Thị trường bất động sản quý II/2022 có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021. (Ảnh: Hà Phong) |
Hoạt động đầu tư, kinh doanh và mua bán BĐS đã cân bằng trở lại
Đây là nhận định của Bộ Xây dựng trong công bố thông tin tình hình thị trường BĐS quý II/2022 khi thị trường có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá chung, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần ổn định trở lại, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã có sự tăng trưởng tích cực, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững, hiệu quả.
Cụ thể, thị trường BĐS quý II/2022 có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng BĐS tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…
Số lượng nhà ở thương mại hoàn thành trong quý II/2022 là 24 dự án với 5.608 căn, số lượng dự án tăng khoảng 9% so với quý I/2022 và bằng khoảng 70,6 % so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng đó, số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.091 dự án với 327.125 căn, bằng khoảng 89,7% so với quý I và tương đương 97,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý vừa qua, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, chỉ bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Qua số liệu này cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có tổng số 16 dự án đã hoàn thành với 7.324 ô đất nền. Số lượng dự án tăng khoảng 78% so với quý I/2022. Số dự án đang triển khai xây dựng là 210 với 66.596 ô đất nền, tăng khoảng 16%; tổng số dự án được cấp phép mới là 10 dự án với 4.072 ô đất nền, bằng 77% so với quý I.
Đánh giá chung về giá nhà ở và một số loại BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, căn hộ bình dân (có mức giá từ 25-30 triệu đồng/m2) tại các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm đô thị hầu như không có. Căn hộ với mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm.
Hiện phân khúc căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30-50 triệu đồng/m2) vẫn là sản phẩm chủ đạo trên thị trường.
Số liệu trên cho thấy, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá các phân khúc tập trung trong quý I/2022 chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý của quý II.
Trong quý II/2022, tổng lượng giao dịch là 69.079 giao dịch, nguồn cung BĐS có 27.160 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch, khả năng hấp thụ của thị trường quý II tốt hơn.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, trong 2 quý vừa qua, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao. Các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Nguồn cung mới các sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án BĐS.
Tin liên quan |
Hiệp định CPTPP tạo xung lực cho hàng Việt chinh phục thị trường châu Mỹ |
Trong khi nhà ở, đất nền vẫn là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội thì nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.
Do đó, mặc dù giao dịch sản phẩm BĐS trên thị trường sơ cấp và thứ cấp hiện đã cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
“Săn” chung cư cũ có sổ hồng
Theo Vietnamnet, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thể nói, tâm lý mua nhà của không ít người dân TP.HCM đã thay đổi. Thay vì cố tranh suất mua tại các dự án chung cư mới như trước đây, hiện nhiều người đã có xu hướng chọn mua căn hộ tại các chung cư cũ để hiện thực hóa giấc mơ an cư.
Giá chung cư mới tại TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung liên tục tăng cao. Thậm chí, giá chung cư mới ở Bình Dương, nhất là những khu vực giáp ranh TP.Thủ Đức, cũng đã vượt mức 40 triệu đồng/m2.
Với mức thu nhập trung bình của phần lớn người dân, có thể nói để mua được căn hộ chung cư mới trên địa bàn TP.Thủ Đức vào thời điểm này thật không dễ. Phương án mua căn hộ chung cư cũ vì thế được nhiều người tính đến.
Bởi với tầm 2 tỷ đồng, người dân có thể mua căn hộ 70m2 ở một chung cư cũ đã có sổ hồng tại P.Linh Tây, TP.Thủ Đức.
Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong quý II/2022, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM khoảng 9.300 căn, trong đó, khu vực phía Đông Sài Gòn chiếm ưu thế với tỷ lệ 90%.
Sự khan hiếm nguồn cung nhà ở bình dân dẫn đến mức bán ra của phân khúc này đạt mức cao và nhanh nhất. Giá bán sơ cấp trung bình của phân khúc nhà ở bình dân ở mức gần 36 triệu đồng/m2, phân khúc trung cấp ở mức 62 triệu đồng/m2.
Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá bán căn hộ mới bị đẩy lên cao, không quá khó hiểu khi người dân có xu hướng tìm mua căn hộ chung cư cũ đã có sổ hồng hoặc chung cư vừa bàn giao.
Dòng tiền đổ vào phân khúc căn hộ cũng đang có sự dịch chuyển. Không chỉ người có nhu cầu mua ở thực, giới đầu tư cũng quan tâm đến loại hình căn hộ chung cư cũ vì lợi nhuận cho thuê đã dần ổn định trở lại. Bên cạnh đó, pháp lý rõ ràng cũng là một lợi điểm của phân khúc này.
Thái Nguyên: Chuyển mục đích sử dụng gần 52ha rừng sản xuất để thực hiện 7 dự án
HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa có Nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 52ha rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác để thực hiện 7 dự án.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong nghị quyết chưa xác định diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là: Dự án xây dựng một số hạng mục phục vụ diễn tập phòng thủ tại căn cứ chiến đấu 2 thành phố Thái Nguyên tại xã Tân Cương, quy mô 1,32ha, trong đó có 1,20ha rừng sản xuất.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261 - ĐT.266, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình và phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên;
Dự án tuyến đường kết nối Quốc lộ 37 và đường tỉnh - ĐT.269B.
Chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện 4 dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Dự án Khu đô thị Hồng Tiến (Khu nhà ở đường 47m); Dự án Khu đô thị hai bên tuyến đường du lịch Sông Công - Núi Cốc, tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công;
Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ; Dự án Khu dân cư nông thôn xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng quyết nghị đưa ra khỏi Nghị quyết số 207/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu thể thao và dịch vụ xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ với diện tích 23,29ha rừng trồng sản xuất loài cây keo tại lô 1 khoảnh 12, lô 3 khoảnh 13 tiểu khu 152, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên;
Điều chỉnh, bổ sung phạm vi, ranh giới, diện tích chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án Khu dân cư nông thôn xóm Bãi Bằng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Dự án sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) của Tập đoàn FLC bị tạm dừng triển khai. |
Gia Lai: Thu hồi chủ trương cho Tập đoàn FLC khảo sát, lập quy hoạch 4 dự án
Tỉnh Gia Lai vừa thống nhất thu hồi các chủ trương đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại 4 dự án ở Gia Lai.
4 Dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) bị tỉnh Gia Lai thu hồi chủ trương gồm: Dự án tháp, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku (khu vực phường Tây Sơn và phường Hội Thương); Dự án khu đất 5ha và 3ha đường Nguyễn Chí Thanh (tại thành phố Pleiku);
Dự án Khu du lịch văn hóa Cao Nguyên đồi thông (xã la Dêr, huyện Ia Grai và phường Diên Hồng thuộc thành phố Pleiku); Dự án Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya (nằm trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Păh).
Các chủ trương trên được tỉnh Gia Lai chấp thuận cho Tập đoàn FLC khảo sát từ các năm 2018-2019. Đến nay đã 4 năm trôi qua và hết thời hạn nhưng phía Tập đoàn FLC vẫn chưa hoàn thành việc nghiên cứu khảo sát.
Ngoài ra, triển khai thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 23/7, tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đắk Đoa, Tập đoàn FLC chấm dứt việc di thực các cây thông tại Khu phức hợp Đắk Đoa (bao gồm sân golf, khu A, khu B, khu C và khu Trung tâm hội nghị thuộc khu vực thực hiện dự án).
| Hiệp định CPTPP tạo xung lực cho hàng Việt chinh phục thị trường châu Mỹ Sau 3 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, kim ngạch xuất khẩu sang ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (22-28/7): Kinh tế Nga gây ngạc nhiên, EU đau đầu vì khí đốt, Mỹ mạnh tay ghìm lạm phát, Trung Quốc khó ‘ngó lơ’ Evergrande Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại, EU quyết định giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, kinh tế Nga tốt hơn dự báo, ... |