📞

Bất động sản mới nhất: ‘Vỡ mộng’ ôm hàng đợi đường Vành đai 4, nhà đầu tư ồ ạt cắt lỗ; quy định về xử phạt nếu bỏ hoang đất

Hải An 09:06 | 12/08/2023
Ồ ạt bán cắt lỗ tại các dự án "đón đầu" đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Quảng Trị sắp đấu giá hơn 200 lô đất, không sử dụng, bỏ hoang đất có thể bị phạt tiền và mất quyền sử dụng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình/DT)

Đổ xô "ăn" theo quy hoạch… lại ồ ạt cắt lỗ

Thời điểm này năm ngoái, không ít nhà đầu tư kỳ vọng sinh lời lớn từ việc đón đầu quy hoạch, triển khai đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Những dự án BĐS gần tuyến đường vành đai này trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư.

Hàng loạt dự án khu đô thị "đón đầu" vành đai 4 như: Splendora Bắc An Khánh, Hà Đô Charm Villas, Vườn Cam, An Lạc Green Symphony, Hinode Royal Park tại huyện Hoài Đức; khu đô thị The Phoenix Garden tại huyện Đan Phượng; khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Đô Nghĩa, Xuân Mai Complex tại quận Hà Đông… đồng loạt tăng giá.

Đáng chú ý, đầu tháng 6/2022, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã tổ chức bán 202 căn biệt thự thuộc dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (tên thương mại HUD Mê Linh Central) tại huyện Mê Linh, bằng hình thức trả giá cạnh tranh và đạt được tỷ lệ trả giá thành công tới 98% (198 căn).

Đa số sản phẩm đưa ra kinh doanh đều thu được kết quả trả giá chênh vài trăm triệu đồng so với giá khởi điểm, cá biệt có nhiều căn chênh vài tỷ đồng. Nhưng trái với kỳ vọng sinh lời từ việc đón đầu quy hoạch, khi đường tuyến đường vành đai 4 được khởi công, các sản phẩm BĐS tại các dự án "đón đầu" đang được bán cắt lỗ.

Theo khảo sát, rất nhiều biệt thự, nhà vườn (liền kề) tại dự án HUD Mê Linh Central đang được bán cắt lỗ. Số tiền cắt lỗ so với giá hợp đồng mua bán khoảng vài trăm triệu đồng/căn.

Chẳng hạn, 2 căn biệt thự tại dự án HUD Mê Linh Central, diện tích 250m2/căn có vị trí đối diện vườn hoa đang được bán cắt lỗ với giá gần 11,3 tỷ đồng, tương đương 45 triệu đồng/m2 (bao gồm tiền đất và xây dựng). Giá rao bán hiện tại đang thấp hơn giá trong hợp đồng gần 500 triệu đồng/căn, người mua cũng có thể thương lượng thêm.

Khảo sát trên các kênh mua bán BĐS, tại dự án HUD Mê Linh Central, giữa năm 2022, giá bán dao động 48-55 triệu đồng/m2, thì nay giảm xuống trung bình 42-54 triệu đồng/m2; khu đô thị Vườn Cam giữa năm 2022 dao động 58-85 triệu đồng/m2 nay xuống 52-61 triệu đồng/m2...

Tương tự, giữa năm 2022, giá bán nhà liền kề, biệt thự Hà Đô Charm Villas dao động 90-115 triệu đồng/m2 thì nay giảm còn 86-95 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn song lập, diện tích 190m2 có giá rao bán 86 triệu đồng/m2; căn góc 345m2, giữ giá bán 95 triệu đồng/m2.

Trước hiện tượng nhà đầu tư đổ xô "ăn theo" đường vành đai 4 vùng Thủ đô, nhiều chuyên gia cảnh báo, dù tuyến đường này đi qua các địa phương sẽ làm "nóng" thị trường BĐS nhưng cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới…

Bởi vậy, trước khi rót vốn vào BĐS ở những khu vực này nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị, đặc biệt là thời gian chờ dự án được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho BĐS lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này phải mang tính dài hạn.

"Thông tin về việc tăng nóng, ‘sốt đất’ chỉ là chiêu thức của các ‘đội lái’ để tạo sóng thị trường. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ về quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn", ông Đính cảnh báo.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, giai đoạn 2020-2022, giá BĐS những khu vực vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM mượn quy hoạch "thổi giá" đi trước, đạt ngưỡng bằng thậm chí cao hơn cả giá thực khi làm xong đường.

Việc giảm giá chỉ là giảm đỉnh, chưa phải mức giá hợp lý. Giá giảm hợp lý là mức giá phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người mua để tạo ra giao dịch thực.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đầu tư BĐS hiện nay đòi hỏi nhà đầu tư có trình độ, kiến thức đầu tư, tập trung đầu tư vào những sản phẩm có giá trị thực, có thể khai thác để ở, để cho thuê, mang lại lợi nhuận ngay.

Quảng Trị sắp đấu giá hơn 200 lô đất

Trong tháng 8 và tháng 9 tới, 204 lô đất ở các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị sẽ được tổ chức đấu giá. Giá khởi điểm cao nhất hơn 3,4 tỷ đồng/lô.

Công ty Đấu giá hợp danh Đất Việt sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 124 lô đất là tài sản của Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, du lịch biển huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Trong tháng 8 và tháng 9 tới, 204 lô đất ở các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị sẽ được tổ chức đấu giá. (Ảnh minh họa - Nguồn: Cổng TTĐT Quảng Trị)

Theo đó, trong số 124 lô đất đấu giá có 14 lô đất ở các khu dân cư nhỏ lẻ xã Vĩnh Hòa; 13 lô đất tại điểm dân cư khu vực 1, thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn; 32 lô ở điểm dân cư thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái; 45 lô ở khu đất phía Tây Bắc khu dân cư Hòa Lý Hải, thị trấn Cửa Tùng; 19 lô ở điểm dân cư nông thôn Tân An, xã Hiền Thành và 1 lô ở khu dân cư khóm 3, thị trấn Hồ Xá.

Diện tích các lô đất đấu giá từ 168 – 560 m2. Giá khởi điểm từ 177 triệu đồng đến hơn 3,4 tỷ đồng/lô. Người tham gia đấu giá phải đặt trước 20% tổng giá trị thửa đất.

Dự kiến buổi công bố giá bắt đầu từ 7h30’ ngày 20/8 tới, tại hội trường UBND huyện Vĩnh Linh.

Tại huyện Hải Lăng, sáng 31/8, Công ty đấu giá hợp danh Bảo Minh sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 7 lô đất là tài sản của Ban quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hải Lăng.

Trong số 7 lô đất đấu giá tại xã Hải Hưng, có 2 lô đất tại xóm Phú Tân, thôn Lam Thủy và 5 lô đất tại khu vực xóm Vèng, thôn Kinh Duy.

Diện tích các lô đất đấu giá từ 196 – 280 m2. Giá khởi điểm từ hơn 156 triệu đồng đến 420 triệu đồng/lô.

Buổi đấu giá tổ chức tại hội trường Nhà văn hóa xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng.

Tại huyện Gio Linh, sáng 9/9, Công ty đấu giá hợp danh Nam Phương cũng sẽ tổ chức đấu giá 73 lô đất là tài sản của Ban quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Gio Linh.

Cụ thể, 49 lô đất đấu giá thuộc công trình phát triển điểm dân cư xã Gio Sơn và 24 lô đất thuộc công trình phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa.

Diện tích các lô đất đấu giá từ 216 – 419 m2. Giá khởi điểm từ 295 triệu đồng đến gần 1,4 tỷ đồng.

Buổi công bố giá diễn ra tại hội trường UBND huyện Gio Linh.

Các buổi đấu giá của 204 lô đất trên đều được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp, theo phương thức trả giá lên.

Đồng Tháp: Thị trường BĐS có xu hướng tăng trưởng chậm

Sở Xây dựng Đồng Tháp vừa có Báo cáo số 1400/BC-SXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quý II/2023. Theo đó, thị trường BĐS trong tỉnh Đồng Tháp có xu hướng tăng trưởng chậm ở hầu hết các phân khúc.

Trong đó, phân khúc BĐS đất nền có lượng giao dịch nhiều nhất; phân khúc BĐS công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường do nguồn cung hạn chế; BĐS là nhà ở, nghỉ dưỡng và thương mại còn phát triển chậm do phần lớn các dự án nhà ở đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Cũng theo báo cáo, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hoạt động giao dịch bình thường và các dự án nhà ở đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương vẫn tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án đang triển khai thực hiện gồm: Nhà ở xã hội Song Hải Long tại ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc; Nhà ở thương mại thuộc Khu dân cư đô thị ấp Phú Long và Khu nhà phố Tân Quy Tây trên địa bàn thành phố Sa Đéc; Nhà ở công nhân Vĩnh Hoàn thành phố Cao Lãnh. Ngoài ra, có một số dự án nhà ở đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị dự án theo quy định.

Các khu vực đô thị trong tỉnh Đồng Tháp đang phát triển, theo đó các tiện ích ngày càng được nâng cao, chất lượng sống, việc làm và điều kiện kinh doanh luôn thuận tiện dẫn đến thu hút, gia tăng dân số. Tuy nhiên, quỹ đất ở tại khu vực này còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu ngày càng cao; sự tham gia đầu tư vào dự án nhà ở từ các thành phần kinh tế còn ở mức thấp; cung cầu chênh lệch dẫn đến giá BĐS tăng cao như hiện nay.

Trong quý II/2023, tiếp tục thực hiện đầu tư 2 dự án nhà ở thương mại: Khu đô thị Phú Long, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, với diện tích 15,11ha, vốn đầu tư hơn 1.011 tỷ đồng và dự án Khu nhà phố Tân Quy Tây, xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc, diện tích 0,389ha, vốn đầu tư gần 82,5 tỷ đồng.

Hiện nay, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện 1 dự án Khu nhà ở xã hội Song Hải Long, tại ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long Đồng Tháp đang triển khai. Khu nhà ở xã hội này có diện tích 0,8ha, vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng.

Có 1 dự án nhà ở công nhân tại phường 11, thành phố Cao Lãnh do Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn triển khai. Dự án này có diện tích 1,99ha, vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Trong quý II/2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ giao dịch 528 đất nền và 57 nhà ở riêng lẻ.

Không sử dụng, bỏ hoang đất có thể bị phạt tiền và mất quyền sử dụng

Luật Đất đai hiện nay không có quy định cụ thể thế nào là đất bỏ hoang. Tuy nhiên, có thể hiểu đất bỏ hoang là đất không đưa vào sử dụng trong một thời gian dài, gây lãng phí tài nguyên đất, thậm chí làm mất đi giá trị, mục đích sử dụng của đất. Với đất bị bỏ hoang không được đưa vào sử dụng trong một thời gian nhất định sẽ bị Nhà nước thu hồi đất, khi đó người sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng phần diện tích đất này.

Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho… từ chủ thể có quyền.

Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật, người bị thu hồi sẽ không còn quyền sử dụng đất như đã nêu trên. Luật Đất đai 2013 quy định nhiều trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trong đó có thu hồi đất do không sử dụng đất liên tục, thường xuyên trong một thời gian.

Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau: Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục; Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục.

Theo Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5ha; Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5ha - dưới 03ha; Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03ha - dưới 10ha; Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10ha trở lên.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định.

(tổng hợp)