HoREA nhận định, thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi. (Nguồn: Báo XD) |
Thị trường bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại
Tong Báo cáo số 32/2024/CV-HoREA gửi Bộ Xây dựng, các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS ngày 5/3/2024, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định Thị trường bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại.
HoREA cho biết, thị trường BĐS cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại khi trong 2 tháng đầu năm 2024, BĐS đứng đầu trong nhóm thu hút vốn FDI.
Theo HoREA, từ nửa cuối năm 2022 đến hết quý I/2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường BĐS cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, quý I/2023 là "vùng đáy" của thị trường BĐS Thành phố Hồ Chí Minh với mức tăng trưởng âm đến -16,2%. Quý II/2023, thị trường BĐS Thành phố dần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng có dấu hiệu giảm dần với mức tăng trưởng âm là -11,5%.
Đến quý III/2023, thị trường BĐS Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại, tốc độ có chậm nhưng thể hiện sự phục hồi vững chắc hơn, tiếp tục xu thế giảm dần với mức tăng trưởng âm là -8,7%.
Và đến cuối năm 2023, HoREA nhận định thị trường BĐS Thành phố đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng đã giảm rõ rệt với mức tăng trưởng âm cả năm 2023 chỉ còn là -6,38%.
Điều đáng mừng là đến 2 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất.
Bên cạnh đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BĐS cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.
Với đà phục hồi này, HoREA nhận định thị trường BĐS sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023. Nguồn cung BĐS trong quý III tăng trưởng rõ rệt so với quý trước cả về số lượng dự án hoàn thành, dự án đủ điều kiện mở bán…
Các dấu hiệu tích cực của thị trường BĐS và kết quả triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm 2024.
Trong đó, thị trường BĐS 2024 sẽ có hai điểm sáng. Đó là BĐS công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI lớn trong khi giá thuê BĐS công nghiệp đang tăng cao. Tiếp đó là nhà ở giá vừa phải và nhà ở xã hội khi có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 nên đây sẽ là phân khúc nhà ở có nhiều nguồn cung trong năm.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2024 được coi là "cơ hội vàng" để giải quyết những khó khăn, chồng chéo những vấn đề vướng mắc của thị trường BĐS.
Thời điểm hiện tại, thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Trong thời gian tới, với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại.
Đáng chú ý, sang năm 2024, với những sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý đầy đủ, thị trường sẽ có những bước phát triển trở lại, nhất là khi dòng vốn đầu tư công được giải ngân, tín dụng ngân hàng mở trở lại và các dự án triển khai hoàn thiện ra hàng nhiều hơn, đa dạng hơn…
Chấp thuận chủ trương cho khu công nghiệp Đông Anh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP Hà Nội.
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư dự án.
Dự án khu công nghiệp Đông Anh được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, với tổng vốn đầu tư là gần 6.339 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267 tỷ đồng.
Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 179,1ha và giai đoạn 2 là 120,35ha.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý Nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND TP Hà Nội đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm về những nội dung đã chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành…
Một góc của Khu công nghiệp Thăng Long thuộc xã Võng La và xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Nguồn: Dân trí) |
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án. Trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn theo cam kết của nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Hướng dẫn nhà đầu tư tuân thủ các điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh được phê duyệt, trong đó lưu ý việc đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Đông Anh phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển mới của Thủ đô và định hướng phát triển các ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo quy định.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư là Vinaconex chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Vinaconex đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Doanh nghiệp chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.
Hải Phòng tìm nhà đầu tư khu đô thị tại huyện An Dương 4.882 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa có thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương.
Dự án có diện tích sử dụng đất 641.929,4 m2. Quy mô đầu tư bao gồm xây dựng công trình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Trong đó, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 1.420 căn nhà ở liên kế cao từ 3 - 4 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 473.091 m2; 117 căn biệt thự cao 4 tầng, tổng diện tích sàn 99.511 m2 cùng 1.698 căn nhà ở xã hội xây dựng trên khuôn viên hai khu đất có tổng diện tích 48.682 m2.
Về hạ tầng kỹ thuật, dự án sẽ có một trường liên cấp, một khu thương mại dịch vụ 9 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 57.987 m2, một trung tâm văn hóa - thể dục thể thao với tổng diện tích sàn xây dựng 6.083 m2, một chợ với tổng diện tích sàn xây dựng 2.539 m2 và một công trình y tế với tổng diện tích sàn xây dựng 1.310,8 m2.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.882 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 4.263 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 619 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại để bán nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở thương mại và hình thành một khu đô thị mới có điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thuê mua nhà hoặc thuê nhà, mua nhà; hệ thống trường học liên cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); Chợ, Trung tâm thương mại, Trung tâm văn hóa thể thao... nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, về học tập, về mua sắm phục vụ sinh hoạt của người dân.
Hiện trạng khu đất gồm đất ở, đất nông nghiệp (ruộng, vườn tạp...), mặt nước (kênh, mương, ao hồ...), giao thông, công trình đầu mối kỹ thuật...
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, thuê đất. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành là 66 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 732 tỷ đồng và từng thực hiện một dự án tương tự. Hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự án là ngày 8/4/2024.
Các khoản thu ngân sách từ đất đai được quy định như thế nào?
Các khoản thu ngân sách từ đất đai được quy định tại Điều 153 Luật Đất đai 2024.
Khoản 1, Điều 153 Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định các khoản thu ngân sách từ đất đai bao gồm:
a) Tiền sử dụng đất;
b) Tiền thuê đất;
c) Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai;
d) Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai;
đ) Tiền sử dụng đất tăng thêm, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng;
e) Thuế sử dụng đất;
g) Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;
h) Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
i) Khoản thu khác theo quy định của pháp luật.