Bất động sản mới nhất: Vân Đồn trở thành 'cứ điểm' của loạt siêu dự án; (Nguồn: TCTC) |
Loạt siêu dự án nhà ở, khu đô thị sắp đổ bộ Vân Đồn
UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) vừa có công văn gửi Sở Xây dựng Quảng Ninh về việc bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021.
Theo UBND huyện Vân Đồn, huyện đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn triển khai thực hiện lập các đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Do đó, để có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo, UBND huyện Vân Đồn đề nghị Sở Xây dựng xem xét, thẩm định tổng hợp bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021 trên địa bàn huyện.
Hiện UBND huyện Vân Đồn đang phối hợp, bổ sung, chỉnh sửa số liệu kế hoạch phát triển nhà ở đối với 5 dự án có vị trí tiềm năng, trọng điểm để thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Đồn bao gồm: Dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn; dự án khu đô thị Hải Đăng Vân Đồn; khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn tại xã Vạn Yên; khu đô thị thương mại dịch vụ Đông Nam Sân bay, Khu kinh tế Vân Đồn (khu B); khu đô thị thương mại dịch vụ Đông Bắc sân bay, khu kinh tế Vân Đồn (khu C).
UBND huyện Vân Đồn nêu danh mục các dự án nhà ở, khu đô thị dự kiến triển khai trong năm 2021 gồm 9 dự án. Trong đó những dự án quy mô hàng trăm ha.
Cũng theo kế hoạch phát triển nhà ở, UBND huyện Vân Đồn dự kiến triển khai 14 dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn huyện đến năm 2025.
Trong đó, 10 dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư là: Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tại xã Hạ Long 57,7ha; khu đô thị Hải Đăng Vân Đồn; các khu dân cư thôn Đông Tiến, Đông Thành, xã Đông Xá gần 10 ha; dự án con đường di sản Vân Đồn (phân khu B8) xã Hạ Long gần 110 ha; dự án khu dân cư xen cư 2 tại thôn Tân Phong, xã Quan Lạn hơn 2,1ha; dự án khu dân cư xen cư 3 tại thôn Tân Phong, xã Quan Lạn 8ha; dự án khu đô thị thị thương mại dịch vụ Đông Nam sân bay, khu kinh tế Vân Đồn (khu B); khu đô thị thương mại dịch vụ Đông Bắc sân bay, khu kinh tế Vân Đồn (khu C); tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn, khu vực Ao Tiên.
4 dự án khác đang lập quy hoạch chi tiết, bao gồm: Dự án chỉnh trang khu dân cư hiện trạng, mở rộng khu đô thị tại thị trấn Cái Rồng 17,5ha; dự án phân khu A khu vực Đảo Ngọc Vừng 46,35ha; khu đô thị Minh Châu 24,98ha; khu đô thị tại phân khu 1 và 2 thuộc khu đô thị Cái Rồng 192,5ha.
bất động sản mới nhất. (Báo Khánh Hòa) |
Nha Trang thu hồi, chuyển đổi hơn 712ha đất nông nghiệp
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của TP Nha Trang.
Theo kế hoạch, Nha Trang sẽ thu hồi 415ha đất, trong đó đất nông nghiệp khoảng 320ha, đất phi nông nghiệp 85ha (đất ở nông thôn 11ha, đất ở đô thị 39ha và các loại đất khác).
Đồng thời, thành phố sẽ chuyển mục địch sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp với diện tích là 383ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 32ha, đất trồng cây hàng năm 87ha, đất trồng cây lâu năm 99 ha, đất rừng sản xuất 82ha và đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư 5ha.
Ngoài ra, Nha Trang cũng sẽ chuyển đổi 12ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở và 20ha đất rừng sản xuất chuyển sang đất nông nghiệp không phải là rừng.
Sẽ có 86ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng sẽ được vào sử dụng trong năm 2021 tại TP Nha Trang. Diện tích đất đưa vào sử dụng chủ yếu nằm trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên với 84ha.
Loạt đại gia xây dựng gặp khó, kêu cứu
Mới đây, hàng loạt các công ty xây dựng lớn như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây lắp.
Cụ thể, đại diện Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như số lượng công nhân tham gia vào dự án bấp bênh, ảnh hưởng đến giá trị sản lượng thi công hàng tháng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.
Bên cạnh đó, thực hiện phương án phòng chống dịch, các dự án thi công phải dừng hoặc phương án sản xuất làm phát sinh thêm các chi phí. Ngoài ra, sự tăng giá và khan hiếm của vật liệu đầu vào, giá mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng đã tăng khoảng 25% so với đầu năm trong đó cao nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng… gây áp lực lớn lên các nhà thầu.
Bên cạnh đó theo đại diện nhà thầu này, việc thị trường bất động sản đóng băng khiến nguồn thu từ bán hàng của chủ đầu tư không có nên thanh toán cho nhà thầu bị đình trệ…
Do vậy, công ty này mong muốn Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Công ty CP Eurowindow cũng có những khó khăn tương tự khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao 5%-30% tùy loại... Chưa kể, các khoản vay lưu động của công ty sau tháng 6/2020 không được giãn nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của Công ty.
Trong khi bản thân công ty không thu được tiền khách hàng. Bên cạnh đó công ty này cũng cho biết một số dự án không triển khai được trong thời gian giãn cách.
Ngoài kiến nghị hỗ trợ về thuế, lãi suất, đại diện Eurowindow cũng kiến nghị cho phép người lao động được tiêm vaccine, đến văn phòng, nhà máy làm việc để giải quyết các công việc hằng ngày.
Còn trong đơn kiến nghị gửi tới Hiệp hội nhà thầu, đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu làm chi phí sản xuất tăng cao. Việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Từ những khó khăn này, Cienco4 mong muốn được giảm lãi vay ngắn hạn xuống mức thấp hơn để giảm chi phí tài chính, cơ cấu lại các khoản dư nợ sắp đến hạn phải trả để doanh nghiệp có thời gian giãn các khoản phải trả nợ gốc và lãi.
Cienco4 cũng đề nghị được giảm và gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021 và các năm tiếp theo, giảm tiền đóng BHXH cho người lao động...
Cách xác định lộ giới cho một khu đất ở
Lộ giới là gì?
Chỉ giới đường đỏ (hay gọi là lộ giới) là thuật ngữ được dùng để chỉ ranh giới quy hoạch mở đường hoặc mở hẻm. Mốc lộ giới có ý nghĩa đánh dấu rằng phần đất đó sau này có thể mở rộng hẻm, đường và người dân không được xây dựng các công trình kiên cố trên phần đất đó.
Lộ giới được đo bằng mét dài, tính từ trung tâm của đường (tim đường) sang 2 bên. Cọc lộ giới sẽ được cắm 2 bên đường để cảnh báo người dân không được phép xây dựng các công trình kiên cố trong phạm vi này.
Bên cạnh đó, chiều cao tối thiểu và tối đa của công trình cũng phụ thuộc vào lộ giới, được quy định đồng bộ theo từng khu dân cư.
Luật Xây dựng cũng quy định rõ để người xây nhà xác định khoảng cách tiêu chuẩn với lộ giới như sau:
Cách xác định lộ giới cho một khu đất ở
Mốc lộ giới đất gồm: Lộ giới, khoảng lùi và chỉ giới xây dựng. Trong đó, chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép người dân xây dựng nhà, công trình kiên cố. Chỉ giới xây dựng có thể trùng hoặc lùi vào so với chỉ giới đường đỏ (lộ giới) tùy theo yêu cầu của quy hoạch. Còn khoảng lùi là khoảng cách giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.
Người dân xác định mốc lộ giới cho một khu đất qua 4 bước lần lượt như sau:
- Nhìn tổng quan khu đất chuẩn bị xây dựng, xác định các cột mốc lộ giới và các biển báo liên quan đến lộ giới được cắm ở 2 bên đường.
- Từ vị trí cột mốc lộ giới, xác định lộ giới của tuyến đường tính từ tim đường sang 2 bên.
- Từ lộ giới vừa xác định, tính toán khoảng lùi phù hợp với tuyến đường, đảm bảo đúng theo quy hoạch của cơ quan nhà nước.
- Từ việc xác định được khoảng lùi của công trình sẽ ra được chỉ giới xây dựng. Phần đất trong chỉ giới xây dựng sẽ là phần diện tích xây dựng công trình hợp pháp.