Tin bất động sản mới nhất: Khu tái định cư sân bay Long Thành đang được khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng. (Nguồn: BXD) |
Kẻ cắt lỗ, người găm tiền chờ bắt đáy sau khi “sốt” đất hạ nhiệt
Ngay sau khi "sốt" đất ở nhiều địa phương hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nguồn vốn tốt lại "săn" các sản phẩm bất động sản "cắt lỗ".
Trong báo cáo thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc.
Có lẽ thị trường luôn biến động, khi xuất hiện tình trạng "cắt lỗ" cũng là lúc dòng vốn lại theo dõi bắt đáy tìm kiếm cơ hội sinh lời khi kinh tế hồi phục. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang lấn cấn không biết có nên xuống tiền mua vào những căn hộ chung cư cao cấp hay không khi mà ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn dai dẳng với nền kinh tế.
Theo các nhà đầu tư, thị trường nhà đất ở mỗi địa phương sẽ khác nhau, có nơi thì giá vẫn tăng, thậm chí là "nóng sốt". Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, một số nơi đã trầm lắng, giá giảm, nhưng mặt bằng giá vẫn còn quá cao khiến nhiều người cân nhắc nhiều "xuống tiền".
Tuy nhiên, cũng chính lúc thị trường hạ nhiệt, giá đất có dấu hiệu ngừng tăng thì người mua có lợi thế hơn trong thương thảo, giao dịch. Nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàng dòng tiền để có thể bắt đáy đúng thời điểm mua vào bất động sản vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Nhận định về thị trường bất động sản sau cơn "sốt đất", giới chuyên gia thì cho rằng, đây là "thời điểm vàng" để mua vào bất động sản nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát khi đó bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, những người có nhu cầu bắt đáy tiềm lực tài chính phải vững chắc, bởi đầu tư bất động sản là đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến còn phức tạp và khó lường. Nhiều phân khúc như: chung cư bình dân, trung cấp và đất liền kề, thổ cư vẫn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất.
Những nơi sốt đất ảo ở Hải Phòng
Hải Phòng nhận định, các quận, huyện như Dương Kinh, Hải An, Thuỷ Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thuỵ... có hiện tượng “làm giá” khiến giá đất cao bất thường.
Tại Chỉ thị tăng cường quản lý về đất đai, giá đất mới đây, UBND TP Hải Phòng cho biết xuất hiện nhiều giao dịch có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại nhiều lần tại cùng một thửa đất, vị trí. Điều này khiến giá đất trở nên cao bất thường.
Hải Phòng cho biết, nhà đầu tư trong lĩnh vực này khá đa dạng, có cả cá nhân và doanh nghiệp không chuyên trong lĩnh vực bất động sản.
"Đây là hoạt động ‘làm thị trường’, để tạo ‘sốt đất’ của một nhóm nhà đầu tư có tổ chức, có kịch bản chuẩn bị sẵn, hoạt động bài bản, lợi dụng các thông tin quy hoạch nhằm tạo sốt đất ảo để kiếm lời", địa phương nêu rõ.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 4/2021, giá đất tại Hải Phòng đã tăng hàng chục phần trăm so với tháng trước. Tình trạng này đã kéo theo nhiều hệ luỵ, gây mất cân bằng thị trường, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của thành phố, phát sinh các tiêu cực như tín dụng đen, mất an ninh trật tự.
Để hạn chế sốt đất, Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng bảng giá đất, tăng kiểm tra quản lý, sử dụng đất, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng dự án, tài sản; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, xử lý các trường hợp cố tình gây rối...
Số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đến hết quý I/2021, tại các vùng ven Hải Phòng, giá đất trung bình đã tăng 60-70% so với cuối 2020. Tuy nhiên, hiện tại, các giao dịch đã chững, thị trường đất nền Hải Phòng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vân Đồn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Báo cáo Thủ tướng xem xét đề xuất đầu tư dự án có casino ở Vân Đồn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về chủ trương đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (Quảng Ninh) trong đó có đầu tư casino và thí điểm cho người Việt Nam vào chơi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 3/3, Bộ nhận được văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc quyết định đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất thực hiện dự án với mục tiêu kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, casino và thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino. Xây dựng và kinh doanh sân golf, bất động sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và hoạt động của các cơ sở thể thao, giải trí.
Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 445ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 46.000 tỷ đồng. Thời gian lựa chọn nhà đầu tư là quý II/2021; quý III/2021, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng; từ quý IV/2021 đến hết quý IV/2030 xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch.
Thời gian thực hiện dự án là 70 năm kể từ thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước đó Bộ đã thẩm định hồ sơ dự án, trình Thủ tướng tại Công văn 179 ngày 9/1/2020, trong đó có nội dung về chấp thuận đầu tư dự án đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có đề xuất mới nên căn cứ pháp lý để thẩm định hồ sơ dự án có sự điều chỉnh, bổ sung.
Nhanh chóng đưa vào sử dụng khu tái định cư sân bay Long Thành
Được khởi công xây dựng từ tháng 4/2020, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (khu tái định cư sân bay Long Thành) phục vụ xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ các công trình trường học để sớm đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2021-2022.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, sau hơn 1 năm thi công, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ dân cư đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị dịch vụ đã tiến hành đấu nối xong như điện, cấp nước, cáp viễn thông…
Cụ thể, có 50km đường giao thông đã xây dựng xong cùng 450.000m2 vỉa hè. Bên cạnh đó là cây xanh được trồng 2 bên và dải phân cách với chủ yếu là loại dầu rái, sao đen, bằng lăng, hoa giấy, cỏ lá gừng... Cùng đó là hệ thống cấp nước dài 70.000m và thoát nước mưa dài gần 78.000m đã hoàn thành.
Đầu năm 2021, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh xây dựng 11 công trình hạ tầng như: 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa và chợ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy hoạch sẽ có 11 công trình hạ tầng xã hội được xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Hiện nay, ngoài 4 công trình đã được khởi công xây dựng thì 4 công trình khác cũng đang thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công và 3 công trình đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.