Trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí) |
Thủ tướng ký công điện tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1164 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở.
Tại công điện nêu trên, Thủ tướng yêu cầu nhiều cơ quan thực hiện kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng được yêu cầu chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện chủ động triển khai tích cực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác nêu trên. Đồng thời, cơ quan này phải rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS…
Bộ trưởng bộ này cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan, lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ và triển khai tích cực, có hiệu quả hơn.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại và các chủ thể liên quan cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển…
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện, chủ động rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo thẩm quyền để đôn đốc, hướng dẫn; trường hợp vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn thuộc lĩnh vực đất đai trong triển khai thực hiện phát triển thị trường và các dự án BĐS.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng yêu cầu, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án BĐS.
Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu chủ động, tích cực hơn nữa để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, BĐS trên địa bàn.
Các tỉnh thành đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó là các bên tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án BĐS, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền các cấp, các địa phương.
Đặc biệt, các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đồng thời, các đơn vị trên cũng đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, BĐS trên địa bàn.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán..., phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. Ngày 17/11 trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp.
Hà Nội ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại khu thiếu hạ tầng
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, Sở Xây dựng được yêu cầu trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được UBND TP phê duyệt, khẩn trương rà soát, xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm theo quy định của Luật Nhà ở, trong đó xác định rõ danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn TP.
Sở này cũng được giao thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn.
Sở khẩn trương lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn; rà soát đối tượng, điều kiện, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Sở này phải phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội TP trong việc rà soát, tổng hợp nhu cầu của khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Đặc biệt, UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường BĐS và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng BĐS trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh BĐS, pháp luật về đất đai, xây dựng...
Sở Tài nguyên và Môi trường cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai để các chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, dự án nhà ở mới nhằm tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở; có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội yêu cầu, công khai danh mục dự án, quỹ đất, quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở, BĐS trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án nhà ở, BĐS; theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Thị trường nhà đất có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, tỉnh này có 85 dự án nhà ở có chủ đầu tư đang được triển khai trên diện tích xây dựng theo quy hoạch gần 1.500ha, hơn 39 triệu m2 sàn. Tổng mức đầu tư là hơn 116.000 tỷ đồng, quy mô khoảng 98.000 căn hộ.
Trong đó, 18 dự án nhà ở xã hội, gần 11.000 căn hộ; 67 dự án nhà ở thương mại, gần 87.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 27 dự án hoàn thành và số nhà đã xây chỉ có hơn 7.000 căn (chiếm gần 7,4%), diện tích hơn 950.000m2.
Một khu dân cư ngay TP Quy Nhơn, Bình Định được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản nhưng rất nhiều lô đất bỏ trống, trong khi người dân thì phải lấn chiếm đất trên núi để ở. (Nguồn: Dân trí) |
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, nhiều dự án được phép chuyển quyền sử dụng đất cho dân tự xây dựng nhưng thực xây chỉ chừng 20%, phần để trống còn lại là của các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM.
Ông Bảo cho rằng, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế để đầu tư dự án. Bên cạnh đó, tình hình chung cả nước đều gặp khó khăn nên thị trường BĐS ở Bình Định ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Qua theo dõi, các dự án trên địa bàn giảm tiến độ thi công. Nếu như trước đây đối với các chung cư, chủ đầu tư xây dựng tiến độ mỗi tuần 1 tầng nhưng nay mỗi tháng 1 tầng. Các dự án nhà ở thương mại, kể cả các căn hộ condotel đều có dấu hiệu giảm khoảng 20%. Hiện chỉ có BĐS nhà ở của người dân thì giá bán vẫn cao do nhu cầu của họ không phải lớn", ông Bảo nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cũng cho biết, thị trường BĐS ở tỉnh Bình Định đang phát triển nhưng chưa phải quá lớn. Hiện dự án BĐS lớn nhất ở địa phương là Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tiếp đó là dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh nhưng tập đoàn này chủ yếu là BĐS du lịch, còn nhà ở không đáng kể.
Những dự án quy mô nhỏ vài chục hecta của các doanh nghiệp địa phương thì không liên quan đến phát hành trái phiếu nên ít bị tác động. "Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là trước đây có thể các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Còn bây giờ ngân hàng siết lại nhưng chưa đến mức nhà đầu tư phải bán tháo", ông Bảo nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định cho biết đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, công khai đầy đủ thông tin dự án nhà ở theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Đặc biệt, Sở thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin rao bán, nhận đặt cọc giữ chỗ của các cá nhân, tổ chức đăng trên các trang mạng xã hội đối với những dự án nhà ở chưa đủ hoặc không đủ điều kiện kinh doanh. Qua đó, đã đăng cụ thể thông tin cảnh báo từng dự án để người dân biết tránh thiệt hại sau này.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường mua bán, chuyển nhượng đất đai không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận chấn chỉnh môi giới BĐS không theo quy định
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường việc quản lý nhà nước về hoạt động môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là các tổ chức, cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện do pháp luật quy định nhưng vẫn tham gia hoạt động môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.701 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh BĐS, môi giới BĐS. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và không đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật, ngoài ra còn một bộ phận không nhỏ môi giới tự phát, không chuyên.
Bên cạnh đó, tình trạng thông tin sai sự thật về các BĐS được rao bán, nhất là về giá, loại hình sản phẩm để hưởng chênh lệch đang xảy ra khá phổ biến. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch, lành mạnh của thị trường BĐS, phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện sau giao dịch.
Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp xử lý đồng bộ, kiên quyết.
Bước đầu, Sở Xây dựng đã ban hành 15 văn bản khuyến cáo, nhắc nhở các chủ đầu tư, 30 văn bản khuyến cáo, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, yêu cầu tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Đối với các trường hợp tiếp tục vi phạm sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật…
| Thương mại toàn cầu 2023 sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, châu Âu vẫn tích cực mua khí đốt Nga, Trung Quốc kiện Mỹ ... |
| 11 tháng năm 2022, số thu từ nhà, đất ước tăng gần 40% so với dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ, ý ... |
| Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 58.500 – ... |
| Giá tiêu hôm nay 16/12, Việt Nam mua hơn 86% tiêu xuất khẩu của Campuchia, Đắk Lắk sản xuất bền vững Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 ... |
| Việt Nam và EU ký Thỏa thuận hợp tác hành chính trong lĩnh vực hải quan Thỏa thuận giữa Việt Nam và EU nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực thi Nghị định thư 2 về hỗ trợ hành ... |