĐS TPHCM và vùng phụ cận tháng 11 của DKRA, đối với căn hộ, nguồn cung mới tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại TPHCM. Đáng chú ý, nguồn cung mới tại Thành phố chủ yếu ở phân khúc căn hộ hạng B, tập trung tại khu Tây với mức giá từ 52 đến 57 triệu đồng/m2. Ở phân khúc này, để kích cầu thị trường, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng, triển khai các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán....
Còn theo nhận định của DKRA, mặt bằng giá bán sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động. Đặc biệt, thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng nhanh. Với loại hình nhà phố, biệt thự, các giao dịch phát sinh ở các dự án đã mở bán trước đó.
T&T Group khởi công dự án đô thị hơn 1.000 tỷ đồng tại Cà Mau
Ngày 10/12, tại Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau và Tập đoàn T&T Group đã chính thức khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị mới khóm 5, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau với quy mô gần 23 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án Khu đô thị mới khóm 5, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. (Nguồn; T&T) |
Thông qua việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, căn cứ kết quả sơ tuyển quốc tế và quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận kết quả trúng thầu và lựa chọn T&T Group là nhà đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 2511/QĐ-UBND ngày 30/12/2020.
Theo đó, dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một khu đô thị văn minh - hiện đại, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; góp phần phát triển đô thị bền vững và từng bước cụ thể hóa Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Dự án Khu đô thị mới khóm 5 tọa lạc tại vị trí đắc địa ở phường 1, giữa trung tâm thành phố Cà Mau, nơi tập trung đông dân cư và là nơi giao thương kinh tế, phát triển du lịch tại địa phương. Dự án tiếp giáp với tuyến đường Ngô Quyền và Vành đai 1 (Tạ Uyên nối dài), thừa hưởng lợi thế từ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ nên tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển và liên kết các vùng ở khu vực lân cận.
Theo quy hoạch, với quy mô gần 23 ha, dự án sẽ xây dựng tổng số 1.307 sản phẩm, đa dạng các loại hình như: nhà ở liên kế kết hợp thương mại dịch vụ, nhà ở liên kế, nhà ở biệt thự, nhà ở hỗn hợp và nhà ở xã hội. Cùng với các dịch vụ tiện ích hiện đại, đầy đủ như: Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao, trường học, công trình y tế, thương mại – dịch vụ,…, dự án hứa hẹn sẽ trở thành chốn an cư lý tưởng của gần 5.000 cư dân tại tỉnh Cà Mau trong tương lai, đáp ứng nhu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao của người dân địa phương.
Đất 50 năm chuyển sang đất thổ cư để xây nhà ở có được không?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất như sau: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, chỉ có đất ở mới được xây nhà ở. Vậy nên, nếu muốn xây nhà ở trên đất 50 năm thì đất 50 năm cần phải chuyển sang đất thổ cư.
Căn cứ Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định chuyển mục đích sử dụng đất như sau: Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
+ Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
+ Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm.
+ Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.
+ Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
+ Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.
+ Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
+ Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
- Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
Như vậy, khi chuyển đất 50 năm sang đất thổ cư thì phải có quyết định cho phép chuyển sang đất thổ cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi được cho phép chuyển từ đất 50 năm sang đất thổ cư thì cá nhân, hộ gia đình có thể xây nhà ở trên đất này.
Hồ sơ chuyển đất 50 năm sang đất thổ cư bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT có quy định hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
- Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hồ sơ gồm: Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất là 1 bộ hồ sơ bao gồm: Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.