📞

Bất động sản mới nhất: Tổng thu từ nhà, đất tăng gần 40%; đánh thuế căn nhà thứ 2, lo ngại dòng tiền ‘chạy khỏi’ TP.HCM

Hải An 09:31 | 13/12/2022
11 tháng năm 2022, số thu từ nhà, đất ước tăng gần 40% so với dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ, ý kiến trái chiều về việc thu thuế căn nhà thứ 2 tại TP.HCM… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Thiết kế tổng thể dự án Nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định.

Thị trường ảm đạm nhưng tổng thu nhà, đất vẫn cao

Theo Tienphong, thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn khi số lượng giao dịch trên thị trường sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do nhiều dự án mới bị trì hoãn mở bán trong năm 2022, trong bối cảnh quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật Đất đai sửa đổi. Đồng thời, tâm lý người mua nhà suy yếu do hạn mức tín dụng hạn chế, lạm phát do chi phí đẩy cao và lãi suất tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thuế, trong 11 tháng của năm 2022, tổng khoản thu từ nhà, đất chiếm khoảng 17,2% tổng thu nội địa, số thu ước đạt 222.626 tỷ đồng, tăng gần 40% so với dự toán và tăng 30,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 183.681 tỷ đồng, tăng hơn 36% dự toán và tăng gần 35% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất ước đạt 35.382 tỷ đồng, tăng hơn 43% dự toán và tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thuế đánh giá, nguyên nhân số thu nhà, đất tăng trên 30% so với cùng kỳ là do thị trường BĐS sôi động từ cuối năm 2021 cho đến cuối quý I/2022. Cùng với đó là bởi cơ quan thuế đã tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021, kịp thời nộp vào đầu năm 2022. Trong khi công tác thực hiện chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS cũng được đẩy mạnh.

Nhưng, đến những tháng gần đây, số thu thuế, phí từ lĩnh vực BĐS có dấu hiệu chững lại và sụt giảm đáng kể, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS đến thu lệ phí trước bạ nhà đất.

Trước đó, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tháng 6 thu lệ phí trước bạ tăng 78,4%, thì bước sang tháng 7, số thu chỉ bằng 76,8% so với tháng 6, tháng 8 bằng 72%, tháng 9 bằng 56,4%, tháng 10 bằng 57,4% và tháng 11 ước chỉ bằng 44,9%.

Chuẩn bị có thêm dự án nhà ở xã hội ở Bình Định

UBND tỉnh Bình Định vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định.

Dự án được xây dựng tại Khu CC-09 thuộc khu đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Cơ điện IEC có trụ sở tại Hà Nội là nhà đầu tư dự án trên.

Theo đó, dự án Nhà ở thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao tầng, nhà ở thương mại thấp tầng, chức năng khác phục vụ nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động trong khu công nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ trên khu đất có diện tích khoảng 37.617m2, bao gồm các hạng mục nhà ở xã hội cao tầng, nhà ở liền kề chức năng hỗn hợp, sân, đường, cây xanh cảnh quan và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà nằm trong phạm vi ranh giới dự án.

Trong đó các tòa nhà ở xã hội cao được xây dựng trong lô đất ở ký hiệu NƠXH có diện tích khoảng 26.433m2, gồm 4 tòa cao tầng ký hiệu CT-01, CT-02, CT-03, CT-04 quy mô cao 15 tầng, diện tích xây dựng khoảng 8.458,56m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 126.878,40m2, tổng số căn hộ khoảng 1.600 căn hộ, diện tích căn hộ khoảng từ 49-70m2.

Nhà ở liền kề được xây dựng có chức năng hỗn hợp để ở, dịch vụ thương mại với diện tích 6.224m2, với tổng số 82 căn, cao 4 tầng có diện tích khoảng từ 75-90m2.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.128 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư: 226 chiếm tỷ lệ 20,05% tổng vốn đầu tư, vốn vay: 789 tỷ đồng, chiếm 69,95% tổng vốn đầu tư, vốn huy động hợp pháp khác là 112 tỷ đồng, chiếm 10% trong tổng mức đầu tư. Việc huy động vốn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ dự án được thực hiện từ năm 2022 - tháng 08/2024 nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Phú Thọ lấy ý kiến việc tăng 41ha đất ở tại siêu dự án sân golf

Theo Cổng thông tin điện tử huyện Tam Nông (Phú Thọ), ngày 7/12, tại xã Quang Húc, UBND huyện Tam Nông tổ chức hội nghị lấy ý kiến của người dân về điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 dự án khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông.

Bản đồ quy hoạch điều chỉnh dự án. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Tam Nông)

Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 15/4/2021, có tổng diện tích gần 500ha, trong đó xây dựng 2 sân golf và 3 khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn xã: Thọ Văn, Lam Sơn, Quang Húc.

Để đảm bảo phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, dự án tiến hành điều chỉnh quy hoạch đất ở từ 99,37ha lên 140,29ha, đất công cộng dịch vụ từ 39 ha xuống còn trên 23ha, đất sân golf 161ha xuống còn 145ha, đất giao thông 71ha xuống còn 61ha và điều chỉnh quy hoạch một số loại đất sử dụng khác.

Liên quan đến dự án này, vào tháng 2/2022, Tập đoàn T&T đã khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, được biết đến là dự án khu đô thị sinh thái và sân golf có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Phú Thọ.

Lại “nóng” chuyện thu thuế căn nhà thứ hai

UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ một số cơ chế, chính sách đặc thù muốn được thí điểm để tạo động lực phát triển. Trong đó có chính sách thuế thu bổ sung với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của BĐS thứ hai trở lên.

Đề xuất thí điểm thu thuế nói trên được đông đảo người dân TP.HCM quan tâm. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì nhiều người lo ngại chính sách thuế mới này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D của DKRA Vietnam cho biết, thời điểm hiện tại thị trường BĐS đang khó khăn, trầm lắng. Việc thí điểm thu thuế BĐS thứ hai trở lên có thể khiến cho thị trường BĐS TP.HCM “ngủ đông”, mất nhiều thời gian để phục hồi.

Theo ông Thắng, việc thu thuế BĐS thứ hai trở lên là bài toán phức tạp, cần tính toán chi tiết để tránh bất công bằng xã hội. Điểm mấu chốt ở đây là phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý đất đai, bao gồm “người sở hữu” và “định giá BĐS”. Từ đó mới xác định được người sở hữu hai BĐS trở lên và mức thuế họ phải nộp.

Phó Giám đốc R&D của DKRA Vietnam cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên như Singapore, Mỹ, Đức hay Trung Quốc. Nếu áp dụng, TP.HCM cần tính toán mức thuế phù hợp cho từng loại hình BĐS như đất nền, nhà phố, căn hộ…

Dù ủng hộ việc thu thuế đối với BĐS thứ hai trở lên nhưng ông Thắng cho rằng cần có lộ trình thích hợp, có thể từ 3-5 năm tới, áp dụng tại các đô thị lớn trước.

Trong khi đó, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay, trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc đề xuất thí điểm thu thuế BĐS thứ hai trở lên là chưa hợp lý.

Theo ông Quang, điểm chưa hợp lý đầu tiên là thị trường BĐS chưa có sự minh bạch. Muốn minh bạch thì phải thực hiện số hóa BĐS, có số liệu thống kê giao dịch cũng như giá trị giao dịch trên thị trường.

“Thu thuế BĐS thứ hai trở lên chưa thể thực hiện được nếu không phân biệt được hạn mức số lượng BĐS và giá trị BĐS sở hữu. Như một BĐS có giá trị gấp 10 lần BĐS nhỏ, nếu đánh thuế theo số lượng BĐS thì sẽ dẫn đến bất công với những người sở hữu BĐS giá trị thấp”, ông Trần Khánh Quang phân tích.

Chuyên gia này nhận định, nếu chính sách này được áp dụng thì sẽ tác động mạnh đến thị trường BĐS, đặc biệt là TP.HCM. Khi đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm cách “né thuế” và dòng tiền đầu tư vào BĐS cũng sẽ “chạy khỏi” Thành phố.

Theo ông Quang, việc đánh thuế BĐS này không thể hạn chế được tình trạng đầu cơ. Bởi tại TP.HCM, sản phẩm BĐS có tính tương đồng cao, đáp ứng nhu cầu ở thực nhiều. Khó đầu cơ vì không mua được sản phẩm này thì có sản phẩm khác.

Còn ở tỉnh xa, các sản phẩm BĐS có tính tương đồng thấp và có sự chênh lệch rõ về giá bán. Tình trạng đầu cơ ở những nơi này xuất hiện nhiều hơn TP.HCM.

(tổng hợp)